Công ty cổ phần Nam Việt bị tố thiếu nợ tiền bán cá tra giống và vì bức xúc, bà con gửi đơn cầu cứu báo chí.

An Giang: Bị 6 hộ nuôi cá đòi nợ, Công ty CP Nam Việt trả lời không thiếu tiền ai

Tô Văn | 20/04/2021, 09:25

Công ty cổ phần Nam Việt bị tố thiếu nợ tiền bán cá tra giống và vì bức xúc, bà con gửi đơn cầu cứu báo chí.

Lá đơn đổ mồ hôi, sôi nước mắt

Gửi đơn phản ánh đến PV Một Thế Giới, những hộ dân gồm: Đặng Lưu Phương (SN 1974, ngụ ấp Mỹ Long 1, xã Mỹ Hòa Hưng, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang); Võ Thị Loa (SN 1974, ngụ ấp Phú Lợi, xã An Nông, H.Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp); Võ Thái Hà (SN 1979, ngụ P.An Thạnh, TX.Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp); Nguyễn Văn Bé Năm (SN 1983, ngụ xã Bình Phú, H.Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp); Đặng Văn Dũng (SN 1967, ngụ P.Long Sơn, TX.Tân Châu, tỉnh An Giang) trình bày:

6-nv.jpg
Người nuôi cá căng băng rôn trước cổng công ty - Ảnh: Tô Văn

“Chúng tôi sinh sống bằng nghề ươn, nuôi cá tra giống và bán cho Công ty cổ phần Nam Việt trong thời gian dài, bán rất nhiều lần. Việc thanh toán tiền trước đây sòng phẳng, đúng hạn, cá của chúng tôi giao đúng số lượng và chất lượng tốt. Và thời gian từ ngày 30.11.2020 đến 19.12.2020, chúng tôi lại lần lượt bán cá giống cho Công ty cổ phần Nam Việt.

Thông qua ngân hàng (do từng người mở tài khoản tại ngân hàng khác nhau) sau đó Công ty Nam Việt chuyển tiền thanh toán tùy theo người. Có người nhận nhiều lần, có người nhận một lần... Thậm chí có người chưa nhận tiền lần nào. Do đó Công ty cổ phần Nam Việt còn nợ 6 hộ dân chúng tôi với tổng số tiền 1.255.552.000 đồng. Cho đến nay Công ty cổ phần Nam Việt không khiếu nại hoặc phản ánh về số lượng cá, chủng loại cá, chất lượng cá giống chúng tôi giao.

1-nam-viet-.jpg
Công ty cổ phần Nam Việt, trụ sở chính 19D Trần Hưng Đạo, P.Mỹ Quý, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang bị ‘tố’ thiếu nợ tiền bán cá tra giống - Ảnh: Tô Văn

Nhiều lần tìm đến Công ty cổ phần Nam Việt yêu cầu thanh toán số tiền mua bán cá tra giống nhưng Công ty cổ phần Nam Việt (do anh Vỹ - Phó tổng giám đốc và anh Cảnh - Giám đốc Tài chính công ty) cho rằng, số tiền mua cá giống đã giao cho kế toán và thủ quỹ công ty thanh toán cho người bán cá tra giống. Tức công ty đã thanh toán rồi, không thanh toán lần nữa.

Quá bức xúc, mọi người đã tìm gặp thủ quỹ của công ty là anh Đỗ Triều Đức và hỏi việc thanh toán tiền như thế nào thì anh Đức bảo đã nhận tiền của Công ty cổ phần Nam Việt nhưng chưa thanh toán tiền. Vậy có phải xem như anh Đức chiếm dụng số tiền đó?”, những hộ dân trình bày trong đơn.

Cũng theo lời trình bày của những hộ dân này, họ cho rằng không biết anh Cảnh hay anh Đức là ai. Những hộ dân như họ chỉ biết bán cá tra giống cho Công ty cổ phần Nam Việt thì công ty phải có trách nhiệm trả tiền cho họ. “Anh Cảnh hay anh Đức là người của công ty. Công ty cổ phần Nam Việt giao tiền cho anh Đức, anh Cảnh trả tiền cho người dân nhưng anh Cảnh, anh Đức không trả tiền cho chúng tôi là lỗi của Công ty cổ phần Nam Việt và buộc hoặc yêu cầu anh Cảnh, Đức phải có nghĩa vụ trả lại số tiền này.

2-nam-viet-.jpg
Lá đơn của 6 hộ dân nuôi cá tra giống cầu cứu báo chí - Ảnh: Tô Văn

Công ty cổ phần Nam Việt né tránh trách nhiệm cũng không yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết mà còn thách thức chúng tôi muốn gì thì đi thưa là không thỏa đáng. Vì vậy, chúng tôi rất mong cơ quan chức năng xem xét giúp đỡ chúng tôi được nhận lại số tiền mà Công ty cổ phần Nam Việt còn thiếu để giải quyết khó khăn trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đời sống người dân đang càng ngày khó khăn, việc kinh doanh càng ngày giảm sút”, những hộ dân nuôi cá nêu mong mỏi trong đơn.

Phía Nam Việt nói gì?

Để ghi nhận thực tế vụ việc, PV gặp trực tiếp và được ông Hoàng Nhật (chồng bà Võ Thị Loa) trình bày: lúc mới làm ăn chung với công ty thì được nhân viên của công ty trả tiền mặt khi bán cá. Sau này, phía công ty nói mua bằng công nợ (vì vận chuyển tiền lên trả tiền mặt nhiều, tội nghiệp cho thủ quỹ, nhân viên mang tiền đi đêm khuya). Vì vậy, yêu cầu cho thiếu nợ nhưng trong 2 tuần là trả đủ.

3-nam-viet-.jpg
Hợp đồng Công ty cổ phần Nam Việt ký với bà con nông dân để mua cá tra - Ảnh: Tô Văn

Những hộ dân này bức xúc trình bày tiếp, việc công ty đổ cho chỗ thủ quỹ cầm tiền rồi không có trách nhiệm trả nợ là không thỏa đáng. Họ còn nói do tình hình dịch bệnh nên ông Tổng giám đốc không có ở đây nên cuối tuần sẽ trình cho ông giải quyết. Nhưng mấy tháng nay không thấy đá động gì việc này. “Vì vậy chúng tôi sẽ đứng trước công ty căng băng rôn yêu cầu công ty trả nợ. Riêng chuyện anh Đức cầm tiền nông dân không trả mà vẫn đi làm bình thường như không có chuyện gì xảy ra thì quá vô lý”, những hộ dân này bức xúc nói.

4-nam-viet.jpg
Những hộ dân trình bày với PV về việc Công ty cổ phần Nam Việt thiếu nợ tiền bán cá tra giống - Ảnh: Tô Văn

Nắm thông tin vụ việc nên khoảng hơn 10 giờ ngày 19.4, PV liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Văn Vỹ - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nam Việt để nắm thông tin 2 chiều để khách quan, chính xác. Và ông Vỹ trả lời qua điện thoại: “Công ty không thiếu tiền ai hết”, rồi ông cúp máy. Sau đó, PV có nhắn tin với ông Vỹ xin đặt lịch hẹn gặp trực tiếp nhưng ông Vỹ không hồi âm.

Luật sư Thái Thị Diễm Trúc, Giám đốc Công ty Luật TNH và Cộng sự, Đoàn Luật sư tỉnh An Giang cho biết, theo hợp đồng Công ty cổ phần Nam Việt ký với bà con nông dân để mua cá tra thì đã thể hiện: phía Công ty cổ phần Nam Việt có ủy quyền cho nhân viên của mình đàm phán, thương lượng và đại diện công ty ký hợp đồng mua bán theo thỏa thuận số lượng cá, giá tiền, tổng giá trị hợp đồng.

“Việc thỏa thuận này phù hợp với quy định của Bộ Luật dân sự về hợp đồng mua bán được quy định tại các điều 334, 337, 340. Theo đó, bên bán đã hoàn thành nghĩa vụ giao hàng đúng, đủ cho bên mua. Từ đó bên mua phải có nghĩa vụ trả đủ tiền cho bên bán. Đây là 1 giao dịch dân sự thông thường được xác lập giữa 1 cá nhân là người nuôi cá và 1 pháp nhân là doanh nghiệp kinh doanh về mặt hàng cá. Giao dịch này được pháp luật bảo hộ”, luật sư Trúc nói.

5-nam-viet.jpg
Chi phí nuôi cá, thức ăn, nhân công, chi phí hằng ngày đang càng trở thành gánh nặng cho 6 hộ nuôi cá tra giống - Ảnh: Tô Văn

Cũng theo luật sư Trúc, nếu một trong các bên cố tình trốn tránh, vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm tùy theo mức độ. Nếu vi phạm nghĩa vụ dân sự thông thường thì chịu trách nhiệm trả tiền theo hợp đồng và có thể phải chịu lãi suất đối với tiền chậm trả, nếu có thiệt hại mà chứng minh được thì phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Hoặc nặng hơn, nếu 1 trong 2 bên cố tình trốn tránh nghĩa vụ, có hành vi gian dối khi ký hợp đồng mua bán thì có thể chịu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật dù là cá nhân hay pháp nhân.

Bài liên quan
Chính quyền An Giang vào cuộc vụ khai thác trái phép hơn 875.000m3 đất
UBND tỉnh An Giang đã việc thành lập Tổ xem xét, xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác khoáng sản, sử dụng đất của Công ty cổ phần Xây lắp An Giang tại cụm công nghiệp, thị trấn An Phú, huyện An Phú.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
An Giang: Bị 6 hộ nuôi cá đòi nợ, Công ty CP Nam Việt trả lời không thiếu tiền ai