Ngày 25.8, Tòa án tối cao Thái Lan sẽ có một phán quyết, và bản án 10 năm tù lơ lửng trên đầu cựu Thủ tướng Thái Lan. Bà Yingluck Shinawatra bị buộc tội "lơ là", không kiểm soát chương trình trợ giá mua gạo của nông dân.

Án 10 năm tù lơ lửng trên đầu cựu Thủ tướng Thái Lan

Trần Trí | 24/08/2017, 07:40

Ngày 25.8, Tòa án tối cao Thái Lan sẽ có một phán quyết, và bản án 10 năm tù lơ lửng trên đầu cựu Thủ tướng Thái Lan. Bà Yingluck Shinawatra bị buộc tội "lơ là", không kiểm soát chương trình trợ giá mua gạo của nông dân.

Ngành công tố buộc tội bà Yingluck thiếu trách nhiệm nghiêm trọng, khiến chính phủ bị thất thoát 1 tỉ USD cho chương trình này.Nếu bà Yingluck bị tuyên có tội “lơ là giám sát", bà có thể bị kết án 10 năm tù.

Ở Thái Lan có luật cấm làm điều bất lương vỏn vẹn 57 chữ, quyđịnh quan chức sai phạm, không trung thực hoặc “cẩu thả” khiến có hậu quả nghiêm trọng thì bị tuyên mức án tù trên, hoặc bị phạt tiền, hoặc áp dụng cả hai cách phạt này.

Mua gạo giá cao, đòi bán "hét giá"nên không thể xuất khẩu

Hứa giúp nông dân cải thiện đời sống là một trong các lời hứa chủ đạo, trong cuộc tranh cử năm 2011 mà đảng Pheu Thai của bà Yingluck thắng sít sao ở kỳ bầu cử Quốc hội đó.

Ngay sau đó, bà đã có chủ trương mua gạo của nông dân với giá cao gấp đôi so với giá trị trường, nhằm giúp nông dân nghèo ở miền bắc và đông bắc nghèo nhất Thái Lan tăng thu nhập.

Trên thực tế, đây là một chương trình cho vay, nhưng nông dân không bị buộc hoàn trả vốn và lãi. Đây là lực lượng ủng hộ đông đảo của anh em bà Yingluck và anh trai của bà, ông Thaksin cũng từng là Thủ tướng và bị lật đổ năm 2006.Ông hiện sống lưu vong, sau khi bị tòa án Thái Lan tuyên án 2 năm tù vì tội tham nhũng.

Tuy nhiên, chính phủ bà Yingluck lại gặp khó khăn trong việc bán lại số gạo, khiến hàng triệu tấn gạo tồn kho bị mục hỏng do điều kiện bảo quản kém, gây thiệt hại lớn cho chính phủ.Ủy ban bài trừ tham nhũng quốc gia (NACC) cáo buộc bà Yingluck không ngăn chặn sự tốn kém quá lớn của chương trình: Mua lại 20 triệu tấn gạo với giá gấp đôi giá thị trường, với hy vọng giá gạo quốc tế sẽ tăng.Thế nhưng sau đógiá gạo lại rớt, khiến chính phủ bà Yingluck bị lỗ 5 tỉ USD.

Bên cạnh đó, số kinh phí cần mua gạo của nông dân với giá cao hơn giá thị trường rất lớn. Không bán được gạo thì chính phủ phải chịu cảnh tồn kho lớn và tốn tiền, không kể nạn tham nhũng trong khâu mua lúa, xay sát, nhập kho và xuất hàng.

Việc chính phủ trực tiếp mua gạo cũng phá hủy ngành xuất khẩu gạo tư nhân đang làm ăn hiệu quả.Chất lượng gạo giảm do nông dân không còn quan tâm chất lượng nữa, chỉ trồng các giống lúa giá rẻ nhưng có sản lượng cao, dù các giống lúa này không được ưa chuộng trên thị trường lúa gạo quốc tế.

NACC còn có những cáo buộc khác: không chặn được nạn trộm gạo của chính phủ, dùng thuốc trừ sâu giả và làm giả giấy tờ.Các nhân chứng khai việc trợ giá chỉ làm nông dân giàu thêm giàu, các nhà máy xay lúa và nhà thu mua cũng giàu, chứ tiền trợ giá không đến tay nhiều nông dân nghèo.

Nhưng các nhà quan sát pháp lý cho rằng nhiều cáo buộc đã không bị điều tra đầy đủ.

Cũng đã xảy ra chuyện tuồn lậu lúa gạo từ các nước lân cận - nhất là Campuchia - sang Thái Lan, để tranh thủ giá mua cao của chính phủ bà Yingluck.

Sau hai năm thực hiện, các sơ hở đã được xác nhận: Gạo trữ như núi trong kho nhà nước vượt quá 19 triệu tấn hồi tháng 3.2014, ngang bằng sản lượng một năm.

Khi Thái Lan hạn chế xuất khẩu gạo để “hét” giá bán, các nước cần mua gạo đã tìm đến nguồn gạo xuất khẩu của Việt Nam và Ấn Độ, và Thái Lan để mất vị thế nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới vào tay Ấn Độ từ năm 2012, và Thái Lan sau 30 năm ở vị trí số 1 bị rớt xuống hạng 3.

Hiệnnay, sau 2 năm tồn kho, chính quyền quân sự đang phải rao bán 4 triệu tấn gạo mục ruỗng để làm xăng ethanol, sau khi chịu bán lỗ số gạo ăn được.

Đóng băng tài khoản để bắt bà Yingluck đền tiền cho chính phủ

Hồi tháng 5.2014, quân đội Thái Lan với tướng Prayuth Chan-ocha chỉ huy lật đổ chính phủ của bà Yingluck.

Tháng 10.2016, chính quyền quân sự của đương kim Thủ tướng Prayuth đã ra lệnh tịch thu tài sản của bà Yingluck, buộc bà nộp phạt gần 997 triệu USD nhằm có thể bồi thường cho sự thất thoát của chính phủ.

Do bà từ chối nộp, hồi tháng 7, chính phủ quyết định đóng băng 12 tài khoản của bà Yingluck. Vụ bồi thường này sẽ được xử trong một phiên tòa khác.

Ngày 1.8, khi kết thúc phiên tòa, khoảng 1.000 người ủng hộ bà Yingluck đã tập trung trước trụ sở Tòa án tối cao để bày tỏ sự ủng hộ bà, nói phiên tòa có động cơ chính trị là để làm suy yếu phe ủng hộ anh em bà Yingluck.

Lúc đó, bà Yingluck, 50 tuổi, khóc và tuyên bố vô tội, không hề lơ là khiến gây tổn hại cho đất nước và nhân dân. Bà tuyên bố chương trình trợ giá gạo của bà đạt hiệu quả.Bà nói: “Tôi chưa bao giờ lơ là nhiệm vụ. Tôi biết mình là nạn nhân của một ván cờ chính trị”.

Chắc chắn "dầu sẽ được châm thêm vào lửa"

Dự kiến trong ngày 25.8, sẽ có từ 1.000 đến 2.000 thành viên Áo Đỏ ủng hộ ông Thaksin có mặt tại trụ sở Tòa án tối cao trong ngày ra phán quyết xét xử tội danh của bà Yingluck. Nhân viên an ninh sẽ bảo vệ 9 thẩm phán tại phiên tòa. Nhà của họ cũng được canh gác kỹ lưỡng. Đây là lệnh của tướng Chalermchai Sitthisart, chủ tịch Ủy ban quốc gia vì hòa bình và trật tự.Có thông tin chính quyền quân sự tăng cường giám sát phe Áo Đỏ ở miền bắc và đông bắc Thái Lan.

Án sơ thẩm sẽ do nhánh hình sự xét xử các quan chức chính quyền của Tòa án tối cao Thái Lan. Bà Yingluck có thể kháng án với một nhánh khác của Tòa trên, nhưng bà có thể bị giam trong quá trình truy tố, do NACC còn cáo buộc bà Yingluck vi phạm chính trị, tài chính cùng các vi phạm khác.

Dù vậy, phán quyết cũng có thể đem lại những hậu quả lớn cho tương lai chính trị của Thủ tướng Prayuth. Paul Chambers, một giáo sư mảng nghiên cứu Đông nam Á ở đại học Naresuan (Thái Lan) nói với báo Washington Times: “Nếu bà Yingluck hoàn toàn vô tội, vụ đảo chính 2014 sẽ mất tính hợp pháp, phá mất thế kiểm soát chính trường của quân đội, vì lý do cướp chính quyền của quân đội quá yếu”.

Ông nói thêm: “Nhưng nếu tòa ra phán quyết bỏ tù bà Yingluck, Thái Lan sẽ càng bị chia rẽ giữa người ủng hộ và phản đối anh em nhà Thaksin. Sự chia rẽ này sẽ giúp quân đội nắm quyền lực”.

Michael Nelson, giảng viên khoa chính trị đại học Ubon Ratchathani (Thái Lan) nói: “Xử trắng án sẽ làm ông Prayuth bị bẽ mặt”.

Theo trang Nikkei Asian Review, phán quyết có nội dung thế nào đi nữa, cũng sẽ lại làm bùng phát sự chia rẽ lâu nay giữa người Thái Lan ủng hộ và chống vị nữ Thủ tướng đầu tiên và ông Thaksin.

Chính quyền cấm hoạt động chính trị, hứa đem lại hòa giải dân tộc, nhưng theo Nikkei Asian Review, xem ra chỉ có một kết quả trong ngày 25.8: Dầu sẽ được đổ thêm vào lửa.

Vĩnh Thụy (theo Washington Times, Nikkei Asian Review)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Án 10 năm tù lơ lửng trên đầu cựu Thủ tướng Thái Lan