Nếu xử lý không thỏa đáng vấn đề quần đảo Natuna, nhiều quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể sẽ đứng về phía Mỹ để chống lại Trung Quốc.

Bắc Kinh muốn gì ở quần đảo Natuna của Indonesia?

Cẩm Bình | 14/03/2021, 16:22

Nếu xử lý không thỏa đáng vấn đề quần đảo Natuna, nhiều quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể sẽ đứng về phía Mỹ để chống lại Trung Quốc.

Tham gia một hội thảo do tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) tổ chức, cựu quan chức ngoại giao Singapore Kishore Mahbubani nhắc đến Natuna khi được hỏi liệu giữa Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với Trung Quốc có điểm nóng tiềm tàng nào hay không.

Ông chỉ ra rằng hiện tại không có quốc gia thành viên nào trong ASEAN định gia nhập “Bộ tứ kim cương” Mỹ - Nhật - Ấn - Úc, một nỗ lực đối phó Trung Quốc ở khu vực. Hay ít nhất là chưa.

Nếu muốn giữ tình trạng như vậy thì Trung Quốc cần thận trọng trong vấn đề Natuna và hiểu rõ “điểm nhạy cảm”, cựu quan chức Mahbubani - nay là thành viên Viện nghiên cứu châu Á thuộc đại học Singapore - khuyến cáo.

Natuna ở ngoài khơi bờ biển phía tây bắc đảo Borneo thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Indonesia, nhưng Trung Quốc lại tuyên bố vùng biển quanh quần đảo là “ngư trường truyền thống” của mình.

Lực lượng an ninh hàng hải Indonesia (Bakamla) thường xuyên đụng độ tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống tàu cá xâm phạm vùng biển này. Vụ việc nghiêm trọng nhất xảy ra tháng 12.2019 khiến Indonesia triệu tập đại diện ngoại giao gửi công hàm phàn đối, đồng thời điều tàu chiến cùng chiến đấu cơ F-16 tăng cường tuần tra khu vực. 
Tháng sau, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố sẽ "không có thỏa hiệp" đối với chủ quyền lãnh thổ của Indonesia, và thể hiện quan điểm của mình hai ngày sau đó bằng cách đi thăm các đảo.

natuna01.jpg
Một tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện gần Natuna - Ảnh: SCMP

Không chỉ liên quan đến thủy sản

Trung Quốc khẳng định không có tranh chấp chủ quyền với Indonesia. Bất đồng chỉ xoay quanh việc giới chức Bắc Kinh xem vùng biển quanh Natuna là “ngư trường truyền thống”.

Indonesia một mực cho rằng yêu sách của Trung Quốc chẳng hề có cơ sở. Quan điểm quá khác biệt khiến 2 bên khó lòng đàm phán.

Nhà nghiên cứu Đinh Đạc thuộc Viện nghiên cứu Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) cho biết yêu sách xuất phát từ thứ mà Trung Quốc tuyên bố là chủ quyền và quyền lịch sử đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

“Nếu tính thềm lục địa thì vùng chồng lấn vào khoảng 36.000km2. Tính cả vùng đặc quyền kinh tế, vùng chồng lấn mở rộng ra hơn 60.000 km vuông”, theo nhà nghiên cứu họ Đinh.

Phó giáo sư Lôi Tiểu Lộ thuộc đại học Vũ Hán thì đánh giá vấn đề liên quan đến quyền đánh bắt thủy sản, vì hoạt động đánh bắt của Trung Quốc nằm trong khu vực “đang chờ phân định”. Natuna nằm sát ngay dưới Biển Đông.

Theo nhà nghiên cứu Đinh, căng thẳng xung quanh Natuna không quá gay gắt cả về độ nhạy cảm chính trị lẫn mức độ đối đầu. Chỉ là truyền thông cùng “một số thế lực trong nước” biến bất đồng về quyền đánh cá thành căng thẳng về địa chính trị và tinh thần dân tộc.

natuna00.jpg
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (áo đen) từng khẳng định không thỏa hiệp về vấn đề Natuna - Ảnh: AP

Nhưng Indonesia không lo lắng vô căn cứ, nhất là sau 2 động thái từ phía Trung Quốc: xây dựng hạ tầng quân sự trên hàng loạt thực thể địa lý ở Biển Đông mà họ chiếm đóng phi pháp, ban hành luật hải cảnh mới cho phép lực lượng bán quân sự này bắn súng vào tàu nước ngoài.

Học giả René Pattiradjawane thuộc Trung tâm nghiên cứu The Habibie (Jakarta) cho biết từ đầu những năm 1990, Indonesia đã yêu cầu Trung Quốc mô tả rõ những gì họ tuyên bố là quyền và lợi ích tại vùng biển quanh Natuna. Tuy nhiên giới chức Bắc Kinh đến nay chưa hề phản hồi.

Ông cũng lưu ý, căn cứ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 cùng thông lệ hàng hải quốc tế thì ngư trường truyền thống có thể được quy định bởi thỏa thuận song phương. Vậy mà giới chức Bắc Kinh từng khiến Indonesia ngạc nhiên khi đơn phương xuất bản một bản đồ hoạt động nghề cá ở Biển Đông (năm 1994) xác định vùng biển quanh Natuna là ngư trường thuộc Trung Quốc.

“Tôi có được tấm bản đồ vào năm 2016, do hải quân Indonesia tịch thu từ tàu cá Trung Quốc”, học giả Pattiradjawane cho biết.

Trung Quốc sẽ chẳng dám mạnh tay

Nhà nghiên cứu Collin Koh thuộc Học viện Quan hệ quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) khẳng định bất chấp vài vụ đụng độ gần đây tại Natuna, Trung Quốc sẽ chẳng dám mạnh tay với một quốc gia có tầm quan trọng về địa chính trị như Indonesia (thành viên chủ chốt của ASEAN, đóng vai trò tích cực trong hàng loạt vấn đề khu vực thời gian qua).

Theo học giả Pattiradjawane, Trung Quốc hoàn toàn có quyền đưa ra yêu sách nếu tôn trọng luật pháp quốc tế. Nhưng nếu nước này dùng sức mạnh quân sự và kinh tế gây sức ép thì chỉ khiến cộng đồng quốc tế nghi ngờ, lo lắng hơn mà thôi.

Bài liên quan
VinFast chính thức bàn giao ô tô điện VinFast VF 5 tại Indonesia
Ngày 22.11.2024, VinFast Auto công bố chính thức bàn giao mẫu ô tô điện VinFast VF 5 tại thị trường Indonesia trong khuôn khổ sự kiện Gaikindo Jakarta Auto Week, diễn ra từ ngày 22.11 đến ngày 01.12.2024. Đây là mẫu ô tô điện thứ hai VinFast bàn giao tại thị trường này, tiếp tục hiện thực hóa sứ mệnh giúp ô tô điện trở nên dễ tiếp cận hơn với mọi người, đóng góp vào cuộc cách mạng giao thông xanh tại Indonesia và trên toàn khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bắc Kinh muốn gì ở quần đảo Natuna của Indonesia?