Brunei không phải là quốc gia đầu tiên hay duy nhất có luật tử hình người đồng tính.

8 quốc gia khác có luật tử hình người đồng tính bên cạnh Brunei

Chí Thiện | 04/04/2019, 06:44

Brunei không phải là quốc gia đầu tiên hay duy nhất có luật tử hình người đồng tính.

Ngày hôm qua, Brunei đã chính thức áp dụng luật Sharia lên những người theo đạo Hồi tại quốc gia này (tương đương 250.000 người, chiếm 65% dân số). Theo đó, tội quan hệ tình dục đồng tính có hình phạt ném đá đến chết, được xếp chung với tội ngoại tình, ấu dâm và cưỡng hiếp.

Động thái này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía truyền thông quốc tế. Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet đã miêu tả đây là một bộ luật “hà khắc” và “vô nhân đạo”. Nhiều ngôi sao nổi tiếng như George Clooney, Elton John và Ellen DeGeneres đã kêu gọi tẩy chay các khách sạn trực thuộc quản lý của chính quyền Brunei nhằm thể hiện sự bất bình.

Quốc vương Brunei kiêm Thủ tướng Hassanal Bolkiah là người chỉ đạo trực tiếp việc áp dụng luật Sharia - Ảnh: Getty

Brunei không phải là quốc gia đầu tiên và duy nhất tử hình những người quan hệ tình dục đồng tính. Theo tổ chức ILGA (International Gay, Bisexual, Trans and Intersex Association), hiện có đến 8 quốc gia khác sở hữu luật tương tự: Ả Rập Xê Út, Afghanistan, Indonesia, Sudan, Iran, Nigeria, Yemen và Mauritanie.

Tuy nhiên, Mauritanie - một quốc gia nhỏ tại Tây Phi với dân số vào khoảng 4 triệu người - có luật cấm tử hình cho nên trên thực tế không có người đồng tính nào bị xử tử.

Trong thế giới Hồi giáo, luật Sharia rất phổ biến. Nó bắt nguồn từ kinh Qur'an và được xem như lời giáo huấn của nhà tiên tri Muhammad. Một vài khía cạnh của nó thậm chí còn được các ngân hàng lớn áp dụng nhằm thu hút đối tượng khách hàng theo đạo Hồi.

Mặc dù vậy, luật Sharia có những khung hình phạt cực kỳ tàn khốc dành cho các tội danh đặc biệt nghiêm trọng (hiếp dâm, đồng tính, trộm cướp…) được gọi là “hudud” - có nghĩa là “ranh giới” - gây nhiều tranh cãi. Chúng từng được sử dụng phổ biến vào giai đoạn trước thế kỷ 19 nhưng khắt khe đến mức đã bị nhiều học giả Hồi giáo phản đối do không phù hợp với thế giới hiện đại.

Biểu tình chống luật tử hình người đồng tính diễn ra bên ngoài khách sạn Beverly Hills (Mỹ) - Ảnh: Getty

Dưới đây là 7 quốc gia hiện có hình phạt tử hình người đồng tính:

Ả Rập Xê Út

Sharia là cơ sở cho luật pháp của Ả Rập Xê Út và được thực thi một cách nghiêm túc. Hành vi đồng tính luyến ái và chuyển đổi giới tính tại đây không chỉ bất hợp pháp mà còn bị trừng trị bằng cách xử tử mặc dù hình phạt thông thường đã bị giới hạn trong việc phạt tiền, tù chung thân, thả nổi, tra tấn và trục xuất.

Afghanistan

Hiến pháp Afghanistan dựa trên luật Hồi giáo nhưng cách giải thích hơi phức tạp do chịu ảnh hưởng bởi văn hóa bộ lạc và phong tục địa phương. Giai đoạn 1996-2001, Taliban đã áp dụng luật Sharia theo hướng tàn bạo nhất với các hình phạt hudud được thực hiện rộng rãi trên cả nước.

Theo tổ chức Human Rights Watch, không có bất kỳ hình phạt chính thức nào dành cho người đồng tính được đưa ra bởi chính quyền Afghanistan kể từ năm 2001. Thế nhưng việc mơ hồ trong bộ luật hình sự đã dẫn đến việc những người đồng tính có thể bị trừng phạt ở cấp địa phương bởi các tòa án Hồi giáo không chính thức. Những người đồng tính nam hoặc chuyển giới thậm chí có thể bị giết bởi các thành viên trong gia đình - một hành động thường được gọi là “giết người vì danh dự”.

Indonesia

Quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới có quan điểm gay gắt về vấn đề đồng tính luyến ái. Tuy nhiên, chỉ có duy nhất tỉnh Aceh là áp dụng luật Sharia kể từ khi nó được trao quyền tự trị đặc biệt vào năm 2001 - một nỗ lực của chính quyền trung ương nhằm dập tắt một cuộc nổi dậy ly khai kéo dài. Trên thực tế, thay vì tử hình, hình phạt dành cho người đồng tính tại đây thường là đánh roi công khai.

Sudan

Sudan đã thông qua luật Sharia vào năm 1983 nhưng thực hiện nó một cách ngẫu nhiên. Hình phạt ném đá đến chết dành cho tội đồng tính luyến ái vẫn hiện hữu trong bộ luật hình sự nhưng đã không được thực hiện trong nhiều thập niên mà thay vào đó là đánh roi công khai và tù chung thân.

Iran

Hai thanh niên dưới 18 tuổi bị xử tử vì tội cưỡng hiếp các bé traiở miền bắc Iran vào năm 2005 - Ảnh: Spiegel

Kể từ Cách mạng năm 1979, bộ luật hình sự của Iran chủ yếu dựa trên luật Hồi giáo. Hành vi quan hệ tình dục đồng giới bất kể nam hay nữ đều phạm pháp với hình phạt là tử hình nếu có 4 nhân chứng là đàn ông hoặc phạm tội trên 4 lần. Hình thức tử hình phụ thuộc vào phán quyết của thẩm phán. Nếu đối tượng vi phạm dưới 18 tuổi thì hình phạt là 74 roi.

Nigeria

Với dân số 140 triệu người, Nigeria được phân chia bởi miền nam chủ yếu theo đạo Cơ đốc và miền bắc theo đạo Hồi. 12 trong số 36 bang của Nigeria áp dụng luật Sharia đồng nghĩa với việc hình phạt dành cho tội đồng tính luyến ái là tử hình. Trong khi đó, những bang còn lại có khung hình phạt cao nhất là 14 năm tù giam.

Rất nhiều người thuộc cộng đồng LGBT đã rời khỏi Nigeria để tìm kiếm một môi trường sống tốt hơn. Trường hợp nổi tiếng nhất là Edafe Okporo - một người đồng tính nam - đã được cấp giấy phép tị nạn chính trị tại Mỹ vào năm 2017.

Yemen

Điều 264 của bộ luật hình sự Yemen nghiêm cấm các hành vi quan hệ tình dục đồng giới nam. Hình phạt đối với những người đàn ông chưa lập gia đình là 100 roi và tối đa 1 năm tù. Trong khi đó, hình phạt dành cho những người đàn ông đã kết hôn là tử hình.

Ngoài bộ luật hình sự, hình phạt dành cho đồng tính luyến ái có thể bắt nguồn từ những người tìm cách thực thi đạo đức Hồi giáo truyền thống trong chính gia đình của mình. Trong những trường hợp như vậy, hình phạt thường là cái chết.

Theo tổ chức ILGA, hiện vẫn còn 73 trong tổng số 195 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới quy định đồng tính luyến ái là phạm pháp. Trong đó, 33 quốc gia ở châu Phi, 24 quốc gia ở châu Á (bao gồm Singapore), 9 quốc gia ở châu Mỹ và 7 quốc gia ở châu Đại Dương. Không có bất kỳ quốc gia châu Âu nào hình sự hóa đồng tính luyến ái mặc dù hành vi chống lại cộng đồng LGBT thường diễn ra tại nhiều quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

Mai Thảo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
1 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
8 quốc gia khác có luật tử hình người đồng tính bên cạnh Brunei