Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120, ĐBSCL đã có những thay đổi, chuyển mình mạnh mẽ theo hướng thuận thiên, bền vững.
Sinh kế, đời sống của nhân dân được từng bước cải thiện. Bức tranh phát triển ĐBSCL ngày càng được điểm tô bằng nhiều gam màu tươi sáng… Đó là đánh giá của Bộ TN-MT tại Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn ra vào sáng nay 13.3 tại TP.Cần Thơ với sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Hơn 3 năm trở mình
Theo Bộ TN-MT, dù thời gian triển khai thực hiện chưa dài, nhưng đến nay việc thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) đã đạt được một số kết quả ban đầu rất quan trọng. Trong đó nổi bật nhất là đã kiến tạo thể chế, chính sách thúc đẩy phát triển bền vững vùng ĐBSCL theo một tổng thể thống nhất, kết nối liên vùng tạo sức mạnh tổng hợp.
Nhiều cơ chế, chính sách được nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện nhằm khuyến khích đầu tư phục vụ cho phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Trong đó ưu tiên một số lĩnh vực như: năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng; hạ tầng và kỹ thuật môi trường; nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; chế biến thực phẩm và các dịch vụ vận tải liên quan.
Một kết quả khác đạt được là ĐBSCL đã chuyển từ bị động sang chủ động thích ứng với BĐKH thông qua nâng cao năng lực quan trắc, giám sát khí hậu, dự báo sớm thời tiết, cảnh báo kịp thời thiên tai; chuyển đổi sản xuất, kinh doanh phù hợp dựa trên các lợi thế tự nhiên.
Hơn 3 năm qua, Nghị quyết cũng đã giúp ĐBSCL định hình không gian phát triển, quy hoạch hạ tầng kết nối vùng và với TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ. Khơi thông, thúc đẩy nguồn lực đầu tư công làm hạt giống, dẫn dắt đầu tư của khối doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế cho phát triển bền vững ĐBSCL. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hợp tác quốc tế, truyền thông nâng cao nhận thức, đào tạo, chuyển đổi ngành nghề phục vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
Đánh giá tổng thể, hạn chế, nguyên nhân và thách thức, Bộ TN-MT cho rằng, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, ĐBSCL đã có những thay đổi, chuyển mình mạnh mẽ theo hướng thuận thiên, bền vững. Sinh kế, đời sống của nhân dân được từng bước cải thiện. Bức tranh phát triển ĐBSCL ngày càng được điểm tô bằng nhiều gam màu tươi sáng.
Định hình không gian phát triển thông qua kết nối hạ tầng giao thông, liên kết vùng đã và đang có nhiều tiến triển, thay đổi bộ mặt của ĐBSCL. Tăng trưởng GDP luôn ở mức cao, trong 2 năm liên tục 2018 và 2019 đều đạt mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 7,3%. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế đạt được một số kết quả tích cực, nhất là trong nông nghiệp đã khẳng định chủ trương đúng đắn thuận thiên, giúp chủ động thích ứng với tác động của BĐKH.
Thực tiễn đó một lần nữa khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước về phát triển bền vững ĐBSCL, phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển trong nước và quốc tế, đặc biệt là trước những thách thức to lớn của BĐKH.
Những thách thức cần vượt qua
Dù vậy việc thực hiện Nghị quyết vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: các cơ chế, chính sách này cần có thời gian để phát huy hiệu quả, đồng thời phải phù hợp với tổng thể chung của cả nước. Thể chế điều phối vùng vừa mới được hình thành và cần có thời gian để giúp Chính phủ điều phối thực hiện các nhiệm vụ liên ngành, liên vùng.
Nghị quyết số 120/NQ-CP được ban hành sau Chương trình Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, dù nguồn lực thực hiện Nghị quyết đã được quan tâm, thúc đẩy nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Phần lớn các công trình, dự án có tính liên vùng, liên ngành, có quy mô lớn nhằm thay đổi cơ bản bức tranh phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH vẫn còn chậm triển khai thực hiện.
Cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư từ khối tư nhân và xã hội còn gặp nhiều khó khăn, chưa tạo được đột phá, đặc biệt do tác động của đại dịch COVID-19. Luật Quy hoạch được ban hành với các yêu cầu và nội dung mới dẫn đến một số lúng túng trong quá trình rà soát, xây dựng quy hoạch, nhất là việc xây dựng Quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL theo phương pháp tích hợp và các quy hoạch ngành, địa phương để tích hợp vào Quy hoạch vùng ĐBSCL.
Tư duy phát triển thuận thiên theo 3 vùng kinh tế sinh thái chậm được triển khai, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng còn lúng túng do chưa có quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL. Các dự án hạ tầng còn thiếu kết nối đồng bộ, đa mục tiêu để tạo ra động lực phát triển thị trường cho các hàng hóa nông sản là thế mạnh của vùng như lúa gạo, trái cây, thủy sản.
Thực trạng trên đã đặt ra cho ĐBSCL những thách thức cần phải vượt qua. BĐKH, thiên tai đang ngày càng diễn ra nhanh, phức tạp và sẽ tiếp tục khó lường, khó dự báo do tính thất thường, cực đoan, đặc biệt là những tác động ngắn hạn. Các hoạt động khai thác, sử dụng nước ở phía thượng nguồn, đặc biệt là các dự án thuỷ điện trên dòng chính sông Mê-Kông ngày càng phức tạp hơn trong khi cơ chế điều phối tiểu vùng đã cho thấy những bất cập, khó phát huy tối đa hiệu quả, tình trạng thiếu cát, thiếu màu, thiếu nước được dự báo sẽ còn tiếp diễn nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến phát triển ĐBSCL.
Nghị quyết mới được triển khai thực hiện hơn 3 năm và mới chỉ ở bước đầu, trong khi các mục tiêu, tầm nhìn, nhiệm vụ trong Nghị quyết mang tính chiến lược, dài hạn. Do đó cần phải có thời gian và nguồn lực để đảm bảo triển khai khối lượng công việc lớn đã được đề ra.
Phát triển thuận thiên phải quán triệt trong các quyết sách
Bộ TN-MT kiến nghị định hướng trọng tâm thúc đẩy phát triển bền vững ĐBSCL trong giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến 2030 rằng chủ trương phát triển thuận thiên tiếp tục được quán triệt trong các quyết sách phát triển bền vững ĐBSCL.
Về thể chế, cơ chế chính sách cần phát huy vai trò Hội đồng Điều phối vùng, đặc biệt trong đề xuất các giải pháp mang tính tổng thể liên ngành, kết nối vùng, các chương trình, dự án trọng điểm mang tính động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững ĐBSCL. Rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách được cụ thể trong Nghị quyết và Chương trình Hành động tổng thể, đặc biệt là cơ chế về huy động nguồn lực thông qua hình thức đối tác công - tư.
Tập trung đất đai phục vụ chuyển đổi quy mô lớn, quy hoạch các khu vực trồng lúa chuyển đổi mục đích linh hoạt để chủ động trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên từng năm. Sớm ban hành Quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 làm căn cứ để triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh vùng ĐBSCL; triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL theo các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước.
Ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển phục vụ sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân vùng ĐBSCL, nhất là các dự án đa mục tiêu, kết nối vùng. Tăng cường điều tra cơ bản, năng lực quan trắc, dự báo, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu. Thúc đẩy chuyển đổi quy mô lớn, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu hợp lý. thúc đẩy khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế. đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.