Tình hình kinh tế ở xứ sở các Pharaoh rơi vào khủng hoảng khi giá lương thực tăng gấp đôi, tiền lương giảm một nửa và các ngân hàng hạn chế cho người dân rút tiền.

Ai Cập rơi vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng

Bảo Vĩnh | 24/01/2023, 17:20

Tình hình kinh tế ở xứ sở các Pharaoh rơi vào khủng hoảng khi giá lương thực tăng gấp đôi, tiền lương giảm một nửa và các ngân hàng hạn chế cho người dân rút tiền.

ai-cap-2-pa.jpg
Giá trị đồng bảng Ai Cập bị rớt sâu so với đồng USD - Ảnh: PA

Ai Cập hiện phải siết khâu nhập khẩu nhằm bảo vệ nguồn USD. Khoản ngoại tệ cần thiết để mua lương thực và xăng dầu đã giảm xuống còn gần 10% hồi tháng 3.2022 và khiến giá tiêu dùng tăng cao, các nhà đầu tư phải rút hàng tỉ USD khỏi Ai Cập. 

Do đồng bảng Ai Cập (EGP) bị giảm giá trị khoảng 1/3 kể từ cuối tháng 10.2022 và lạm phát hiện ở mức 20%, việc mua sắm hàng hóa tiêu dùng là một việc khó khăn đối với nhiều người thuộc lớp trung lưu vốn đang phải kiểm soát chặt việc chi tiêu. Một vài nhà kinh tế học cho rằng tỷ lệ lạm phát không chính thức của Ai Cập phải là 101%.   

Vung tiền vào các dự án khổng lồ

Các vấn nạn kinh tế của Ai Cập là hậu quả của nhiều vấn đề trong nước, gồm bất ổn chính trị, tham nhũng và điều hành kém, cộng thêm các khủng hoảng từ bên ngoài như chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine, dịch COVID-19 và nguy cơ suy thoái toàn cầu. 

Dịch COVID-19 gây thiệt hại lớn cho lĩnh vực du lịch, một trong những mảng thu được nhiều tiền nhất của Ai Cập. Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine cũng làm đứt gãy nguồn cung bột mì đến Ai Cập, nước nhập khẩu bột mì lớn nhất thế giới.  

ai-cap-1-reuters.jpg
Hàng hóa cơ bản ở chợ vắng người mua - Ảnh: Reuters

Kể từ năm 2014, chính phủ Ai Cập dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi đã quảng bá những “siêu dự án” trọng điểm quốc gia như tuyến tàu một ray không người lái dài nhất thế giới (dự kiến tốn 23 tỉ USD), và xây một thành phố mới với kinh phí 50 tỉ USD sẽ là thủ đô hành chính mới và gần thủ đô Cairo hiện nay. 

Các dự án này đều được cho là cỗ máy giúp Ai Cập tăng trưởng. Nhiều dự án cũng liên quan mạng lưới làm kinh tế của quân đội nước này. 

Các chính sách mới cho phép các công ty của nhà nước và quân đội kiểm soát lĩnh vực kinh tế, nhưng lại chèn ép khu vực tư nhân. Điều này khiến các nhà đầu tư nước ngoài e ngại, cũng như khiến Ai Cập càng trở nên lệ thuộc ngoại tệ để tồn tại. Nước này hiện nợ hơn 155 tỉ USD và khoảng 1/3 nguồn thu nhập quốc gia dùng để trả nợ nước ngoài. 

Tất cả những yếu tố trên đã đẩy Ai Cập “đến bên bờ vực thẳm tài chính và kinh tế”, theo lời của Rabah Arezki, cựu kinh tế trưởng khu vực Trung Đông và Bắc Phi của Ngân hàng Thế giới.  

Yezid Sayigh, nhà nghiên cứu cấp cao ở Trung tâm Carnegie Trung Đông, nói: “Lý do tại sao dịch bệnh và chiến tranh ở Ukraine đã có tác động mạnh là chính từ chiến lược đầu tư do Tổng thống Sisi dẫn dắt suốt 9 năm qua: chi tiêu ồ ạt vào các dự án khổng lồ không cần thiết hoặc lên kế hoạch kém. Điều này khiến lĩnh vực tài chính Ai Cập dễ bị tổn thương, không đem lại lợi ích thiết thực cho lĩnh vực kinh tế”. 

Sayigh còn nói các chính phủ nước ngoài như Đức và Mỹ cũng phải chịu trách nhiệm: “Tổng thống Sisi không thể làm tăng mức nợ lên tới 400% mà không có nguồn đầu tư trực tiếp của các nước này”. 

ai-cap-xinhua.jpg
Ai Cập đang xây tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới trị giá 3 tỉ USD - Ảnh: Tân Hoa Xã

Cairo hứa cải cách để vay tiền IMF

Ai Cập không có nhiều phương án xử lý các “lỗ thủng về tài chính”. Nước này phải chuyển qua vay tiền của các đồng minh trong Vịnh Ả Rập và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), như vẫn làm khi nước này lâm các cuộc khủng hoảng. 

Hồi tháng 12.2022, IMF đồng ý gói vay bảo lãnh 3 tỉ USD cho Ai Cập. Đây là khoản vay thứ ba của nước này với IMF kể từ năm 2016, và được xem là một cách giúp Ai Cập thu hút thêm nguồn đầu tư từ nước ngoài cũng như có thêm sự giúp đỡ tài chính. 

Để thực hiện thỏa thuận, chính phủ Ai Cập đã có nhiều nhượng bộ quan trọng đối với IMF, gồm linh động hơn về tỷ giá ngoại tệ, cam kết chuyển trực tiếp tiền mặt đến khoảng 5 triệu hộ nghèo từ cuối tháng 1.2023. Một cam kết khác của Cairo là hứa “kiềm chế” đế chế kinh tế rộng lớn của quân đội Ai Cập. 

Khoản cho vay bảo lãnh mới của IMF giúp đưa Ai Cập “khỏi vực thẳm kinh tế”, nhưng khó nói liệu nó có thể thật sự có ích cho người dân hay không. Chính phủ và giới quyền thế sẽ tiếp tục cố gắng duy trì lợi thế và tài sản, theo Timothy Kaldas, một chuyên gia về kinh tế - chính trị Ai Cập và là nhà nghiên cứu chính sách ở Viện Chính sách Trung Đông Tahrir. 

Ông cũng nói ngay cả khi Ai Cập tuân thủ tất các điều kiện của IMF, sức phục hồi của kinh tế nước này cũng sẽ không đến nhanh. “Những người Ai Cập đang gặp khó khăn sẽ còn nghèo hơn. Nhưng sẽ không có gì ngăn cản được khó khăn kinh tế ngày càng tăng đối với người dân Ai Cập trong năm tới”.

Bài liên quan
Philippines: Lạm phát khiến giá hành tây cao 'ngất trời'
CNN cho biết, tại Philipines, hành tây - nguyên liệu chính trong hầu hết món ăn của người dân địa phương - hiện đắt gần gấp 3 lần thịt gà.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ai Cập rơi vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng