Trung Quốc cho biết đã tham dự một cuộc họp bộ trưởng cấp cao tại Hội nghị thượng đỉnh về an toàn AI ở Vương quốc Anh vào hôm 2.11 dù không được Anh liệt vào danh sách những nước tham gia “có cùng chí hướng” và không xuất hiện trong các bức ảnh chính thức hay hình chung của các nhà lãnh đạo.
Trong hai ngày 1 và 2.11, Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu an toàn về AI đầu tiên đã được tổ chức tại Bletchley Park (London, thủ đô Anh) với sự tham dự của khoảng 100 đại biểu là các nhà lãnh đạo từ 28 quốc gia, đại diện những hãng công nghệ hàng đầu, học giả và thành phần khác, trong đó có Elon Musk và Sam Altman (Giám đốc điều hành OpenAI).
Theo Reuters, Trung Quốc đã tham gia vào ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh an toàn về AI. Anh từ chối cho biết lý do tại sao không thừa nhận đại diện quốc gia châu Á này nằm trong số những người tham gia cuộc họp cấp cao ngày thứ hai.
Hôm 3.11, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho biết Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Wu Zhaohui đã có mặt tại hội nghị thượng đỉnh này trong ngày thứ hai .
“Xin vui lòng liên hệ với cơ quan chính phủ của Anh để biết cách sắp xếp và kết quả cụ thể của cuộc họp”, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho biết khi được hỏi tại sao Wu Zhaohui không xuất hiện trong các sự kiện công cộng hôm 2.11.
Có một lý do để không quảng cáo về sự hiện diện của Trung Quốc. Phó thủ tướng Anh - Oliver Dowden nói với Bloomberg TV rằng “có một số phiên họp mà chúng tôi có các nước cùng chí hướng làm việc cùng nhau, vì vậy việc Trung Quốc tham gia có thể không thích hợp”.
Trong số những lý do khác được suy đoán là Anh muốn thể hiện một mặt trận thống nhất và Trung Quốc không ủng hộ thỏa thuận chung hôm 2.11?
Nghi thức ngoại giao có thể cũng đóng một vai trò nào đó vì Wu Zhaohui là cấp thấp hơn so với những người tham gia khác (thứ trưởng so với bộ trưởng) vào ngày thứ hai của hội nghị ở Bletchley Park, miền nam nước Anh.
Thủ tướng Anh - Rishi Sunak đã chủ trì cuộc họp hôm 2.11 bao gồm "một nhóm nhỏ các đại diện cấp cao có cùng chí hướng từ các chính phủ trên khắp thế giới", gồm cả Kamala Harris - Phó tổng thống Mỹ và Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu.
Một số nhà làm luật Anh đã thắc mắc về việc Trung Quốc tham gia hội nghị thượng đỉnh AI này. Họ đặt câu hỏi liệu Trung Quốc, quốc gia mà phương Tây coi là đối thủ công nghệ và mối đe dọa quân sự, có nên được đưa vào các cuộc họp về công nghệ nhạy cảm hay không.
Wu Zhaohui đã tham dự ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh về AI hôm 1.11 khi Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và 26 quốc gia khác đồng ý chia sẻ cách tiếp cận chung để xác định rủi ro AI và cách giảm thiểu chúng, được gọi là Tuyên bố Bletchley.
Wu Zhaohui đã không xuất hiện trong bất kỳ sự kiện công cộng nào vào ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh này, khiến một nhà báo hỏi Thủ tướng Rishi Sunak tại sao Trung Quốc lại “bị loại khỏi ngày thứ hai”.
Rishi Sunak không trực tiếp trả lời câu hỏi nhưng cho biết ông đã đạt được kết quả mong muốn với sự tham gia của Trung Quốc vào quá trình này.
Người phát ngôn chính phủ Anh từ chối bình luận về sự tham gia của từng quốc gia tại hội nghị thượng đỉnh an toàn về AI.
Ông Rishi Sunak nói với các phóng viên: "Một số người nói rằng chúng tôi thậm chí không nên mời Trung Quốc, những người khác nói rằng chúng tôi sẽ không bao giờ đạt được thỏa thuận với họ. Cả hai đều sai".
Hai hội nghị thượng đỉnh về AI khác sẽ diễn ra tại Hàn Quốc và Pháp vào năm tới.
Hội nghị thượng đỉnh AI là sự khởi đầu nhưng thỏa thuận toàn cầu là niềm hy vọng xa vời
Theo Reuters, Thủ tướng Anh đã ủng hộ một loạt thỏa thuận mang tính bước ngoặt sau khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh về an toàn AI đầu tiên nhưng kế hoạch toàn cầu để giám sát công nghệ này vẫn còn lâu mới đạt được.
Trong khi đạt được một số đồng thuận về nhu cầu điều chỉnh AI, vẫn còn những bất đồng về việc điều đó sẽ diễn ra chính xác như thế nào và ai sẽ lãnh đạo những nỗ lực đó.
Rủi ro xung quanh AI đang phát triển nhanh chóng ngày càng trở thành ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách kể từ khi Open AI (được Microsoft hậu thuẫn) phát hành ChatGPT ra công chúng vào tháng 11.2022.
Khả năng chưa từng có của ChatGPT trong việc phản hồi các lời nhắc với sự trôi chảy giống con người khiến một số chuyên gia lo ngại, kêu gọi tạm dừng phát triển phiên bản mới các hệ thống như vậy, cảnh báo rằng chúng có thể giành được quyền tự chủ và đe dọa nhân loại.
Ông Rishi Sunak nói về việc được "đặc ân và vui mừng" được tiếp đón Elon Musk, Giám đốc điều hành Tesla, SpaceX và xAI, nhưng các nhà làm luật châu Âu cảnh báo về việc có quá nhiều công nghệ và dữ liệu được một số ít công ty ở Mỹ nắm giữ.
Bruno Le Maire, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp, nói với các phóng viên: “Chỉ có một quốc gia duy nhất có tất cả công nghệ, tất cả công ty tư nhân, tất cả thiết bị, tất cả kỹ năng sẽ là một thất bại với tất cả chúng ta”.
Vương quốc Anh cũng đã đi theo hướng khác với EU bằng cách đề xuất cách tiếp cận nhẹ nhàng với quy định về AI, trái ngược với dự luật AI của châu Âu, sắp được hoàn thiện và sẽ ràng buộc các nhà phát triển ứng dụng được coi là "rủi ro cao" phải phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt hơn.
"Tôi đến đây để quảng bá dự luật AI của chúng tôi", Vera Jourova, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu, nói.
Vera Jourova cho biết dù bà không mong đợi các quốc gia khác sẽ sao chép toàn bộ luật của EU nhưng cần phải có một số thỏa thuận về các quy tắc toàn cầu.
Bà nói: “Nếu thế giới dân chủ không phải là những người tạo ra quy tắc và chúng ta trở thành những người thực thi quy tắc thì cuộc chiến sẽ thất bại”.
Dù đang thể hiện hình ảnh đoàn kết, những người tham dự cho biết ba khối quyền lực chính tham dự - Mỹ, EU và Trung Quốc - đã cố gắng khẳng định ưu thế của họ.
Một số người cho rằng Phó thủ tướng Mỹ - Kamala Harris đã lấn át Thủ tướng Rishi Sunak khi chính phủ Mỹ công bố Viện An toàn AI của riêng mình, giống như nước Anh đã làm một tuần trước đó, và bà có bài phát biểu tại London nêu bật những rủi ro ngắn hạn của công nghệ, trái ngược với việc hội nghị thượng đỉnh tập trung vào các mối đe dọa hiện hữu.
Nigel Toon, Giám đốc điều hành của công ty AI Graphcore (Anh), cho biết: “Thật thú vị khi chúng ta công bố Viện an toàn AI của mình thì người Mỹ cũng công bố Viện an toàn AI của họ”.
Sự hiện diện của Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh và quyết định ký kết "Tuyên bố Bletchley" đã được các quan chức Anh ca ngợi là sự thành công.
Thứ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho biết nước này sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên về quản trị AI. Tuy nhiên, báo hiệu sự căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây, Wu Zhaohui nói với các đại biểu: “Các quốc gia bất kể quy mô đều có quyền bình đẳng trong việc phát triển và sử dụng AI”.
Chủ đề định kỳ của các cuộc thảo luận kín, được một số người tham dự nhấn mạnh, là những rủi ro tiềm ẩn của AI nguồn mở, cho phép công chúng truy cập miễn phí để thử nghiệm với mã nguồn đằng sau công nghệ này.
Một số chuyên gia đã cảnh báo rằng các mô hình AI nguồn mở có thể bị bọn khủng bố sử dụng để tạo ra vũ khí hóa học, hoặc thậm chí tạo ra trí tuệ siêu việt ngoài tầm kiểm soát của con người.
Trò chuyện với Rishi Sunak tại một sự kiện trực tiếp ở London hôm 2.11, Elon Musk nói: “Sẽ đến lúc bạn thấy AI nguồn mở bắt đầu tiến gần đến trí thông minh ở cấp độ con người hoặc có thể vượt xa hơn thế. Tôi không biết phải làm gì với nó".
Yoshua Bengio, nhà tiên phong về AI được chỉ định đứng đầu một báo cáo về “tình trạng khoa học” như một phần của Tuyên bố Bletchley, nói với Reuters rằng những rủi ro của AI nguồn mở là ưu tiên hàng đầu.
Ông nói: "Nó có thể rơi vào tay những kẻ xấu và có thể bị sửa đổi cho mục đích xấu. Bạn không thể phát hành mã nguồn mở của những hệ thống mạnh mẽ này mà vẫn bảo vệ công chúng bằng các biện pháp phù hợp".