Để giành được giải Grammy, bạn cần có một bài hát hay, bản hòa âm phối khí xuất sắc và sự sáng tạo.

‘Âm nhạc chứa các yếu tố do AI tạo vẫn có thể giành được giải Grammy’

Sơn Vân | 05/07/2023, 09:17

Để giành được giải Grammy, bạn cần có một bài hát hay, bản hòa âm phối khí xuất sắc và sự sáng tạo.

Các quy tắc mới được Recording Academy (Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Thu âm quốc gia Mỹ), đơn vị tổ chức lễ trao giải Grammy, công bố vào tháng trước xác định rằng giải thưởng cao nhất của ngành công nghiệp âm nhạc chỉ dành cho "những nhà sáng tạo là con người" và thẳng thừng từ chối bất kỳ tác phẩm nào "không có sự tham gia, đóng góp từ con người".

Thế nhưng, điều đó không đồng nghĩa con người không thể sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra một đĩa đơn hoặc album xứng đáng với giải Grammy, miễn là họ chỉ ra những đóng góp tương ứng của mình, Harvey Mason Jr. - Giám đốc điều hành Recording Academy nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AP.

"Âm nhạc có chứa các yếu tố do AI tạo ra hoàn toàn đủ điều kiện để tham gia và được xem xét cho đề cử Grammy. Đó là sự thật. Điều sẽ không xảy ra là chúng tôi sẽ không trao đề cử Grammy cho hạng mục AI", Harvey Mason Jr. nói thêm.

Giống như hầu hết các giải thưởng, Grammy công nhận những đóng góp sáng tạo khác nhau để tạo ra âm nhạc tuyệt vời ở nhiều thể loại như sáng tác, sản xuất và biểu diễn.

Nói cách khác, nếu biểu diễn những lời do AI viết, một ca sĩ sẽ không được ghi nhận là sáng tác. Nếu AI thực hiện việc biểu diễn, con người có thể được ghi nhận là nhà sản xuất.

Harvey Mason Jr. nói: “Miễn là con người đang đóng góp nhiều hơn mức tối thiểu, điều mà theo chúng tôi là đóng góp một cách có ý nghĩa thì họ đang và sẽ luôn được xem xét cho đề cử hoặc giành giải. Chúng tôi không muốn thấy công nghệ thay thế khả năng sáng tạo của con người. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng công nghệ đang tăng cường, tô điểm hoặc bổ sung cho khả năng sáng tạo của con người".

Tin tức này xuất hiện ngay sau hướng dẫn từ nhóm gồm 24 trường đại học hàng đầu ở Vương quốc Anh, gồm cả Oxford và Cambridge, cho phép sinh viên và nhân viên sử dụng generative AI trong học thuật, miễn là họ sử dụng công nghệ này một cách có đạo đức.

Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu hoặc học máy trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.

am-nhac-chua-yeu-to-do-ai-tao-van-co-the-gianh-duoc-giai-grammy.jpg
Harvey Mason Jr nói âm nhạc có chứa các yếu tố do AI tạo ra vẫn có thể giành được giải Grammy miễn là con người đóng góp nhiều hơn mức tối thiểu - Ảnh: Getty Images

Harvey Mason Jr. cho biết quá trình xác định các quy tắc cho giải thưởng này mất khoảng 6 tháng để thực sự hoàn thiện và ông kỳ vọng sẽ có nhiều tác phẩm tham gia bao gồm cả các yếu tố AI.

"Chúng tôi sẽ xem xét liệu một số tác phẩm trong đó có được đề cử hay không, nhưng tôi chắc chắn sẽ có một số tác phẩm được gửi đăng ký", ông nói.

Apple Music, Spotify đối phó với sự bùng nổ bài hát do AI tạo

Sử dụng AI để tạo ra các bài hát không phải là điều quá mới trong ngành công nghiệp âm nhạc, nhưng gần đây việc này bắt đầu gây xôn xao khi cơn sốt AI bùng nổ.

Heart On My Sleeve (bài hát do AI tạo ra) gây sốt với hàng chục triệu lượt phát, nhưng bị các nền tảng gỡ bỏ vì vi phạm bản quyền. Nghệ sĩ ẩn danh có nickname Ghostwriter đăng bài hát lên các nền tảng âm nhạc trong tháng 4. Ghostwriter cho biết đã đưa các bài hát của hai nghệ sĩ Drake cùng The Weeknd vào hệ thống huấn luyện AI và cho ra đời ca khúc mới.

"Đây chỉ mới là sự khởi đầu", Ghostwriter nói trên kênh YouTube của mình.

Ngay khi xuất hiện, Heart On My Sleeve lập tức gây sốt. Sau 3 ngày, ca khúc nhận hơn 20 triệu lượt phát trực tuyến trên Apple Music, Spotify, TikTok và Twitter, cùng hàng triệu lượt nghe trên những nền tảng khác như Soundcloud, Deezer và Tidal. Tuy nhiên, Heart On My Sleeve cũng gây nên làn sóng phản ứng từ ngành công nghiệp âm nhạc.

Universal Music Group, hãng thu âm đại diện cho Drake và The Weeknd, nói họ luôn nắm bắt và ủng hộ công nghệ mới, song ca khúc "vừa vi phạm thỏa thuận của chúng tôi vừa vi phạm luật bản quyền". Universal Music Group yêu cầu các nền tảng trực tuyến "có trách nhiệm pháp lý và đạo đức" để đảm bảo các mô hình AI tạo sinh không gây hại cho nghệ sĩ.

Ngày 17.4, hầu hết nền tảng như Apple Music, Spotify, Soundcloud, Deezer đã xóa Heart On My Sleeve khỏi hệ thống của mình. Dù vậy, nhiều người vẫn tải về ca khúc này và đăng lại trên YouTube hay Twitter.

"Đây là ví dụ chứng minh tại sao các nền tảng AI cần có trách nhiệm pháp lý và đạo đức cơ bản nhằm ngăn chặn việc sử dụng các dịch vụ của họ theo cách gây hại cho nghệ sĩ", đại diện Universal Music Group chia sẻ.

Đây không phải lần đầu AI được sử dụng để làm mới các ca khúc của nghệ sĩ. Trước đó, bài hát Easy On Me của Adele mô phỏng giọng Kanye West hay bản cover bài hát của Beyonce sử dụng giọng Rihanna cũng gây sốt trên internet.

Theo giới chuyên gia, sự xuất hiện của các mô hình generative AI đặt ra thách thức lớn với ngành công nghiệp âm nhạc khi các hãng phải vật lộn với các vấn đề phức tạp về bản quyền.

Trang Financial Times đưa tin Universal Music Group gửi thông báo cho các dịch vụ phát trực tuyến như Spotify, Apple Music với mục đích kêu gọi chặn dịch vụ AI lấy giai điệu và lời bài hát từ các ca khúc đang nắm bản quyền.

am-nhac-chua-yeu-to-do-ai-tao-van-co-the-gianh-duoc-giai-grammy1.jpg
Boomy cho phép người dùng chọn nhiều kiểu hoặc mô tả để tạo bài hát bằng AI - Ảnh: Internet

Nhận nhiều khiếu nại về vấn đề gian lận, Spotify đã xóa hàng chục ngàn bài hát của Boomy (công ty khởi nghiệp âm nhạc AI) khỏi nền tảng. Spotify nghi ngờ công ty này đã "phát trực tuyến nhân tạo", tức là dùng bot đóng giả người để tăng lượng phát trực tuyến và số lượng khán giả cho các bài hát.

Boomy cho phép người dùng chọn nhiều kiểu hoặc mô tả khác nhau để tạo bài hát bằng AI, chẳng hạn như lo-fi hoặc rap. Người dùng có thể tự hòa âm phối khí hoặc ghi âm giọng mình để thêm vào bài hát. Công ty thậm chí còn cung cấp tính năng chuyển văn bản thành hình ảnh, cho phép người dùng tạo ảnh bìa bằng AI.

Thông qua Boomy, người dùng có thể phát hành bài hát và album của mình trên nền tảng phát trực tuyến. Tuy nhiên, Boomy lưu ý họ có thể thay đổi bài hát của người dùng để tuân thủ các nguyên tắc dịch vụ. Công ty sở hữu bản quyền tất cả bài hát được tạo bằng Boomy, dù người dùng vẫn được nhận 80% phí bản quyền.

Ngoài ra, Boomy vẫn cho phép người dùng sử dụng các bài hát của họ cho hầu hết mục đích thương mại và phi thương mại như trên TikTok hoặc trong podcast.

Dù chỉ mới ra mắt hai năm, Boomy tuyên bố người dùng của họ đã tạo ra hơn 14 triệu bài hát, chiếm tổng cộng khoảng 13,83% “bài hát được ghi nhận trên thế giới”.

Spotify đã gỡ bỏ hàng chục ngàn bài hát do Boomy tải lên. Công ty cho biết đang nỗ lực giải quyết vấn đề "phát trực tuyến nhân tạo".

Michael Nash, Giám đốc kỹ thuật số Universal Music Group, rất hoan nghênh nếu các đối tác của mình có thể cẩn thận giám sát những nền tảng stream nhạc.

Lucian Grainge, Giám đốc điều hành Universal Music Group, nói với nhà đầu tư rằng nếu generative AI phát triển bùng nổ không kiểm soát, các nền tảng sẽ tràn ngập những nội dung vi phạm luật bản quyền.

Daniel Ek, Giám đốc điều hành Spotify, nói ông chưa từng thấy bất cứ thứ gì gây ngạc nhiên như tốc độ phát triển của công nghệ AI.

Hiện Boomy vẫn tiếp tục phát hành các bản nhạc mới trên Spotify. Hai bên đang đàm phán về việc khôi phục những bài hát đã bị gỡ bỏ. Boomy cho biết kiên quyết chống lại mọi hình thức thao túng hoặc phát trực tuyến nhân tạo và sẽ làm việc với các đối tác trong ngành để giải quyết vấn đề này.

Bài liên quan
Hãng quản lý tài sản lớn nhất thế giới đầu tư mạnh vào AI
Trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành trận địa mới nhất cho cuộc cạnh tranh quyền lực toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc (TQ), thêm một mắt xích vào chuỗi cạnh tranh công nghệ giữa hai siêu cường này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Âm nhạc chứa các yếu tố do AI tạo vẫn có thể giành được giải Grammy’