Kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh của tỷ phú Trung Quốc Jack Ma tại thị trường Mỹ mới đây đã vấp phải những trở ngại nghiêm trọng, khi các dự án thâu tóm tài sản tại Mỹ của ông trùm tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba bắt đầu có dấu hiệu bị xếp vào diện tình nghi và có thể bị điều tra.
Vị khách Trung Quốc đầu tiên của tân Tổng thống Donald Trump sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử 2016, Jack Ma, hiện có vẻ như cũng đang trở thành doanh nhân Trung Quốc đầu tiên bị xếp vào diện tình nghi và điều tra về các vụ thâu tóm tài sản tại thị trường Mỹ. Vào ngày thứ Sáu 31.3, hai nghị sĩ ở Hạ viện Mỹ là Kevin Yoder và Eddie Bernice Johnson lên tiếng kêu gọi Ủy ban Đầu tư Nước ngoài (CFI) của Mỹ tiến hành điều tra toàn diện và kỹ lưỡng về đề xuất của tỷ phú Trung Quốc Jack Ma được phép mua lại công ty MoneyGram International chuyên về dịch vụ chuyển tiền quốc tế.
Hai nghị sĩ này đã viết thư cho tân Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, cho rằng: “Đề xuất thâu tóm này cần phải được xem xét cẩn thận và kỹ lưỡng vì nó có thể cung cấp cho Trung Quốc cơ hội tiếp cận cơ sở hạ tầng tài chính của Mỹ, một động tháigây nguy hiểm và rủi ro an ninh quốc gia đáng kể nếu được phép diễn ra”.
Trước đó, công ty con về tài chính-dịch vụ của Alibaba do Jack Ma kiểm soát, Ant Financial, đã đưa ra đề nghị mua lại MoneyGram vào tháng 1.2017 với giá 880 triệu USD (khoảng 13,25 USD mỗi cổ phiếu), nhưng ngay lập tức đã bị xếp vào diện nghi vấn khiến cho một công ty Mỹ khác là Leawood ở bang Kansas đã đưa ra mức giá thấp hơn là 13,20 USD mỗi cổ phiếu với lý do sẽ tránh được những trở ngại trong vấn đề phê duyệt của chính phủ.
Đây không phải là lần đầu tiên các phi vụ mua lại và thâu tóm tài sản ở Mỹ của các doanh nghiệp Trung Quốc bị nghi ngờ, khi đã có rất nhiều các vụ mua bán sáp nhập diễn ra trong những năm qua, nhưng quá trình này mới bắt đầu chậm lại gần đây khi đối mặt với sự phản đối về chính trị và lo ngại về an ninh quốc gia. Vào tháng 12.2016, phi vụ một công ty Trung Quốc hỏi mua hãng sản xuất bán dẫn Mỹ là Aixtron SE đã bị hủy bỏ vào phút cuối sau khi Tổng thống Obama nghe theo lời khuyên của CFI nên từ chối.
Những mối lo ngại về phi vụ thâu tóm MoneyGram của Jack Ma và Alibaba thông qua công ty con Ant Financial càng tăng lên đáng kể sau những thông tin cho biết chính phủ Trung Quốc có dính líu đến hoạt động của công ty này thông qua việc sở hữu một số cổ phần. Giám đốc điều hành của Euronet – công ty ký hợp đồng cung cấp bảo mật với MoneyGram – là Michael Brown đã viết thư cho Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin trong tuần này, để cảnh báo rằng đề nghị mua lại của Ant Financial đang làm tăng mối lo ngại về an ninh quốc gia, theo đó có khả năng chính phủ Trung Quốc sẽ yêu cầu dữ liệu về những người sử dụng dịch vụ chuyển tiền của công ty này, trong khi về lý thuyết nó phải được bảo mật hoàn toàn.
Hai nghị sĩ Yoder và Johnson cũng nhắc lại rằng, Ant Financial một phần thuộc sở hữu của các tổ chức nhà nước của Trung Quốc. Điều nàycho phép Bắc Kinh tiếp cận với những dữ liệu quan trọng và có thể bị sử dụng vào mục đích thông tin tình báo.
Dù theo một số nguồn tin cho biết, sở hữu của chính phủ Trung Quốc tại Ant Financial chỉ đạt khoảng 15% số cổ phần và không thể can thiệp vào hội đồng quản trị của công ty cũng như các quyết định kinh doanh, nhưng khả năng thương vụ mua lại MoneyGram bị đình trệ là rất cao. Ngoài việc nó bị nghi vấn và thuộc diện điều tra của CFI, thì sức ép chính trị phản đối các vụ thâu tóm của các công ty Trung Quốc tại Mỹ hiện nay cũng đang rất lớn, nó có thể dẫn tới các quyết định hủy bỏ thương vụ mà không cần đến những lý do và số liệu về mặt tài chính.
Nếu điều này trở thành sự thực, đây có thể xem như một cú sốc với riêng Jack Ma và các công ty Trung Quốc khác trong mối quan hệ kinh tế-thương mại với Mỹ. Jack Ma chính là doanh nhân Trung Quốc đầu tiên và cũng là người Trung Quốc đầu tiên gặp mặt ông Trump sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Trong cuộc gặp trực tiếp ngày 9.1.2017, Jack Ma đã đưa ra cam kết sẽ giúp tạo thêm khoảng 1 triệu việc làm tại Mỹ thông qua việc hỗ trợ thúc đẩy doanh số bán hàng của các công ty Mỹ ở Trung Quốc thông qua tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ của mình là Alibaba. Lời hứa này được Donald Trump hoan nghênh và Jack Ma được xem như thượng khách và cũng là biểu tượng cho sự hợp tác kinh tế-thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong giai đoạn mới, theo đó các doanh nhân Trung Quốc hoàn toàn có thể hỗ trợ đắc lực cho chính sách “America First” của Tổng thống Trump về vấn đề tạo việc làm mới ở Mỹ.
Tuy nhiên, việc ngăn chặn các phi vụ thâu tóm tài sản ở Mỹ của Jack Ma và Alibaba đang cho thấy mặt còn lại của chính sách “America First” này. Một mặt, chính quyền mới của Mỹ luôn hoan nghênh các đề xuất giúp tạo công ăn việc làm mới và giúp làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ của các doanh nghiệp Trung Quốc, nhưng mặt khác Washington cũng luôn sẵn sàng điều tra và ngăn chặn các phi vụ thâu tóm tài sản ở Mỹ của các doanh nghiệp này vì lý do an ninh quốc gia nếu thấy cần thiết.
Dù Tổng thống Donald Trump chưa lên tiếng chính thức về vấn đề ngăn chặn các vụ thâu tóm của các doanh nghiệp Trung Quốc này, nhưng có thể hiểu đó là một đồng ý ngầm. Sẽ không có chuyện vì những lời hứa giúp tạo việc làm và tăng đầu tư của các công ty Trung Quốc mà Donald Trump sẽ nhẹ tay với các công ty này trong các vấn đề khác.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)