Ông Hoàng Ngọc Khanh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết thông tin trên vào sáng 5.5. Hiện tỉnh này vẫn đang chờ kết luận nguyên nhân cá biển và cá nuôi lồng chết hàng loạt trong những ngày vừa qua ở vùng quanh cửa biển Thuận An.

8 tạ cá tầng đáy chết dạt vào biển Thừa Thiên-Huế đợt 3

Lê Đình Dũng | 05/05/2016, 14:46

Ông Hoàng Ngọc Khanh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết thông tin trên vào sáng 5.5. Hiện tỉnh này vẫn đang chờ kết luận nguyên nhân cá biển và cá nuôi lồng chết hàng loạt trong những ngày vừa qua ở vùng quanh cửa biển Thuận An.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Khanh cho hay: “Cá chết ở Thừa Thiên-Huế đến nay có 3 đợt: đợt một từ ngày 15 - 21.4, cá chết nổi lên ở vùng ven bờ biển Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc. Đợt hai từ ngày 26 - 29.4, hải sản chết bất thường ở đầm Lăng Cô và xã Lộc Vĩnh thuộc huyện Phú Lộc. Đợt thứ ba từ ngày 2.5 đến nay, có hiện tượng cá chết bất thường trở lại ở xã Quảng Ngạn, Quảng Công (Quảng Điền),xã Hải Dương (thị xã Hương Trà),xã Phú Thuận, Phú Hải, cửa biển Thuận An (huyện Phú Vang)”.

Theo ông Chánh văn phòng, kiểm đếm đợt cá chết mới nhất có khoảng 8 tạ cá sống ở tầng đáy dưới biển dạt vào, còn cá nuôi nuôi lồng chưa có số liệu thống kê.

Ông Hoàng Ngọc Khanh, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế.

“Cá chết ở Thuận An là cục bộ; nguyên nhân do kỹ thuật nuôi của người dân chưa đảm bảo, có thể lồng nuôi dày và sát đáy nên cá thiếu oxy. Hiện tỉnh đã chỉ đạo Chi cục thủy sản khuyến cáo người dân nâng lồng nuôi lên cách đáy 1m để đảm bảo nước lưu thông và tạo thêm oxy. Trước mắt chúng tôi đưa ra một số giải pháp như sục oxy thì thấy cá chết giảm hẳn. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo Sở NN-PTNT và Sở TNMT phối hợp cùng các cơ quan chức năng từ Trung ươngvào kiểm định nguyên nhân cá chết. Nếu có cảnh báo nguy hiểm thì chúng tôi cảnh báo ngay.

Ngày hôm nay, lãnh đạo tỉnh cũng đã xuống địa phương chỉ đạo thống kê, đánh giá và xem xét hỗ trợ thiệt hại cho người dân; chỉ đạo thu gom xử lý toàn bộ số hải sản được phát hiện chết”, ông Khanh cho biết.

Vị này nói thêm: “Hầu hết nuôi cá lồng là người dân tự phát nuôi. Chúng tôi khẳng định kiểm soát rất chặt hải sản chết bất thường từ điểm nuôi đến các điểm tiêu thụ. Mẫu nước lấy ở các điểm cá chết lần 3 này qua kiểm định vẫn đạt chỉ số an toàn”.

Trả lời về công tác quan trắc và kiểm định nước biển cũng như hải sản ở địa phương trong thời gian diễn ra lễ hội Festival như thế nào, ông Khanh nói: “Trong những ngày diễn ra Festival, chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương triển khai chặt chẽ các chỉ đạo từ Trung ương. Tất cả các điểm quan trắc đánh giá môi trường ở bờ biển, bãi tắm, du lịch, các vùng nuôi đều nằm trong giới hạn cho phép theo quychuẩn kỹ thuật của quốc gia về giới hạn an toàn nước biển. Chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương thống kê các đối tượng đánh bắt xa bờ, gần bờ, liên quan buôn bán, du lịch ven bờ để ngày hôm nay (5.5) báo cáo Chính phủ để có hỗ trợ. Đồng thời, tiếp tục động viên người dân ra khơi đánh bắt xa ngoài 20 hải lý theo quy định của Bộ NN-PTNT”.

Bộ đội biên phòng đang hỗ trợ người dân thị trấn Thuận An xử lý cá nuôi lồng bị chết bất thường.

Người phát ngôn UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế khẳng định lại: “Đây là một sự cố môi trường nghiêm trọng xảy ra ở nước ta từ vùng biển Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế. Vì vậy cần phải xác định nguyên nhân và thực hiện một cách khẩn trương nhưng thận trọng”.

Thừa Thiên-Huế đã tiến hành xem xét nguyên nhân cá chết trôi dạt vào bờ và gửi các mẫu cho cơ quan chức năng phân tích đánh giá; tổ chức quan trắc các điểm, bãi tắm,cửa biển, bờ sông… một ngày hai lần và công bố tại cổng thông tin điện tử UBND tỉnh.

Hiện nay, tỉnh này cũng đang tiến hành thống kê thiệt hại về các đối tượng bị tác động ở vùng bờ và trong vùng 20 hải lý; cấp giấy chứng nhận vùng đánh bắt an toàn trên 20 hải lý bằng cách xác nhận tọa độ của các tàu đánh bắt xa bờ để tiến hành tiêu thụ các sản phẩm an toàn. Tỉnh này cho hay, trong những ngày qua trên 500 tấn hải sản đánh bắt xa bờ được tiêu thụ trên địa bàn toàn tỉnh.

Vùng nuôi cá lồng ở cửa biển Thuận An bị ảnh hưởng nặng trong đợt cá chết lần 3 này.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có thông tin người dân ở vùng biển có cá chết phản ánh chính quyền địa phương yêu cầu người dân không được chụp hình hải sản chết đăng lên mạng xã hội, ông Hoàng Ngọc Khanh bình luận: “Người dân phát tán (hình ảnh cá chết) lên mạng xã hội dễ có những bình luận không đúng gây nhiễu động trong nhân dân. Tất nhiên là có hạn chế người dân phát tán hình ảnh lên mạng xã hội một cách không chính thống”.

Ông này cũng cho hay, trong tất cả những mẫu được lấy kiểm định như hải sản chết, nước biển, mẫu lạ thì đợt cá chết lần này có cả những mẫu rong trắng ít xuất hiện ở vùng biển này.

Video bộ đội biên phòng và chính quyền tiêu hủy cá nuôi lồng của người dân Thừa Thiên-Huế bị chết đợt 3:

Lê Đình Dũng

Ảnh đại diện: Dân quân xã Hải Dương (thị xã Hương Trà) vớt một con cá úc cỡ lớn chết dạt vào bờ biển.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
8 tạ cá tầng đáy chết dạt vào biển Thừa Thiên-Huế đợt 3