ByteDance, chủ sở hữu TikTok, đang huy động nguồn lực cho các dự án trí tuệ nhân tạo sinh (AI tạo sinh) khi gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc) tăng gấp đôi nỗ lực để cố bắt kịp chabot AI ChatGPT và mô hình chuyển văn bản thành video Sora của OpenAI.
AI tạo sinh là một loại AI có mục tiêu chính là tạo ra thông tin mới, thường thông qua quá trình học máy và học sâu. Loại AI này không chỉ giải quyết các nhiệm vụ cụ thể, mà còn có khả năng tạo ra dữ liệu, văn bản, hình ảnh, âm thanh, video và nhiều loại thông tin khác.
Một ví dụ nổi tiếng về AI tạo sinh là mô hình ngôn ngữ lớn GPT của OpenAI.
Đảm nhận vị trí giám đốc điều hành từ nhà đồng sáng lập Zhang Yiming vào năm 2021, Liang Rubo đã đặt ra ba mục tiêu cho ByteDance liên quan đến AI tạo sinh trong quý 1/2024: Tăng cường tuyển dụng nhân tài AI, nâng cao cơ cấu tổ chức và cải thiện nghiên cứu cơ bản, theo nguồn tin của trang SCMP.
Trang web của ByteDance liệt kê hơn 300 cơ hội việc làm liên quan đến AI tạo sinh, hơn 100 trong số đó liên quan đến mô hình ngôn ngữ lớn - công nghệ được sử dụng để đào tạo ChatGPT và các chatbot AI tương tự.
ByteDance gần đây đã thuê Jiang Lu, người từng đóng góp chính cho VideoPoet, mô hình ngôn ngữ lớn được Google thiết kế để tạo video, ra mắt cuối năm ngoái.
Theo hãng truyền thông Jiemian (Trung Quốc), ByteDance đang bí mật làm việc trên nhiều sản phẩm AI, gồm cả công nghệ chuyển văn bản thành hình ảnh và tạo video từ văn bản.
Nhóm chịu trách nhiệm về ứng dụng chỉnh sửa video CapCut, do Kelly Zhang Nan (cựu Giám đốc điều hành đơn vị Douyin - phiên bản Trung Quốc của TikTok) quản lý, cũng đang làm việc bí mật trên các sản phẩm AI.
ByteDance không trả lời ngay lập tức các câu hỏi tìm kiếm bình luận về chuyện này từ SCMP.
Một nguồn tin thân cận với ByteDance (yêu cầu giấu tên vì thảo luận về các vấn đề nội bộ) nói rằng những người có ảnh hưởng lớn tại công ty, gồm cả người sáng lập Zhang Yiming, hiện coi AI là một trận chiến mà công ty không thể thua. Nguồn tin cho biết đó là tinh thần "hết mình”.
ByteDance, kỳ lân có giá trị cao nhất Trung Quốc, được nhiều người coi là trường hợp thành công của một doanh nghiệp sử dụng thuật toán học máy để giới thiệu nội dung cho người xem.
Học máy là một lĩnh vực trong AI tập trung vào việc phát triển các thuật toán và mô hình máy tính có khả năng học hỏi từ dữ liệu và cải thiện hiệu suất của chúng theo thời gian mà không cần lập trình cụ thể. Các hệ thống học máy có khả năng tự động tìm hiểu và áp dụng kiến thức từ dữ liệu để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như phân loại, dự đoán, nhận dạng mẫu và tối ưu hóa quyết định.
Những ứng dụng của học máy rất đa dạng như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính, xe tự hành, dự đoán thời tiết, quản lý dữ liệu lớn...
Học máy đã có sự tiến bộ đáng kể trong thập kỷ gần đây, nhờ sự phát triển của các mô hình học sâu và khả năng xử lý dữ liệu lớn (big data), mang lại nhiều cơ hội và tiềm năng trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp và cải thiện hiệu suất trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Một ngôi làng ở quê hương của Zhang Yiming thậm chí còn dựng bia đá để vinh danh tỷ phú này, ca ngợi ByteDance là hãng công nghệ đầu tiên ứng dụng AI vào internet di động và Douyin đi tiên phong trong lĩnh vực thương mại điện tử phát trực tiếp (livestream). Chiếc bia đá vinh danh Zhang Yiming sau đó đã bị dỡ bỏ.
Dù sớm áp dụng AI trong đề xuất nội dung nhưng ByteDance lại khám phá mô hình ngôn ngữ lớn tương đối muộn. Công ty đã ra mắt chatbot Doubao và Cici AI nửa cuối 2023, sau khi đối thủ Baidu và Alibaba triển khai dịch vụ của họ vào tháng 3 và tháng 4 cùng năm.
Sau khi OpenAI ra mắt Sora vào giữa tháng 2, ByteDance cho biết công cụ điều khiển chuyển động video nội bộ Boximator, được thiết kế để giúp tạo video, vẫn còn ở giai đoạn sơ khai và chưa sẵn sàng để phát hành rộng rãi. Công ty Trung Quốc tiết lộ: “Nó vẫn có khoảng cách lớn với các mô hình sản xuất video hàng đầu về chất lượng hình ảnh, độ trung thực và thời lượng”.
Thế nhưng, ByteDance đang âm thầm cố gắng bắt kịp OpenAI.
Theo bản tin của Jiemian, Zhang Yiming, người ít nổi tiếng nhưng vẫn có ảnh hưởng lớn đến định hướng chiến lược của ByteDance, năm ngoái đã dành phần lớn sức lực cho AI.
Jiemian lặp lại một bài viết trước đó trên tạp chí China Entrepreneur cho biết Zhang Yiming thường đọc các tài liệu nghiên cứu OpenAI đến đêm khuya.
Đầu tháng 2, Kelly Zhang Nan đã từ bỏ vai trò Giám đốc điều hành Douyin để dành nhiều thời gian hơn cho CapCut, nói rằng “công nghệ AI sẽ gây ra sự đảo lộn đáng kể trong việc tạo nội dung và thậm chí sinh ra các nền tảng tạo nội dung mới”.
Alex Zhu (người đồng sáng lập công ty cung cấp ứng dụng video ngắn Musical.ly sau này sáp nhập với TikTok) và Zhu Wenjia (trưởng nhóm công nghệ tại TikTok) cũng đã điều chỉnh trách nhiệm của mình để tập trung vào AI.
Cảm giác cấp bách đã tràn ngập ByteDance sau khi Giám đốc điều hành Liang Rubo chỉ trích nhân viên vào tháng 1 vì phản ứng quá chậm trước sự xuất hiện của các công nghệ mới, chẳng hạn như AI tạo sinh.
Tại một cuộc họp nội bộ, ông cho biết các nhân viên ByteDance đã không nói gì về ChatGPT, được phát hành vào tháng 11.2022, cho đến vài tháng sau đó.
Trên toàn cầu, ByteDance không phải là hãng công nghệ duy nhất đang đánh giá lại chiến lược AI của mình.
Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple, cho biết gã khổng lồ Mỹ sẽ tiết lộ kế hoạch về cách sử dụng AI tạo sinh vào cuối năm nay, sau khi có thông tin công ty từ bỏ dự án sản xuất ô tô điện của mình để chuyển nguồn lực sang AI và thực tế hỗn hợp.
Theo Vahid Haghzare, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Silicon Valley Associates Recruitment (công ty săn đầu người chuyên về công việc công nghệ ở các khu vực, gồm cả châu Á), các hãng công nghệ ở Trung Quốc dù lớn hay nhỏ ngày càng quan tâm đến AI tạo sinh.
Ông cho hay: “Trong 6 đến 9 tháng qua, chúng tôi nhận được rất nhiều yêu cầu về nhân lực AI tạo sinh từ toàn bộ thị trường", đồng thời nói thêm rằng nhu cầu về nhân tài có kiến thức về chuyển văn bản thành video “đã tăng rất nhiều trong năm nay”.
Dù các công ty Mỹ trả lương cao nhất trong số các nhà tuyển dụng trên toàn thế giới, Vahid Haghzare nói rằng Trung Quốc không thiếu nhân tài AI vì chính phủ nước này đã đưa AI trở thành một phần chiến lược quốc gia trong nhiều năm.
Theo trang SCMP, Trung Quốc đã đưa AI vào kế hoạch 5 năm hồi năm 2016 và Chủ tịch Tập Cận Bình vào năm 2018 đã tuyên bố AI là “công nghệ chiến lược sẽ dẫn đầu vòng cách mạng khoa học công nghệ và chuyển đổi ngành công nghiệp này”.
Theo Vahid Haghzare, Trung Quốc cũng có một lượng lớn nhân tài AI nhờ dân số khổng lồ và nền giáo dục AI sẵn có tại các trường đại học. Năm 2019, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã phê duyệt đơn đăng ký từ 35 tổ chức để cung cấp bằng đại học về AI, tiếp theo là 180 tổ chức nữa một năm sau đó.
Các công ty Trung Quốc đang sẵn sàng trả lương cao để tranh giành nhân tài AI tạo sinh khi nhu cầu vượt xa nguồn cung.
Theo báo cáo gần đây do cơ quan tuyển dụng Liepin (Trung Quốc) công bố, các kỹ sư thị giác máy tính có kỹ năng AI tạo sinh đang được đề nghị mức lương trung bình hàng năm hơn 480.000 nhân dân tệ (66.700 USD), cao hơn khoảng 2/3 so với mức 290.000 nhân dân tệ mà những đồng nghiệp của họ kiếm được nếu không có kỹ năng này.
Sự khác biệt về lương tương tự cũng tồn tại ở các vai trò công nghệ khác, từ kiến trúc sư phần mềm đến kỹ sư thuật toán và lập trình viên.
Liepin cho biết số lượng tin tuyển dụng trên nền tảng này yêu cầu kỹ năng AI tạo sinh đã tăng hơn 179% trong 10 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ 2022. Gần 60% các công ty Trung Quốc được khảo sát cho biết họ ưu tiên ứng viên có trình độ AI tạo sinh cao hơn.
Ngoài ra, Liepin cũng phát hiện ra rằng những người tìm việc đảm nhận các vai trò ít kỹ thuật hơn, chẳng hạn như bán tài khoản, vận hành nội dung và truyền thông xã hội cũng như đồ họa và thiết kế hình ảnh, sẽ được trả lương cao hơn nếu có kỹ năng AI tạo sinh.
Dù nhu cầu về nhân tài AI ở Trung Quốc khá cao nhưng lại thiếu các ứng viên phù hợp.
Theo báo cáo được công bố vào cuối năm 2023 bởi mạng xã hội nghề nghiệp Maimai, cứ 5 công việc mới về AI ở Trung Quốc thì chỉ có 2 người có đủ năng lực trên thị trường.
Một số tài năng AI hàng đầu Trung Quốc đã chọn làm việc ở nước ngoài. Tại OpenAI, Jing Li và Ricky Wang Yu, 2 trong số 13 thành viên của nhóm phát triển Sora, được xác định là đến từ Trung Quốc. Cả hai gần đây đã được vinh danh ở quê nhà vì những nỗ lực của họ.