Apple đã bị phạt 1,8 tỉ euro (khoảng 1,95 tỉ USD) trong vụ kiện chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến Spotify.
Thế giới số

Apple bị EU phạt hơn 1,8 tỉ euro trong vụ kiện của Spotify

Sơn Vân 04/03/2024 20:50

Apple đã bị phạt 1,8 tỉ euro (khoảng 1,95 tỉ USD) trong vụ kiện chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến Spotify.

Đây là mức phạt đầu tiên mà Apple đối mặt ở EU, xuất phát từ hành động ngăn chặn Spotify và các dịch vụ phát nhạc khác thông báo cho người dùng về các phương thức thanh toán nằm ngoài App Store thuộc công ty Mỹ.

Quyết định này được Ủy ban châu Âu đưa ra sau khi có khiếu nại năm 2019 của Spotify (dịch vụ phát nhạc trực tuyến Thụy Điển) về hạn chế từ Apple và khoản phí 30% trên App Store.

Cơ quan chống độc quyền của EU cho biết các hạn chế từ Apple tạo ra điều kiện giao dịch không công bằng, lập luận khá mới mẻ trong một vụ kiện chống độc quyền, nhưng từng được cơ quan chống độc quyền Hà Lan sử dụng trong một quyết định chống lại Apple vào năm 2021 trong vụ kiện do các nhà cung cấp ứng dụng hẹn hò đưa ra.

Cơ quan chống độc quyền của EU cho biết đã thêm một khoản 1,8 tỉ euro vào số tiền phạt cơ bản để răn đe Apple, vì một phần đáng kể thiệt hại do hành vi của gã khổng lồ công nghệ Mỹ gây ra không phải là tiền tệ. Tuy nhiên, họ không tiết lộ số tiền phạt cơ bản là bao nhiêu.

Margrethe Vestager, Giám đốc Cơ quan chống độc quyền của EU, tuyên bố: “Trong một thập kỷ, Apple đã lạm dụng vị trí thống trị của mình trên thị trường phân phối các ứng dụng phát nhạc trực tuyến thông qua App Store. Họ làm như vậy bằng cách hạn chế các nhà phát triển thông báo cho người tiêu dùng về dịch vụ âm nhạc thay thế, rẻ hơn có sẵn bên ngoài hệ sinh thái Apple. Điều này là bất hợp pháp theo quy định chống độc quyền của EU”.

Apple chỉ trích phán quyết của EU và nói rằng sẽ thách thức quyết định này trước tòa.

Apple cho biết trong một tuyên bố: "Quyết định này được đưa ra bất chấp việc Ủy ban châu Âu không phát hiện ra bất kỳ bằng chứng đáng tin cậy nào về thiệt hại cho người tiêu dùng và bỏ qua thực tế về một thị trường đang phát triển mạnh, cạnh tranh và phát triển nhanh chóng.

Đối tượng ủng hộ chính cho quyết định này và hưởng lợi lớn nhất là Spotify, công ty có trụ sở tại Stockholm, thủ đô Thụy Điển. Spotify có ứng dụng phát nhạc trực tuyến lớn nhất thế giới và đã gặp Ủy ban câu Âu hơn 65 lần trong cuộc điều tra này".

Apple nói rằng Spotify không phải trả tiền hoa hồng cho hãng vì bán các gói đăng ký trên trang web của mình chứ không phải trên App Store.

Lệnh của Margrethe Vestager yêu cầu Apple dỡ bỏ các hạn chế trên App Store, lặp lại yêu cầu tương tự theo các quy tắc công nghệ mới của EU được gọi là Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) mà công ty Mỹ phải tuân thủ từ ngày 7.3.

Tuy nhiên, mức phạt của Apple chỉ bằng khoảng 1/4 số tiền phạt 8,25 tỉ euro mà cơ quan quản lý EU áp dụng cho Google trong ba vụ kiện ở thập kỷ trước.

apple-bi-eu-phat-hon-1-8-ti-euro-trong-vu-kien-cua-spotify.jpg
Apple đã bị phạt 1,8 tỉ euro trong vụ kiện chống độc quyền của EU liên quan đến Spotify - Ảnh: Reuters

Apple đang tìm cách giải quyết một cuộc điều tra chống độc quyền khác ở EU bằng cách đề nghị mở hệ thống thanh toán di động tap-and-go của mình cho các đối thủ.

Đã tìm kiếm phản hồi từ các đối thủ của Apple và người dùng, cơ quan quản lý của EU có khả năng sẽ chấp nhận đề xuất này mà không phạt công ty Mỹ.

Hệ thống tap-and-go là phương thức thanh toán mà người dùng có thể thực hiện bằng cách đơn giản là chạm thiết bị thanh toán của họ lên máy chấp nhận thanh toán không dây. Điều này thường được thực hiện thông qua công nghệ gần trường (NFC).

Thông tin thanh toán sẽ được truyền một cách an toàn và nhanh chóng giữa hai thiết bị. Thông thường, các thẻ thanh toán không dây (ví dụ thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ) hoặc các ứng dụng thanh toán di động có khả năng sử dụng công nghệ NFC để thực hiện giao dịch này.

Hệ thống thanh toán tap-and-go giúp tăng cường sự thuận tiện và tốc độ trong quá trình thanh toán, giảm thời gian mà người dùng phải dành để nhập mã PIN hoặc ký tên. Điều này thường được sử dụng rộng rãi trong các môi trường bán lẻ, nhà hàng và các địa điểm khác nơi mà quá trình thanh toán nhanh chóng và hiệu quả là quan trọng.

Mới đây, Spotify, Epic, Proton và hàng chục công ty khác đã ký một lá thư gửi Ủy ban châu Âu, yêu cầu cơ quan này xem xét việc Apple không tuân thủ DMA.

34 công ty và hiệp hội đã viết thư ngỏ tới Ủy ban châu Âu. Bức thư đề cập đến những lo ngại về việc Apple bị cáo buộc không tuân thủ DMA.

Những bên ký vào thư không hài lòng với cách mà Apple yêu cầu các nhà phát triển phải ở trong hệ sinh thái App Store hiện tại hoặc chọn tham gia các điều khoản mới. Họ chỉ trích điều này là một "sự lựa chọn sai lầm" và làm tăng thêm sự phức tạp không cần thiết cho những gì lẽ ra là lựa chọn đơn giản.

34 công ty cùng hiệp hội tin rằng cấu trúc phí mới được thiết kế để duy trì và “khuếch đại việc Apple khai thác sự thống trị của mình với các nhà phát triển ứng dụng”. Họ cho rằng phí giao dịch và phí công nghệ cốt lõi nhằm mục đích ngăn cản các nhà phát triển lựa chọn các giải pháp thay thế cho App Store.

34 công ty và hiệp hội cũng tin rằng kế hoạch sử dụng các biện pháp kiểm soát và tiết lộ thông tin của Apple, cái mà họ gọi là "màn hình sợ hãi", sẽ đánh lừa và làm giảm trải nghiệm người dùng. Họ lập luận rằng điều này sẽ tước đi sự lựa chọn thực tế của người dùng và khả năng thu được bất kỳ lợi ích nào được cung cấp theo DMA.

“Phản hồi của Ủy ban châu Âu với đề xuất của Apple sẽ phép thử then chốt với DMA và liệu nó có thể mang lại lợi ích cho người dân cùng nền kinh tế châu Âu hay không”, trích nội dung thư.

Nội dung bức thư kêu gọi Ủy ban châu Âu hành động nhanh chóng, kịp thời và dứt khoát với Apple, tốt nhất là vào ngày 7.3.

Nhóm này cho biết: "Đây là cách duy nhất để đảm bảo DMA vừa đáng tin cậy vừa mang lại thị trường kỹ thuật số cạnh tranh".

Một số bên ký vào thư có: Spotify, Epic Games, Proton, Blockchain.com, Deezer, Threema, European Publisher's Council, European Games Developer Federation, European Fintech Association, News Media Europe, France Digitale.

Hôm 2.3, Apple đã xuất bản một báo cáo chi tiết về cách hãng nói rằng đang nỗ lực bảo vệ người dùng EU và nhấn mạnh những rủi ro khi mở cửa iPhone cho các cửa hàng ứng dụng đối thủ. Vài giờ sau, Apple tuyên bố các ứng dụng web tiến bộ sẽ hoạt động như mong đợi ở EU, sau một tháng cố tình làm tê liệt chúng trong bản iOS 17.4 beta.

Công ty cũng trích dẫn một loạt email, trong đó người dùng lập luận rằng không muốn thấy thị trường ứng dụng sideloading và bên thứ ba trên iPhone.

Sideloading là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả việc cài đặt ứng dụng từ nguồn không chính thức hoặc không phải từ cửa hàng ứng dụng chính thức của hệ điều hành. Thay vì tải ứng dụng từ Apple App Store, người dùng tải file cài đặt trực tiếp từ các nguồn khác.

Bài liên quan
‘Không thể đốt tiền mãi mãi, Apple quyết định đúng khi bỏ tham gia cuộc chiến ô tô điện’
Việc Apple hủy dự án sản xuất ô tô điện cho thấy ngay cả một công ty trị giá 2.800 tỉ USD cũng không thể đốt tiền mãi mãi.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
3 giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Apple bị EU phạt hơn 1,8 tỉ euro trong vụ kiện của Spotify