Hôm qua, ngày 3.7, chính phủ Anh cho biết sẽ mở cửa du lịch đi và đến từ 59 quốc gia bằng cách dỡ bỏ các yêu cầu kiểm dịch. Việt Nam là nước ASEAN duy nhất nằm trong danh sách này.
Theo CNN, các quan chức Anh đã tiết lộ một danh sách "hành lang du lịch" mới, với du khách từ 59 quốc gia trong đó có Việt Nam, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha... và 14 Lãnh thổ hải ngoại của Anh, những người sẽ không còn phải tự cách ly trong 14 ngày khi nhập cảnh nước Anh.
Danh sách, bắt đầu có hiệu lực vào ngày 10.7, sẽ mở cửa cho người Anh đi du lịch nước ngoài sau bốn tháng bị phong tỏa. Quyết định đưa ra đúng thời gian du lịch cao điểm và người Anh có quyền rời Anh đến các địa điểm trong danh sách, miễn là không có giới hạn tại các điểm đến.
"Chính phủ hài lòng rằng giờ đây đã an toàn để giảm bớt các biện pháp này (kiểm dịch) ở Anh và đã giới thiệu hành lang du lịch ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ", Bộ Giao thông Vận tải Vương quốc Anh cho biết hôm qua.
Tuyên bố cũng cho biết: "Điều này áp dụng cho tất cả các chuyến đi đến Anh, bằng tàu hỏa, phà, xe khách, máy bay hoặc bất kỳ tuyến đường nào khác".
Danh sách đỏ
Trong số 59 quốc gia được mở cửa, đáng chú ý là không có Mỹ, có nghĩa là du khách từ Mỹ sẽ phải tự cách ly trong 14 ngày sau khi vào Vương quốc Anh. Điều này cũng hưởng ứng theo quyết định hồi đầu tuần của Liên minh châu Âu về việc không ghi Mỹ vào danh sách các quốc gia được chấp thuận nhập cảnh.
Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps cho biết Chính phủ Anh dự kiến sẽ chỉ định Mỹ là một điểm đến du lịch "trong danh sách đỏ" vì lo ngại rằng nước này có tỷ lệ lây nhiễm "rất cao"..
"Ở đây, chúng tôi đã kiểm soát được mọi thứ, nhưng chúng tôi biết rằng (vi-rút) vẫn đang hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới ... vì vậy tôi e rằng sẽ có một danh sách đỏ", Shapps nói với BBC Radio 4.
Bộ trưởng Giao thông Anh cũng nhắc: "Mỹ, từ giai đoạn rất sớm, đã cấm các chuyến bay từ Vương quốc Anh và từ châu Âu, do đó không có sự sắp xếp đối ứng tại chỗ".
Theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins, Mỹ có số ca mắc và tử vong do coronavirus nhiều nhất trên thế giới, với hơn 2,7 triệu ca nhiễm và số người chết là hơn 128.000. Riêng vào thứ 5 hôm 2.7 vừa qua, đã ghi nhận hơn 52.000 trường hợp nhiễm vi-rut mới ở Mỹ, một kỷ lục về tốc độ lây nhiễm mới mỗi ngày.
Một điều đáng chú ý khác là Trung Quốc dù tuyên bố đã kiểm soát được dịch bệnh khá tốt với các ca nhiễm gần đây được ghi nhận rất ít nhưng không nằm trong danh sách được Anh mở cửa. Điều đó phản ảnh London vẫn e ngại với tình hình ở Trung Quốc đại lục dù họ mở cửa với 3 vùng lãnh thổ của Trung Quốc là Hồng Kông, Macau và Đài Loan.
Trong khi đó tại ASEAN, duy nhất Việt Nam nằm trong danh sách được nước Anh mở cửa du lịch đợt này. Thái Lan, Lào hay Campuchia dù được cho là kiểm soát tình hình dịch bệnh tốt nhưng cũng không có tên trong danh sách các nước thuộc hành lang du lịch. Ngay cả Malaysia, Singapore nằm trong Khối thịnh vượng chung của Anh cũng không thấy có tên trong danh sách lần này.
Việc Việt Nam là nước duy nhất trong khối ASEAN được Anh mở cửa không chỉ cho thấy niềm tin của London vào tình hình kiểm soát dịch bệnh tốt ở Việt Nam mà còn thể hiện Việt Nam là đối tác được Anh hết sức coi trọng và tin cậy.
Mặc dù những người đến từ các quốc gia được chỉ định sẽ không được yêu cầu tự cách ly khi đến Vương quốc Anh, nhưng chính phủ Anh thừa nhận rằng du khách từ Vương quốc Anh khi đến các quốc gia trong danh sách “hành lang du lịch” sẽ phải tuân theo quy định kiểm dịch của nước sở tại.
Ví dụ, trong khi New Zealand nằm trong danh sách mở cửa của chính phủ Vương quốc Anh, nhưng New Zealand vẫn yêu cầu khách đến từ Vương quốc Anh phải cách ly trong 14 ngày. Thậm chí Hy Lạp, cũng nằm trong danh sách mở cửa của Anh, nhưng chính quyền Athens đã cấm các chuyến bay đến từ Vương quốc Anh cho đến ngày 15.7.
Dưới đây là các quốc gia và vùng lãnh thổ nằm trong danh sách "hành lang du lịch":
Andorra, Đức, New Zealand, Antigua và Barbuda, Hy Lạp, Na Uy, Argentina, Greenland, Ba Lan, Úc, Grenada, Réunion, Áo, Guadeloupe, San Marino, Bahamas, Hồng Kông (TQ), Serbia, Barbados, Hungary, Seychelles, Bỉ, Iceland , Hàn Quốc, Bonaire, Sint Eustatius và Saba, Ý, Tây Ban Nha, Croatia, Jamaica, St Barthélemy, Curaçao, Nhật Bản, St Kitts và Nevis, Síp, Liechtenstein, St Lucia, Cộng hòa Séc, Litva và St Luxembourg, Thụy Sĩ, Dominica, Macau (TQ), Đài Loan (TQ), Quần đảo Faroe, Malta, Trinidad và Tobago, Fiji, Mauritius, Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan, Monaco, Vatican, Pháp, Hà Lan, Việt Nam, Polynesia (Pháp), New Caledonia.
Tiểu ban Điều trị cho hay bệnh nhân 91 (nam phi công người Anh) đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã hồi phục toàn diện và được Hội chẩn quốc gia vào sáng hôm qua- ngày 3.7. Hội đồng quyết định bệnh nhân đủ tiêu chuẩn xuất viện an toàn và hồi hương bằng máy bay thương mại, không phải cách ly. Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ phối hợp với đại diện của cơ quan bảo hiểm uỷ quyền để làm các thủ tục xuất viện cho bệnh nhân.
“Bệnh nhân có thể chuyển viện vào ngày 12.7 theo đề nghị của Đại sứ Quán Anh là hợp lý”- PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết. Trên chuyến bay đưa bệnh nhân về Anh, sẽ có các bác sĩ Việt Nam - những người đã cận kề chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân 91 những ngày qua đi cùng.
Để đảm bảo pháp lý, Tiểu ban điều trị giao Bệnh viện Chợ Rẫy có hợp đồng chặt chẽ với cơ quan tiếp nhận bệnh nhân bệnh nhân 91 đúng pháp lý, ngoại giao; có tóm tắt hồ sơ bệnh nhân tiếng Việt, Tiếng Anh.
Đến nay, bệnh nhân 91 đã trải qua 108 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy, trong đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM bắt đầu từ ngày 18.3-chiều 22.5 và tại Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Chợ Rẫy từ chiều ngày 22.5 đến nay.
Trong quá trình điều trị, đã có những lúc, sức khoẻ của nam phi công gần như rơi vào tình trạng nguy kịch khi phổi đông đặc gần 90%, liên tục âm tính rồi lại dương tính với SARS-COV-2, bệnh nhân đã phải can thiệp ECMO, sử dụng máy thở nhiều ngày, lọc máu... Thậm chí Bộ Y tế còn phải nhập khẩu thuốc điều trị rối loạn đông máu từ nước ngoài về để điều trị cho bệnh nhân vì anh không tương thích với các thuốc rối loạn đông máu hiện có.
Tiểu ban Điều trị và các chuyên gia đầu ngành truyền nhiễm, hô hấp, tim mạch, ngoại, hồi sức... đã tổ chức nhiều cuộc hội chẩn quốc gia để bàn các giải pháp, biện pháp cũng như phác đồ điều trị phù hợp với từng giai đoạn sức khoẻ của nam phi công. Thậm chí phương án ghép phổi cũng đã được đưa ra, tuy nhiên, với sự nỗ lực, nhiệt tâm của các y bác sĩ, sự hỗ trợ 24/24 của các chuyên gia từ xa... sức khoẻ nam phi công đã tiến triển ngoạn mục.
theo SKĐS
Anh Tú