Apple đã cảnh báo trong bức thư gửi tới các nhà lập pháp Mỹ rằng 2 dự luật chống độc quyền đang được xem xét tại Thượng viện sẽ làm tăng nguy cơ vi phạm bảo mật với người dùng iPhone.

Apple: Dự luật mới có thể khiến hàng triệu người dùng iPhone bị malware tấn công

Sơn Vân | 19/01/2022, 18:06

Apple đã cảnh báo trong bức thư gửi tới các nhà lập pháp Mỹ rằng 2 dự luật chống độc quyền đang được xem xét tại Thượng viện sẽ làm tăng nguy cơ vi phạm bảo mật với người dùng iPhone.

Một phần vì luật có thể buộc nhà sản xuất iPhone cho phép sideload, nơi các ứng dụng được tải xuống bên ngoài App Store.

Sideload là thuật ngữ dùng để chỉ ᴠiệc cài đặt các ứng dụng từ những nguồn khác nhau, không phải từ App Store. Mục đích chính của ᴠiệc ѕideload là để khách hàng có cơ hội thử nghiệm những phần mềm mới nhất mà không cần phải jailbreak máу hoặc đưa ứng dụng lên App Store.

Sự phản đối từ Apple phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng của hãng về Đạo luật Trực tuyến đổi mới và lựa chọn của người Mỹ Đạo luật Thị trường ứng dụng mở. Cả hai dự luật này dự kiến ​​sẽ được xem xét trong tuần này.

"Hai dự luật khiến người tiêu dùng bị tổn hại vì nguy cơ vi phạm quyền riêng tư và bảo mật thực sự", Timothy Powderly, Giám đốc cấp cao về các vấn đề chính phủ của Apple, viết trong một bức thư gửi tới Ủy ban Tư pháp Thượng viện.

Apple bị các cơ quan quản lý giám sát trong vài năm qua với việc kiểm soát App Store - cách duy nhất để cài đặt ứng dụng trên iPhone. Apple lấy hoa hồng từ 15% đến 30% với các giao dịch mua kỹ thuật số được thực hiện thông qua các ứng dụng iPhone.

Do Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar (đảng Dân chủ) và Charles Ernest Grassley (đảng Cộng hòa) đưa ra, Đạo luật Trực tuyến đổi mới và lựa chọn của người Mỹ sẽ cấm các nền tảng thống trị ưu tiên sản phẩm của chính họ hơn các đối thủ.

Điều đó có thể có ảnh hưởng nghiêm trọng đến Apple và Google (hai công ty lưu trữ các ứng dụng đối thủ trên các cửa hàng ứng dụng của mình) cùng Amazon (tập đoàn bán các sản phẩm nhãn hiệu riêng trên thị trường của mình song song các thương hiệu bên thứ ba).

Trong khi đó, Đạo luật Thị trường ứng dụng mở, do Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal (đảng Dân chủ) và Marsha Blackburn (đảng Cộng hòa) đưa ra, sẽ ngăn các nền tảng thống trị ưu tiên sản phẩm của riêng mình nhưng tập trung đặc biệt vào cửa hàng ứng dụng.

Chẳng hạn, dự luật sẽ ngăn các công ty có cửa hàng ứng dụng thống trị, như Apple và Google, điều chỉnh việc phân phối ứng dụng về việc liệu nhà phát triển có sử dụng hệ thống thanh toán trong ứng dụng của nền tảng đó không.

Apple bị phản pháo khi lập luận rằng các quy tắc của họ cần thiết cho bảo mật

Apple luôn lập luận rằng quyền kiểm soát của họ với App Store là điều cần thiết để mang lại trải nghiệm an toàn và riêng tư cho khách hàng. Nếu không, người dùng có thể cài đặt malware và phần mềm độc hại khác, theo Apple.

Smartphone Android cho phép sideload các ứng dụng, dù người dùng phải đồng ý với một số cửa sổ bật lên cảnh báo trong phần mềm để làm như vậy.

Trong bức thư của mình, Apple cảnh báo rằng việc cho phép người dùng sideload các ứng dụng, như trong dự luật, sẽ là "tổn thất lớn với người tiêu dùng". Apple nói điều đó sẽ cho phép các nhà phát triển ứng dụng bỏ qua các chính sách bảo mật của hãng này và mở toang cánh cửa cho các cuộc tấn công từ những kẻ lừa đảo.

Nếu Apple buộc phải kích hoạt sideload, hàng triệu người Mỹ có thể sẽ phải hứng chịu các cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại vào iPhone của họ mà đáng ra đã bị chặn lại”, Timothy Powderly viết trong thư.

Apple lập luận rằng hai dự luật nên cho công ty khả năng bảo vệ các quy tắc của mình với lập luận rằng chúng “tăng phúc lợi cho người tiêu dùng”.

apple-noi-luat-moi-co-the-khien-hang-trieu-nguoi-dung-iphone-bi-malware-tan-cong.jpg
Apple cảnh báo 2 dự luật chống độc quyền mới sẽ làm tăng nguy cơ vi phạm bảo mật với người dùng iPhone - Ảnh: Internet

Người phát ngôn cho Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar không đồng ý với cách giải thích của Apple về dự luật của bà.

Người này tuyên bố: “Dự luật không buộc Apple cho phép các ứng dụng không được sàng lọc trên các thiết bị của hãng. Tất cả các lập luận của Apple về việc sideload thực sự là một nỗ lực tuyệt vọng nhằm duy trì độc quyền Apple Store, thứ mà họ sử dụng để thu những khoản phí khổng lồ từ các doanh nghiệp mà họ đang cạnh tranh.

Cần nói rõ là công ty trị giá hàng ngàn tỉ USD này có khả năng bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật cao hơn trong khi vẫn mang đến cho người tiêu dùng sự lựa chọn tốt hơn bằng cách cho phép cạnh tranh. Luật pháp bao gồm các điều khoản mạnh mẽ rằng tất cả nền tảng phải bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật của người dùng".

Trong bài đăng trên blog, Kent Walker, Giám đốc pháp lý của Google, lập luận tương tự rằng hai dự luật có thể khiến sản phẩm của họ kém an toàn hơn bằng cách ngăn hãng này tích hợp các tính năng bảo mật tự động hoặc khiến việc phát hiện rủi ro bảo mật trên các sản phẩm khó hơn nếu bị buộc phải phá vỡ kết nối giữa chúng.

Ông cũng cho biết các dự luật có thể buộc Google chia sẻ dữ liệu nhạy cảm với các công ty khác và cửa hàng ứng dụng cũng như công cụ tìm kiếm của họ “có thể phải để nổi bật ngang hàng một loạt dịch vụ spam và chất lượng thấp”.

Kent Walker cũng cho rằng hai dự luật sẽ đặt sự đổi mới của Mỹ vào thế bất lợi và cuối cùng gây tổn hại cho người tiêu dùng lẫn các doanh nghiệp nhỏ sử dụng dịch vụ của họ.

Tuy nhiên, hơn 36 công ty đã ký một lá thư ủng hộ Đạo luật Trực tuyến đổi mới và lựa chọn của người Mỹ, nói rằng việc các nền tảng thống trị tự ưu tiên sản phẩm của mình “ngăn cản các hãng như chúng tôi cạnh tranh về thành tích”.

Bên ký vào thư ủng hộ dự luật này gồm đối thủ của các hãng công nghệ lớn. Nhiều trong số đó đã lên tiếng hoặc thậm chí kiện một số hãng công nghệ lớn trong quá khứ, như Basecamp, DuckDuckGo, Genius, Neeva, Proton, Sonos và Yelp.

Cả hai dự luật dự kiến ​​sẽ được Ủy ban Tư pháp Thượng viện ghi nhận ngày 20.1.2022, qua đó chúng có thể được sửa đổi và có khả năng được bỏ phiếu để áp dụng. Ngay cả khi ủy ban bác bỏ hai dự luật này, lãnh đạo Thượng viện sẽ phải dành thời gian để có cuộc bỏ phiếu, giữa một núi các vấn đề cấp bách khác.

Các tổ chức được tài trợ bởi hãng công nghệ lớn đã và đang đặc biệt đẩy mạnh phản đối dự luật do Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar đưa ra, với Chamber of Progress cảnh báo rằng người tiêu dùng sẽ ngăn Amazon cung cấp giao hàng miễn phí cho một số sản phẩm thông qua dịch vụ đăng ký Prime. Song, văn phòng của Amy Klobuchar nói rằng điều đó đơn giản là không đúng sự thật.

Amazon, Apple, Google và Meta nằm trong số những công ty được Chamber of Progress ủng hộ.

Tổ chức khác được tài trợ bởi hãng công nghệ lớn là Information Technology and Innovation Foundation (ITIF) kêu gọi các nhà lập pháp hoãn phiên điều trần trước ngày ban đầu vào tuần trước.

Aurelien Portuese, Giám đốc chính sách cạnh tranh của ITIF, tuyên bố rằng “dự luật này tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh và gây hại với người tiêu dùng bởi hạn chế năng lực đổi mới của các nền tảng trực tuyến mà từ đó cung cấp cho họ các sản phẩm tốt hơn và cạnh tranh hơn về giá”.

Bài liên quan
Nhà máy sản xuất iPhone với 17.000 lao động bị đóng vì 250 người ngộ độc, Apple quản chế Foxconn
Động thái này diễn ra sau cuộc biểu tình nổ ra hồi đầu tháng 12.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Apple: Dự luật mới có thể khiến hàng triệu người dùng iPhone bị malware tấn công