Cơ quan giám sát cạnh tranh Hà Lan (ACM) hôm 2.10 cho biết đã bác bỏ sự phản đối của Apple về khoản tiền phạt 50 triệu euro (53 triệu USD) do công ty này không tuân thủ các lệnh nhằm hạn chế vị trí thống trị của App Store.

Apple lại 'gặp hạn' ở EU khi ACM bác bỏ sự phản đối về tiền phạt 50 triệu euro

Sơn Vân | 02/10/2023, 18:59

Cơ quan giám sát cạnh tranh Hà Lan (ACM) hôm 2.10 cho biết đã bác bỏ sự phản đối của Apple về khoản tiền phạt 50 triệu euro (53 triệu USD) do công ty này không tuân thủ các lệnh nhằm hạn chế vị trí thống trị của App Store.

ACM cho biết Apple đã tuân thủ hầu hết yêu cầu của họ để mở App Store với các hình thức thanh toán thay thế cho các ứng dụng hẹn hò ở Hà Lan, nhưng chưa đáp ứng được yếu tố thứ ba không được tiết lộ trong các điều kiện liên quan đến tiền phạt.

Vào năm 2021, ACM đã ra phán quyết rằng Apple vi phạm luật cạnh tranh của Hà Lan trên thị trường ứng dụng hẹn hò và yêu cầu công ty cho phép các nhà phát triển ứng dụng hẹn hò sử dụng bộ xử lý thanh toán của bên thứ ba.

ACM phạt Apple 5 triệu euro mỗi tuần, cuối cùng lên tới 50 triệu euro trong thời gian hãng không tuân thủ.

Apple phản đối những khoản tiền phạt này, cho rằng cơ quan quản lý Hà Lan đã xác định không chính xác các thị trường liên quan và đánh giá quá cao vị thế thống trị của Apple trên mảng ứng dụng hẹn hò.

ACM đã bác bỏ mọi phản đối của Apple trong quyết định được công bố hôm 2.10.

Apple cho biết: “Chúng tôi không đồng ý với mệnh lệnh ban đầu của ACM, điều này làm giảm các ưu đãi đầu tư và không mang lại lợi ích tốt nhất cho quyền riêng tư hoặc bảo mật dữ liệu của người dùng của chúng tôi. Vì ACM đã từ chối khiếu nại hành chính của chúng tôi nên chúng tôi sẽ kháng cáo lên tòa án Hà Lan”.

ACM thông báo sẽ công bố phần vẫn chưa được tiết lộ của quá trình tố tụng bị Apple phản đối nếu thắng kiện trước tòa.

Sự việc bắt đầu từ năm 2019 khi ACM công bố kết quả điều tra rằng khoản phí hoa hồng 15 - 30% của Apple trên App Store là hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến vụ kiện lịch sử giữa nhà phát triển game Fortnite với Apple.

Tháng 9.2021, toà án Mỹ yêu cầu Apple dỡ bỏ các hạn chế trong phương thức thanh toán của ứng dụng trên cửa hàng trực tuyến và không được phép ngăn cấm các nhà phát triển hướng người dùng đến các phương thức thanh toán khác thay thế. Apple kháng cáo với lý do nếu tuân thủ có thể gây thiệt hại cho người tiêu dùng, vì thanh toán qua App Store cho phép hãng bảo vệ người tiêu dùng và nền tảng của mình.

Apple luôn phủ nhận việc lạm dụng sự thống trị và vẫn áp dụng thu phí tối đa 30%. Chính sách này đang bị Mỹ và một số quốc gia giám sát chặt chẽ. Theo quy định mới được thống nhất ngày 24.3.2022 của Ủy ban châu Âu, chính phủ các nước thành viên sẽ yêu cầu App Store không độc quyền trong hình thức thanh toán. Quy định đã có hiệu lực từ tháng 10.2022.

"Một số công ty thích chơi trò câu giờ hoặc cố gắng lách luật. Hành vi của Apple ở Hà Lan là ví dụ. Như chúng tôi hiểu, Apple thích trả tiền phạt theo định kỳ hơn là tuân theo quyết định của cơ quan quản lý về các điều khoản cho các bên thứ ba truy cập vào App Store của họ", bà Margrethe Vestager, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách vấn đề cạnh tranh và chính sách kỹ thuật số của Liên minh châu Âu (EU), nói trong sự kiện trực tuyến hồi tháng 2.2022.

apple-tiep-tuc-gap-han--eu-khi-acm-bac-bo-su-phan-doi-ve-tien-phat-50-trieu-euro-.jpg
ACM hôm 2.10 cho biết đã bác bỏ sự phản đối của Apple về khoản tiền phạt 50 triệu euro - Ảnh: Reuters

Apple đang gặp hạn ở EU khi đầu năm nay bị Pháp phạt 8 triệu euro với các cáo buộc về cách hoạt động của quảng cáo được cá nhân hóa trên iPhone.

Cơ quan bảo vệ dữ liệu của Pháp (CNIL) cho biết: "Sau các khiếu nại về việc cá nhân hóa quảng cáo trên App Store, cơ quan đã thực hiện một số cuộc điều tra vào năm 2021 và 2022. Kết quả cho thấy từ phiên bản iOS 14.6 khi người dùng truy cập App Store, các mã định danh có mục đích, gồm cả tùy chỉnh quảng cáo, sẽ được tự động gắn vào thiết bị đầu cuối mà không cần sự đồng ý".

CNIL giải thích thêm rằng hình phạt được đưa ra dựa theo "số lượng người có liên quan tại Pháp và lợi nhuận mà công ty thu được từ hoạt động quảng cáo thông qua việc thu thập dữ liệu bởi các mã định danh này".

Trong phản hồi với trang Financial Times, Apple nói công ty rất thất vọng với quyết định trên và sẽ kháng cáo.

"Quảng cáo tìm kiếm của Apple tiến xa hơn bất kỳ nền tảng quảng cáo kỹ thuật số nào khác, bằng cách cung cấp cho người dùng lựa chọn rõ ràng về việc họ có muốn quảng cáo được cá nhân hóa hay không", đại diện Apple cho biết. Người này nói thêm rằng quảng cáo tìm kiếm của Apple không theo dõi người dùng trên các ứng dụng và trang web của bên thứ ba mà chỉ sử dụng dữ liệu của bên thứ nhất để cá nhân hóa quảng cáo.

Hồi tháng 7, Cơ quan giám sát chống độc quyền của Tây Ban Nha (CNMC) cho biết đã phạt Apple và Amazon tổng cộng 194,1 triệu euro vì hành vi thông đồng để hạn chế việc mua bán trực tuyến các thiết bị từ Apple và các đối thủ cạnh tranh ở nước này.

CNMC nêu rõ hai hợp đồng mà Amazon và Apple ký kết hôm 31.10.2018 nhằm trao cho Amazon tư cách đại lý ủy quyền Apple có các điều khoản chống cạnh tranh gây ảnh hưởng đến thị trường kinh doanh thiết bị điện tử trực tuyến ở Tây Ban Nha.

Apple và Amazon đã hạn chế số lượng người bán các sản phẩm của Apple trên trang web Amazon ở Tây Ban Nha mà không có lý do chính đáng”, CNMC cáo buộc.

Kết quả là hơn 90% các nhà bán lẻ đang sử dụng thị trường của Amazon để bán các thiết bị Apple đã bị chặn.

Cũng theo cơ quan quản lý của Tây Ban Nha, Amazon đã giảm khả năng tiếp cận khách hàng trong nước của các nhà bán lẻ thuộc EU có trụ sở bên ngoài Tây Ban Nha, đồng thời hạn chế số lượng quảng cáo mà các đối thủ cạnh tranh với Apple có thể hiển thị trên trang web của họ khi người dùng tìm kiếm các sản phẩm Apple.

Sau thỏa thuận giữa hai gã khổng lồ công nghệ, giá thiết bị Apple được bán trực tuyến ở Tây Ban Nha đã tăng lên”, CNMC cho biết.

Apple bị phạt 143,6 triệu euro, còn tiền phạt Amazon là 50,5 triệu euro. Theo quy định, hai công ty Mỹ có hai tháng để kháng cáo quyết định của CNMC. Apple và Amazon tuyên bố sẽ kháng cáo án phạt này.

Chúng tôi bác bỏ cáo buộc của CNMC rằng Amazon được hưởng lợi từ việc loại trừ người bán khỏi thị trường của mình, vì mô hình kinh doanh của chúng tôi phụ thuộc chính xác vào sự thành công của các công ty bán hàng qua Amazon”, người phát ngôn gã khổng lồ thương mại điện tử nói.

Đại diện Amazon nhấn mạnh khách hàng mua thiết bị Apple đã được hưởng lợi từ thỏa thuận này và số lượng người giảm giá iPad, iPhone đã tăng lên.

Trong khi đó, Apple cho biết thỏa thuận với Amazon được thiết kế nhằm hạn chế số lượng sản phẩm giả mạo thương hiệu hãng này được bán trực tuyến.

Bài liên quan
Màn hình iPhone có mã QR ẩn giúp Apple kiểm soát chi phí sản xuất của 2 đối tác Trung Quốc
Apple đã tiêu hàng triệu USD để thêm mã QR vào màn hình iPhone giúp kiểm soát chi phí sản xuất của hai công ty Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
một giờ trước Thị trường và chính sách
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Apple lại 'gặp hạn' ở EU khi ACM bác bỏ sự phản đối về tiền phạt 50 triệu euro