Đội tuyển Nhật Bản đã thắng Đức 2-1 tại World Cup 2022, tám tháng sau, Nhật Bản không chỉ thắng mà còn đè bẹp đội tuyển Đức 4-1!

Âu du – con đường nâng tầm bóng đá Nhật Bản

Đặng Hoàng | 10/09/2023, 19:40

Đội tuyển Nhật Bản đã thắng Đức 2-1 tại World Cup 2022, tám tháng sau, Nhật Bản không chỉ thắng mà còn đè bẹp đội tuyển Đức 4-1!

Đức vào thời điểm hiện tại không còn là "ông trùm" của bóng đá thế giới, nhưng họ vẫn là đội hàng đầu khi nền bóng đá của họ từng 4 lần vô địch World Cup (1954, 1974, 1990, 2014).

Điều gì đã giúp cho đội Nhật có 2 chiến thắng liên tiếp trước đội tuyển Đức? Nếu như Nhật thắng Đức 2-1 tại World Cup 2022 là trận thắng ngược dòng, trong trạng thái khung thành của họ luôn chao đảo và chỉ thắng với những pha phản công, thì trận giao hữu thắng 4-1 là trận thắng toàn diện: Nhật mở tỷ số, sau đó dẫn 2-1 rồi 4-1 với 2 bàn thắng ghi được ở phút 90, 90+2.

Làn sóng du học châu Âu

Điều đáng chú ý là 5 tuyển thủ Nhật đã ghi 6 bàn trong hai trận thắng trước Đức, thì cả 5 đều đang thi đấu ở nước ngoài. Ngoại trừ trung phong Ayase Ueda, 25 tuổi đang thi đấu cho đội Feyenoord ở Hà Lan – người nâng tỷ số lên 2-1, thì 3/4 người còn lại đang thi đấu ở Bundesliga. Riêng Ito ghi 2 bàn thì trước đó chơi ở Bundesliga nhưng năm 2023 đã qua Pháp khoác áo cho CLB Reims thi đấu ở Ligue 1.

Có một chi tiết đáng chú ý khác, đó là ngoài vị trí thủ môn Keisuko Osaka đang thi đấu ở J-League, thì 16 cầu thủ còn lại, gồm 10 người trong đội hình xuất phát và 6 cầu thủ dự bị vào sân thay người đều thi đấu ở các giải vô địch ở châu Âu: Anh, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha.

Đa số các tuyển thủ Nhật có điểm giống nhau nữa lạ họ khoác áo các đội U: 17, 20, 21, 23 trước khi thi đấu cho đội tuyển quốc gia, và họ đều sớm thi đấu ở nước ngoài với điểm đến là các giải vô địch quốc gia châu Âu.

Nhìn lại 21 năm trước, khi Nhật Bản là đồng chủ nhà World Cup 2002 với Hàn Quốc chỉ có 4 tuyển thủ thi đấu ở châu Âu, thì tại World Cup 2022 con số này đã là 19/26. Đến trận thắng Đức 4-1, có đến 23/26 tuyển thủ thi đấu ở nước ngoài trong đó 22/23 đang đá ở châu Âu.

Thực tế này cho thấy dù J-League là giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Á, nhưng để trình độ đội tuyển Nhật vượt khỏi biên giới châu Á và đạt đẳng cấp thế giới là nhờ làn sóng cầu thủ du đấu ở châu Âu.

Châu Âu thay đổi cách nhìn về bóng đá Nhật

Khi J-League được thành lập năm 1993, để có sức hút và tạo được sự chú ý, J_leauge đã sao chép giải vô địch bóng đá Mỹ khi chiêu mộ những ngôi sao thế giới ở tuổi xế chiều như Gary Lineker hay Zico.

Nhưng sau đó J-League dần phát triển, cho đến nay thu hút trung bình 20.000 khán giả mỗi trận, đồng thời sở hữu bản quyền truyền hình 12 năm có giá trị lên tới 2,1 tỷ USD với hãng DAZN.

J-League phát triển nhưng lại nhỏ bé đối với các tài năng trẻ của bóng đá Nhật. Nếu như quá khứ nhiều tuyển thủ Nhật Bản chỉ xuất ngoại ở giai đoạn cuối sự nghiệp, thì gần đây, bóng đá Nhật Bản đã xuất khẩu qua châu Âu những cầu thủ trẻ.

10 năm trước, cầu thủ Nhật phải khẳng định được tài năng ở J-League cũng như đội tuyển quốc gia, thì mới có thể qua châu Âu thi đấu. Còn gần đây, các câu lạc bộ bóng đá châu Âu hiểu rằng, người Nhật Bản rất tài năng. Đó là lý do bóng đá châu Âu đã săn cầu thủ trẻ Nhật Bản.

Bóng đá Nhật Bản không lo sợ chảy máu cầu thủ giỏi sẽ ảnh hưởng đến chất lượng J-League, vì họ hiểu rằng, đó là con đường ngắn nhất, giải pháp tốt nhất để các tài năng trẻ Nhật Bản phát triển và đó sẽ là nền tảng nâng cao trình độ, đẳng cấp đội tuyển quốc gia.

Một lợi thế khác của Nhật Bản đó là bóng đá của họ đi lên theo đà phát triển xã hội và Nhật đương nhiên trở thành thị trường không thể thiếu với các hoạt động kinh tế của châu Âu, trong đó bóng đá là một phần của sức hút mạnh mẽ của nền kinh tế Nhật Bản.

Từ đây các học viện do những CLB châu Âu thành lập đã xuất hiện. Các HLV, ngoại binh phương châu Âu, Nam Mỹ đến J-League… Tất cả đã gián tiếp nâng cao trình độ bóng đá Nhật.

Ngoài ra Barcelona đã mở đến 5 học viện quy mô ở Nhật trong 13 năm qua, thu nhận nhiều cầu thủ trẻ Nhật Bản và không chỉ đưa những tài năng này đến gần hơn với giấc mơ bóng đá trời Âu mà còn giúp cho nền bóng đá Nhật Bản hoàn thiện hơn khâu đào tạo cầu thủ.

***

Người Nhật đã có đề án phát triển bóng đá đạt đẳng cấp cao thế giới vào năm 2030, và đến 2050, họ đặt ra mục tiêu trung phong đội tuyển quốc gia sẽ có chiền cao 1m90 để đội tuyển ít nhất vào bán kết World Cup. Còn hiện nay, họ đã xây dựng “bức tường chắn” cho đội tuyển Nhật với cặp trung vệ Tomiyasu – Itakura và thủ môn Osako cùng cao 1m88.

Người Nhật làm bóng đá không chỉ đầu tư mà còn có kế hoạch chiến lược lâu dài cùng mục tiêu cụ thể từ đào tạo trẻ, chuyên môn… mà còn đặc biệt chú ý đến dinh dưỡng, khoa học thể thao để cải thiện thể hình tố chất.

Bóng đá Nhật Bản một lần nữa khẳng định triết lý: thành công trong cuộc sống không tự nhiên mà đến!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Âu du – con đường nâng tầm bóng đá Nhật Bản