Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng việc áp giá sàn vé máy bay là bất hợp lý.

Áp giá sàn vé máy bay là bất hợp lý

Lam Thanh | 28/09/2021, 17:17

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng việc áp giá sàn vé máy bay là bất hợp lý.

Liên quan đến đề xuất áp giá sàn vé máy bay, ông Đặng Ngọc Hoà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietnam Airlines cho biết nếu như trong tháng 3.2020 khi đợt dịch đầu tiên bùng phát, trên bầu trời chỉ có 3 chuyến bay là Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội – Đà Nẵng, Đà Nẵng – TP.HCM, thì đến tháng 7 và tháng 8.2021 đã không có chuyến bay nào.

Theo ông Hòa, toàn bộ hãng hàng không của Việt Nam có khoảng 250 máy bay đang đậu ở tất cả các sân bay Việt Nam, thậm chí còn không có chỗ đậu. Vì thế, bất kỳ khi nào thị trường có khả năng bay, các hãng hàng không đều cho máy bay bay và đưa ra giá vé chủ yếu để đỡ hỏng máy bay. Giá vé còn thấp hơn giá vé xăng dầu của một chuyến bay.

hctv.jpg
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng không nên áp giá sàn vé máy bay

Với mức giá vé máy bay thấp hiện nay, lãnh đạo Vietnam Airlines cho rằng sẽ làm ảnh hưởng tới an toàn hàng không trong khi ngành này cần tiêu chuẩn cực kỳ cao.

"Nếu các hãng hạ giá vé thấp hơn cả giá xăng dầu cho một chuyến bay sẽ ảnh hưởng tới chi phí an toàn hàng không, nguy cơ sự cố an toàn hàng không và ảnh hưởng tới quốc gia", ông Hoà nói.

Ngoài ra, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cũng cho rằng giá vé máy bay thấp khiến tất cả các hãng hàng không đều yếu.

"Chúng tôi rất lo ngại sau khi dịch phục hồi thì sức khoẻ của các hãng hàng không không đủ để cạnh tranh với nhau chứ chưa nói gì ra khu vực và quốc tế", ông Hoà nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng việc áp dụng giá sàn vé máy bay là bất hợp lý.

Theo ông Thịnh, các doanh nghiệp có quyền định giá các sản phẩm hàng hóa dịch vụ họ cung cấp cho thị trường. đó là quyền của doanh nghiệp. Doanh nghiệp kinh doanh thì họ phải tính lãi, lỗ, nếu không thì họ phá sản. Các doanh nghiệp có thể có vé giá rẻ, vé 0 đồng nhưng cũng chỉ một tỷ lệ nhất định, và họ đăng ký với cơ quan chức năng; chứ nếu họ chỉ bán giá rẻ quá thì làm sao tồn tại?

Ông Thịnh cho rằng giá vé rẻ để khuyến khích cho một số chặng đường, một số thời điểm, đó là quyền của doanh nghiệp. Điều này cũng khiến các doanh nghiệp vận tải, du lịch, dịch vụ được ăn theo, hưởng lợi. Ngoài ra, giá vé máy bay cũng thể hiện sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp.

“Nếu áp giá sàn thì vừa xâm phạm vào quyền kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Để doanh nghiệp tự định giá thì doanh nghiệp được lợi, Nhà nước được lợi và người tiêu dùng cũng được lợi. Chúng ta không nên tạo ra những tiền lệ xấu”, ông Thịnh nói.

Tại tọa đàm tham vấn chuyên gia về KT-XH do Văn phòng Quốc hội tổ chức, TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng cho rằng quan điểm áp giá vé máy bay như vậy là "không công bằng".

Theo đó, việc một hãng hàng không 3 sao phải bán vé với giá như hãng hàng không 5 sao thì ai sẽ mua vé của hãng 3 sao.

TS Nguyễn Sỹ Dũng nhấn mạnh: "Nếu hàng không áp giá như vậy thì bằng chính sách, chúng ta có thể giết chết một hãng hàng không. Chính sách khi đã ban hành phải rất cân nhắc để không tạo ra bất bình đẳng, không tạo ra những khoản tô hết sức bất hợp lý cho nền kinh tế".

Còn theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, chính sách áp giá sàn vé máy bay gây hoang mang, tạo sự không đồng thuận, thậm chí vi phạm Luật Giá, Luật Doanh nghiệp. Việc này có thể dẫn tới thiếu công bằng cho doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.

Trước đó, Cục Hàng không đã trình Bộ GTVT dự thảo thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.

Theo đó, Cục Hàng không đề xuất thời gian áp dụng chính sách mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa quy định là 12 tháng trên các đường bay nội địa, bắt đầu từ ngày 1.11.2021 đến hết ngày 3.10.2022.

Theo đó, mức giá tối thiểu tại nhóm đường bay dưới 500km là 340.000 đồng, trong đó các đường bay phát triển kinh tế - xã hội là 320.000 đồng; từ 500km đến dưới 850km là 440.000 đồng; từ 850km đến dưới 1.000 km là 560.000 đồng; từ 1.000km đến dưới 1.280km là 640.000 đồng; từ 1.280km trở lên là 750.000 đồng.

Cụ thể, các đường bay nhóm 4 như Hà Nội đi TP.HCM, Đà Lạt, Cam Ranh…; TP.HCM đi Vinh, Thanh Hóa, Hải Phòng… giá tối thiểu 640.000 đồng/vé 1 chiều. Đường bay nhóm V như Hà Nội đi Cần Thơ, Phú Quốc, Côn Đảo giá tối thiểu 750.000 đồng/1 chiều (chưa gồm thuế phí).

Mức giá tổi thiểu này xấp xỉ mức giá cơ bản của dịch vụ đường sắt (ghế ngồi mềm điều hòa) và ngang bằng với dịch vụ vận chuyển đường bộ.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết chính sách quy định mức giá tối thiểu đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa được cân nhắc trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, các hãng hàng không và nhà nước.

Nếu đề xuất này được thông qua, mức sàn cho giá vé máy bay với mức tối thiểu cho chặng bay ngắn nhất là 320.000 đồng/vé/chiều và sẽ không còn các vé 0 đồng như hiện nay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Áp giá sàn vé máy bay là bất hợp lý