Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc thông qua hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU có nguy cơ bị chậm trễ do hệ thống kinh tế của khu vực này bị đảo lộn.
Theo kết quả kiểm phiếu chính thứcđược công bố, người dân Anh đã chọn rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu dân ý mang tính lịch sử ngày 23.6. Cụ thể, tỷ lệ lên tới 51,9% người Anh chọn rời EU, trong khi chỉ có 48,1% phản đối trong cuộc trưng cầu dân ý.
Quyết định rời khỏi EU của người dân Anh (gọi tắt làBrexit) không chỉ là cú sốcvới nền kinh tế toàn cầu mà còn với các quốc gia có quan hệ kinh tế lớn với Anh nhưMỹ, Đức, Italy...
Với nền kinh tế Việt Nam, Brexit sẽ có tác động như thế nào?Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định: "Trước hết, Brexit sẽ gây đảo lộn mạnh trên thị trường tài chính thế giới vì đồng bảng Anh mất giá, đồng euro mất giá. Còn với Việt Nam, tác động này cũng sẽ lan tới".
Theo chuyên gia Lê Đăng Doanh, khả năng xuất khẩu của Việt Nam vào nước Anh và EU sẽ bị ảnh vì đồng bảng Anh giảm sẽ khiến lợi nhuận giảm. Doanh nghiệp buôn bán bằng đồng euro, đồng bảng Anh sẽ bị thua thiệt. Còn đầu tư nước ngoài từ Anh vào Việt Nam sẽ chững lại, vì họ phải sắp xếp, ổn định lại hệ thống kinh tế, chính trị của họ trước.
Ông Doanh cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2015, Anh xếp thứ 2 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 1,25 tỉ USD.
"Tuy nhiên, điều tôi lo ngại ở đây chính là việc thông qua hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU có nguy cơ bịchậm trễ do hệ thống kinh tế của khu vực này bị đảo lộn", ông Doanh nói
Đồng quan điểm với chuyên gia Lê Đăng Doanh,chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng nhận định việc Anh rời khỏi EU sẽ tác động tới Việt Nam. Nên theo ông Long,Việt Nam nên thiết lập lại mối quan hệ kinh tế với Anh vì Anh hiện giờ là một quốc gia độc lập, không còn phụ thuộc vào EU. Nền kinh tế của Anh đứng thứ 5 thế giới, trong khi Anh cũng là bạn hàng tương đối lớn của Việt Nam (mỗi nămViệt Nam xuất sang Anh xấp xỉ 5 tỉ USD hàng hóa).
Về tỷ giá đồng bảng Anh, ông Long lý giảiđồng bảng Anh đang giảm mạnh, nhưng sắp tới sẽ ổn định lại vì việc ở lại hay rời đi chỉ là tác động, còn tỷ giá tăng hay giảm mấu chốt là cả hệ thống nền kinh tế Anh. Bước đầu, tỷ giá giảm chắc chắn sẽ có lợi cho việc nhập khẩu của Việt Nam từ EU nhưng lại không có lợi cho xuất khẩu của Việt Nam vào EU.
Ông Long chỉ ra thêm, quan hệ thương mại Việt Nam-Anh gia tăng trong nhiều năm trở lại đây. Xuất khẩu của Việt Nam vào Anh đạt 4,65 tỉ USD trong năm 2015, tương đương 15% giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực EU. Tính riêng 5 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã duy trì thặng dư thương mại với Anh ở mức 1,7 tỉ USD và trong cả năm 2015 là 3,9 tỉ USD.
Với hiệp định kinh tế EU-Việt Nam, ông Long cho rằng đã ký kết, giờ chỉ chờ thời gian thông qua. Nhưng với Anh, mọi hoạt động kinh tế sẽ phải ký kết mới.
Trái ngược lại với quan điểm của 2 chuyên gia kinh tế, trao đổi với báo giới tại cuộc họp báo công bố Báo cáo tổng quan thị trường và giá cả tháng 6 và 6 tháng nửa đầu năm 2016 sáng 24.6, bà Đỗ Thị Ngọc – Phó vụ trưởng Vụ Thống kê (Tổng cụcThống kê, Bộ Kế hoạch - Đầu tư) lại nhận định việc Anh rời khỏi EU gần như không tác động nhiều đến nền kinh tế của Việt Nam.
Lý giải về điều này, bà Ngọc nói rằng: "Việt Nam mặc dù tham gia ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: TPP, EVFTA nhưng hiện các hiệp định chưa có hiệu lực. Hơn nữa, mức độ hội nhập của Việt Nam chưa sâu rộng mà mới chỉ trong giai đoạn bắt đầu nên chịu ảnh hưởng từ Brexit không nhiều".
Trong khi đó, những ý kiến khác lạicho rằng, Brexit có tác động tới nền kinh tế Việt Nam hay không nên chờ vào diễn biến diễn ra tại chính nước Anh và khu vực đồng euro sau quyết định lịch sử này.
Tuyết Nhung