Các hãng công nghệ lớn Trung Quốc, từ Alibaba, Tencent đến ByteDance, đã cắt giảm mạnh đầu tư ra nước ngoài trong năm 2023 do kinh tế khó khăn, rắc rối quy định và căng thẳng địa chính trị, theo dữ liệu của công ty tư vấn ITJuzi.
Thế giới số

Alibaba, Tencent và ByteDance giảm mạnh đầu tư ra nước ngoài trong 2023, trái ngược với Xiaomi

Sơn Vân 14/01/2024 16:16

Các hãng công nghệ lớn Trung Quốc, từ Alibaba, Tencent đến ByteDance, đã cắt giảm mạnh đầu tư ra nước ngoài trong năm 2023 do kinh tế khó khăn, rắc rối quy định và căng thẳng địa chính trị, theo dữ liệu của công ty tư vấn ITJuzi.

Tổng số giao dịch đầu tư nước ngoài do Alibaba, Tencent và Baidu thực hiện giảm gần 40% xuống còn 102 vào năm 2023, trong đó Tencent là công ty giảm mạnh nhất về số lượng giao dịch, theo dữ liệu từ ITJuzi.

Tencent từng nổi tiếng với quy mô và sự đa dạng của các khoản đầu tư trong lĩnh vực internet. Tuy nhiên, gã khổng lồ về truyền thông xã hội và game này chỉ ký kết 39 hợp đồng đầu tư với 37 công ty vào năm 2023, giảm mạnh so với con số 95 trong năm 2022 và 299 vào năm 2021.

Baidu, hãng tìm kiếm internet lớn nhất Trung Quốc, tham gia 24 giao dịch đầu tư ra nước ngoài trong năm 2023, giảm so với con số 52 của năm 2021. Alibaba, gã khổng lồ thương mại lớn nhất Trung Quốc, tham gia 39 giao dịch đầu tư ra nước ngoài, giảm so với con số 91 của năm 2021, theo ITJuzi.

Năm 2021 là một năm bước ngoặt với các hãng internet Trung Quốc, khi Bắc Kinh bắt đầu chiến dịch nhằm kiềm chế "sự mở rộng vốn vô trật tự". Trong bối cảnh hàng loạt các động thái thắt chặt quy định, những hãng internet lớn nhất Trung Quốc (từng có quy mô thị trường ngang tầm các đối thủ Mỹ) hầu như đã ngừng mở rộng.

Các khoản đầu tư của Tencent năm 2023 chủ yếu liên quan đến các dịch vụ doanh nghiệp, chăm sóc sức khỏe và game. Các công ty sản xuất tiên tiến là lựa chọn hàng đầu của Alibaba vào năm 2023, với 8 giao dịch liên quan được thực hiện bởi công ty có trụ sở tại thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) và các chi nhánh của nó.

Đang phải đối mặt với tình trạng chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc chững lại, Alibaba đã thực hiện 4 giao dịch đầu tư thuộc lĩnh vực thương mại điện tử, 3 trong số đó là ở nước ngoài.

Trí tuệ nhân tạo (AI) là một lĩnh vực được các ông lớn công nghệ Trung Quốc ưa chuộng vào năm ngoái, khi họ chạy đua để xây dựng và quảng bá các đối thủ nội địa tương tự ChatGPT của OpenAI.

Tencent và Alibaba lần lượt hậu thuẫn 7 và 4 công ty khởi nghiệp AI phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn - công nghệ làm nền tảng cho các chatbot AI, có thể hiểu các câu hỏi phức tạp và đưa ra câu trả lời giống con người.

Năm 2023, Viện nghiên cứu Damo Academy thuộc Alibaba thành lập phòng thí nghiệm nghiên cứu và tuyển dụng hơn 100 ứng cử viên tiến sĩ để làm việc trên các lĩnh vực tiên tiến, gồm cả AI và bán dẫn.

alibaba-tencent-va-bytedance-giam-manh-dau-tu-vao-nuoc-ngoai-trong-2023-trai-nguoc-voi-xiaomi.png
Alibaba, Tencent, ByteDance cắt giảm mạnh đầu tư vào nước ngoài trong năm 2023 do kinh tế khó khăn, rắc rối quy định và căng thẳng địa chính trị - Ảnh: Internet

Các hãng công nghệ lớn khác của Trung Quốc cũng thực hiện ít đầu tư ra nước ngoài hơn.

ByteDance, chủ sở hữu Tiktok, có 5 giao dịch đầu tư ra nước ngoài vào năm 2023. Trong khi nhà điều hành nền tảng mua sắm trực tuyến JD.com chỉ thực hiện 2 vụ đầu tư ra nước ngoài.

Thỏa thuận lớn nhất của ByteDance trong năm 2023 là khoản đầu tư 1,5 tỉ USD vào Tokopedia (hãng thương mại điện tử số 1 Indonesia thuộc tập đoàn GoTo Group). Động thái này giúp ByteDance (có trụ sở tại Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc) khởi động lại hoạt động kinh doanh mua sắm trực tuyến tại Indonesia sau khi các nhà quản lý nước này cấm Tiktok Shop.

Những người quen thuộc với thỏa thuận cho biết TikTok của ByteDance đã đồng ý hợp tác rộng rãi với Tokopedia trên một số lĩnh vực thay vì cạnh tranh trực tiếp với nền tảng nổi tiếng Indonesia này.

Khoản đầu tư vào Tokopedia sẽ là bước tiến đầu tiên với TikTok Shop, nhánh dịch vụ video của ByteDance đang phát triển nhanh chóng và xâm nhập vào lĩnh vực mua sắm trực tuyến từ Mỹ đến châu Âu. Tuy nhiên, sự phát triển của TikTok Shop ở Indonesia so với Sea và Tokopedia đã bị dừng lại khi quốc gia này (phản hồi các khiếu nại từ các thương gia địa phương) ra lệnh cấm giao dịch thương mại điện tử trên các nền tảng truyền thông xã hội hồi cuối tháng 9.2023.

Việc hợp tác với Tokopedia có thể cung cấp một mô hình cho TikTok khi theo đuổi việc mở rộng vào các thị trường khác như Malaysia, nơi chính phủ ra tín hiệu sẵn sàng xem xét ảnh hưởng của những công ty nước ngoài.

Mục tiêu cuối cùng của TikTok là hồi sinh dịch vụ mua sắm trực tuyến tại Indonesia, thị trường bán lẻ lớn nhất Đông Nam Á. TikTok, nền tảng duy nhất bị ảnh hưởng ngay lập tức bởi các quy định mới của Indonesia, đã phải tạm dừng dịch vụ mua sắm trực tuyến để tuân thủ các hạn chế.

Indonesia là thị trường đầu tiên và lớn nhất của TikTok Shop. TikTok Shop bắt đầu cung cấp dịch vụ này ở Indonesia vào năm 2021 và thành công ngay lập tức với những người mua sắm trẻ tuổi, đặc biệt là những ai chủ yếu xem video, khuyến khích nó mở rộng sang các thị trường khác, gồm cả Mỹ.

Với GoTo Group (công ty internet lớn nhất Indonesia), thỏa thuận với ByteDance có thể gặp rủi ro vì sẽ giúp đối thủ bán lẻ trực tuyến lớn hoạt động tại quốc gia này. Thế nhưng, thoả thuận cũng sẽ mang lại cho GoTo Group đối tác truyền thông xã hội toàn cầu mạnh mẽ trong thỏa thuận có thể thúc đẩy khối lượng mua sắm, hậu cần và thanh toán cho cả hai công ty.

Patrick Walujo, người tiếp quản vai trò Giám đốc điều hành GoTo Group hồi tháng 6.2023, đang cố gắng mang lại lợi nhuận cho công ty trên cơ sở điều chỉnh vào cuối năm nay để cho thấy hãng thương mại điện tử và dịch vụ gọi xe này có tiềm năng lâu dài. Patrick Walujo đang tiếp tục chiến dịch giảm lỗ của người tiền nhiệm bằng cách sa thải nhân viên, giảm thăng chức và thắt chặt kiểm soát chi phí.

TikTok đã cố gắng thu hút sự chú ý các quan chức chính phủ Indonesia và các công ty truyền thông xã hội khác để tìm ra cách khởi động lại hoạt động thương mại điện tử của mình tại quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á.

Teten Masduki, Bộ trưởng Hợp tác xã và Doanh nghiệp vừa và nhỏ Indonesia, cho biết TikTok đã nói chuyện với 5 công ty, gồm cả Tokopedia, PT Bukalapak.com và Blibli về khả năng hợp tác.

Indonesia là một trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á phản đối TikTok. Việc giải quyết vấn đề ở Indonesia sẽ là vấn đề then chốt với TikTok khi các chính phủ trên khắp thế giới đánh giá cách quốc gia lớn nhất Đông Nam Á hành động nhằm hạn chế sự hiện diện thương mại điện tử đang phát triển của gã khổng lồ truyền thông xã hội Trung Quốc. Chỉ vài tháng trước đó, TikTok cho biết sẽ đầu tư hàng tỉ USD vào khu vực Đông Nam Á.

Sau các hạn chế của Indonesia, Malaysia đang nghiên cứu khả năng quản lý TikTok và các hoạt động thương mại điện tử của ứng dụng này. TikTok đang phải đối mặt với các lệnh cấm và sự giám sát có thể xảy ra ở Mỹ, châu Âu vì lo ngại an ninh quốc gia.

Trong khi đó, nhà sản xuất smartphone Xiaomi nổi lên như là nhà đầu tư hàng đầura nước ngoài vào năm 2023 theo số lượng giao dịch, với 82 thương vụ được thực hiện.

Tháng 12.2023, Xiaomi (có trụ sở tại Bắc Kinh) đã ra mắt chiếc ô tô điện đầu tiên của mình là Su7, được thiết kế để cạnh tranh với Tesla và Porsche tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới ở Trung Quốc.

Cùng tháng đó, Xiaomi đã đầu tư vào ba công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực xe cộ và vận tải, theo Itjuzi.

Bài liên quan
Ứng dụng Temu dành cho người mua sắm ở Mỹ giúp PDD bắt kịp Alibaba về vốn hóa thị trường
Temu, ứng dụng mua sắm ra mắt tại Mỹ vào tháng 9.2022, đã trở thành nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ cho công ty mẹ PDD Holdings (Trung Quốc), nhanh chóng nâng vốn hóa của PDD Holdings cao hơn Alibaba trên thị trường chứng khoán Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
một giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Alibaba, Tencent và ByteDance giảm mạnh đầu tư ra nước ngoài trong 2023, trái ngược với Xiaomi