Mặc dù là mặt hàng được Bộ y tế khuyến cáo là không nên dùng và cấm bán nhưng nhau thai người vẫn được bày bán tràn lan ở cả dạng tươi và dạng khô.
Hàng hiếm nhưng… cần là có
Vào vai một khách hàng có nhu cầu mua nhau thai, PV báo CL&XH bắt chuyện với một người phụ nữ tên H. bán nước ở cổng Bệnh viện Đa khoa Đan Phượng (TP Hà Nội). Ban đầu người phụ nữ này còn ngập ngừng, tỏ ý nghi ngại, nhưng sau một hồi trò chuyện, H. lộ bản chất là một “cò” nhau thai chuyên nghiệp. H. đon đả: “Nhau thai ở đây trước cũng bán nhiều lắm, nhưng một thời gian chính quyền họ làm ghê quá nên giờ cũng hiếm đấy, hàng cấm bán mà. Ai có người quen làm ở khoa sản mới tuồn được ra ngoài dăm ba cái thôi”.
Lấy lý do cần mua một số nhau thai vì con nhỏ bị suy dinh dưỡng cần để bồi bổ và nếu mua được sẽ có “hoa hồng” H. vui vẻ tiếp lời: “Chị ở đây không bán, nhưng nếu em muốn mua thì chị giới thiệu cho. Hàng thì hiếm thât đấy, nhưng cứ cần là có. Vì là hàng cấm nên giá có cao một tý, em lấy nhiều không?”.
H. đi vào trong nhà nói chuyện điện thoại một lát thì đi ra tiếp tục “chào hàng”: “Con lớn chưa, bị suy dinh dưỡng mà dùng thứ này thì tốt lắm đấy, ăn vào thấy hiệu quả ngay”. Để minh chứng và tạo lòng tin cho khách, H. lý giải: “Trước đây, nhà chị cũng có đứa cháu được 3 tuổi rồi nhưng còi lắm. Ăn thì nhiều nhưng không hấp thu, chị cũng giới thiệu cho mua nhau sản phụ về ăn, giờ lớn nhanh lắm, mà cứng cáp, chả đau ốm bệnh tật gì...”.
Nói chuyện với H. được 30 phút thì có một phụ nữ trung niên đi xe đạp, khẩu trang kín mặt dừng xe trước quán nước. Lập tức H. chạy ra. Người phụ nữ lấy trong giỏ ra một túi nilon màu trắng đưa cho H. rồi lại vội vã bỏ đi ngay. Trao cho PV túi nilon, H. tươi cười: “Hàng mới gom từ hôm qua, để trong tủ đá nên vẫn còn tươi lắm, ở đây có 2 cái, lấy em 500 nghìn đồng. Về cứ cho con ăn thử, nếu tốt quay lại đây lấy thêm, ai cần cứ giới thiệu cho chị nhé!”.
H. còn hướng dẫn: “Em đem về rửa sạch sẽ, ngâm qua nước gừng khoảng 30 phút cho bớt mùi tanh rồi chế biến. Nhiều cách làm lắm, em băm nhỏ cùng với ít thịt nạc rồi làm như bánh đa nem ấy, nếu không thích thì em bỏ vào nấu canh, dễ ăn lắm...”. Nhận tiền từ PV, H. nói thêm: “Ai hỏi thì em cứ bảo là của đi xin, đừng bảo mua, họ biết được rách việc lắm, lần sau lấy chị bớt cho!”.
Ngày hôm sau, PV tìm đến Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây (TP Hà Nội) nhưng không thể mua được “hàng”. Bởi theo lời khẳng định của một hộ lý tên G.: “Nhau thai đã được các công ty bào chế thuốc Đông y gom hết rồi! G. còn cho biết, những sản phụ “vượt cạn” sẽ được lập danh sách để kiểm soát số lượng nhau. Nhau thai được bảo quản trong tủ đá, sau đó người của các hiệu thuốc sẽ đến lấy. Vì vậy, theo gợi ý của G., nếu muốn có hàng nên đến các phòng khám sản tư nhân.
Nếu như nhau thai tươi là loại mặt hàng hiếm, khó kiếm thì nhau thai khô (tên gọi Đông y là tử hà sa) lại được bày bán nhan nhản trong các cửa hàng trên phố Thuốc Bắc (phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội). Nơi đây chuyên cung ứng nhau thai khô với giá cả phải chăng, người mua có nhu cầu, sẽ được đáp ứng.
Ghé vào một cửa hàng trên phố Thuốc Bắc, PV đặt vấn đề muốn mua nhau thai khô. Một người thanh niên quan sát PV một lượt rồi hỏi: “Anh mua tử hà sa gì?”. Rồi người thanh niên dẫn PV giao cho một người phụ nữ tên Phương. Người phụ nữ tên Phương đon đả: “Cháu lấy tử hà sa phải không? Chỗ cô cũng có bán, nhưng là hàng cấm nên phải giấu kỹ, quản lý thị trường kiểm tra là rách việc lắm...”.
Nói xong, chị Phương lấy ra một túi nhỏ bên trong có chứa nhiều gói màu ngả vàng, to bằng lòng bàn tay, bên trên ghi mấy dòng chữ Trung Quốc, không có phụ đề bằng chữ Việt Nam. “200 nghìn đồng một túi em nhé, chế biến và đóng gói bên Trung Quốc chứ Việt Nam mình chưa đủ trình độ để sản xuất ra những cái này. Vềdùng thử đi, bổ lắm, lấy nhiều thì chị bớt cho mỗi túi 20 nghìn”, chị Phương nói.
Ghê người cách bào chế nhau thai khô
Theo ghi nhận của PV, tại phố Thuốc Bắc có nhiều cửa hàng chuyên cung ứng nhau thai khô của phụ nữ. Dù biết đây là mặt hàng không được phép bán nhưng những khách đến đây “cứ có cung là có cầu”.
Vào ngày 11/7, tại cửa hàng H.N. trên phố Thuốc Bắc, PV ghi nhận thấy một túi tử hà sa có giá 300 nghìn đồng. Trong khi đó, cửa hàng P.M. trên phố Lãn Ông lấy lý do là hàng cấm nên “hét giá” 500 nghìn đồng/túi. Khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ và công dụng thì những người bán đều ngập ngừng, hoặc lắc đầu không biết. PV ngỏ ý muốn xem hàng thì họ đều lấy lý do là hàng cấm, có lấy thì mới cho xem.
Ngày 13/7, trở lại thị xã Sơn Tây (TP Hà Nội), theo lời giới thiệu của một người quen, PV tìm đến một hiệu thuốc Đông y trên đường Lê Lợi. Ở đây PV đã được nghe kể về cách bào chế nhau thai sản phụ dưới dạng khô và viên nang. Theo người đàn ông tên T., trước đây hiệu thuốc nơi ông làm việc cũng nhận bào chế các sản phẩm từ nhau thai thành thuốc dạng khô và dạng viên nang. Với dạng khô, khi lấy nhau thai về, hiệu thuốc sẽ làm sạch, khử mùi tanh bằng gừng và dấm, chanh. Sau khi làm sạch, nhau thai sẽ được thái mỏng, phơi khô để loại bỏ hết chất ẩm, đóng vào thành từng gói “giống hệt như chuối khô”.
Ông T. cho biết thêm, nhau thai loại này được sử dụng để ngâm rượu, hoặc sắc với thuốc Bắc uống. Người sử dụng loại này ngâm với rượu chủ yếu là khắc phục vấn đề về sinh lý.
Với cách bào chế dạng viên nang, ông giải thích, nhau thai sau khi được rửa sạch, khử tanh được cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn. Sau đó, nhau được đổ ra khay, thực hiện việc loại bỏ hết chất ẩm. Khi đã loại bỏ hết chất ẩm, sẽ tiến hành xay nhuyễn nhau thai thêm một lần nữa, chất bột nhau thu được sẽ được đóng vào các viên nang sử dụng dần.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Đính, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây cho biết: “Nhau thai được xếp vào nhóm chất thải y tế rắn. Cách đây rất lâu, vì có nhu cầu làm thuốc Đông y nên bệnh viện đã thu gom và bán cho các đơn vị sản xuất với giá 1.000 đồng/chiếc nhau thai. Nhưng hiện nay bệnh viện không bán nữa. Hiện tại, bệnh viện ký hợp đồng với Công ty Môi trường Đô thị để họ triển khai tiêu hủy theo đúng quy trình, quy định của Bộ Y tế”. Cũng theo ông Đính, ông không hiểu nhau thai khô, thậm chí cả nhau thai tươi đang bán ngoài thị trường lấy từ đâu ra. Bệnh viện đã yêu cầu tiêu hủy nhưng nếu Công ty Môi trường Đô thị không làm đúng cam kết (không tiêu hủy mà sử dụng vào việc khác) thì họ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.