Cổ phiếu 7 hãng công nghệ lớn (Microsoft, Apple, Nvidia, Alphabet, Amazon, Meta Platforms, Tesla) đã giảm 11,8% so với mức đỉnh điểm của tháng trước nhưng nhiều sự đột phá về trí tuệ nhân tạo (AI) hơn có thể trấn an các nhà đầu tư.
Thế giới số

7 hãng công nghệ lớn chịu ảnh hưởng lớn bởi những nghi ngờ về sự bùng nổ AI

Sơn Vân 19:35 03/08/2024

Cổ phiếu 7 hãng công nghệ lớn (Microsoft, Apple, Nvidia, Alphabet, Amazon, Meta Platforms, Tesla) đã giảm 11,8% so với mức đỉnh điểm của tháng trước nhưng nhiều sự đột phá về trí tuệ nhân tạo (AI) hơn có thể trấn an các nhà đầu tư.

Đây là một tuần khó khăn với Magnificent Seven, nhóm 7 cổ phiếu công nghệ đóng vai trò thống lĩnh trên thị trường chứng khoán Mỹ, được thúc đẩy bởi sự phấn khích của các nhà đầu tư về những đột phá trong AI.

Năm ngoái, Microsoft, Amazon, Apple, Nvidia, Alphabet (công ty mẹ Google), Meta Platforms (chủ sở hữu Facebook) và Tesla chiếm một nửa mức tăng trong chỉ số cổ phiếu S&P 500. Thế nhưng, những nghi ngờ về lợi nhuận khi đầu tư vào AI, loạt kết quả kinh doanh quý 2/2024 hỗn hợp, các nhà đầu tư chuyển sự tập trung sang các lĩnh vực khác và dữ liệu kinh tế Mỹ yếu kém đã ảnh hưởng đến Magnificent Seven trong tháng 7.

Mọi chuyện căng thẳng hơn khi tuần này 7 hãng công nghệ lớn nói trên rơi vào vùng điều chỉnh, nghĩa là tổng giá trị cổ phiếu của họ đã giảm hơn 10% kể từ đỉnh điểm ngày 10.7.

S&P 500 là một trong những chỉ số chứng khoán quan trọng và phổ biến nhất ở Mỹ. Nó được xem là một trong những thước đo đáng tin cậy nhất về hiệu suất của thị trường chứng khoán Mỹ. S&P 500 gồm 500 công ty lớn nhất và có vốn hóa thị trường lớn nhất trong thị trường chứng khoán Mỹ, đến từ nhiều ngành khác nhau, gồm cả công nghiệp, công nghệ, y tế, tài chính. Việc sử dụng số lượng lớn công ty giúp đảm bảo rằng chỉ số này là biểu hiện toàn diện hơn về thị trường chứng khoán Mỹ.

Bên dưới là một số câu hỏi về Magnificent Seven và sự bùng nổ AI.

Tại sao các cổ phiếu liên quan đến AI lại bị ảnh hưởng?

Trước hết, có lo ngại về việc liệu khoản đầu tư khổng lồ vào AI của Microsoft, Google và các công ty khác có được đền đáp hay không. Vấn đề này đã nổi lên những tháng gần đây. Vào tháng 6, các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs (Mỹ) đã công bố một báo cáo với tiêu đề "Gen AI (AI tạo sinh): Chi tiêu quá nhiều, lợi ích quá ít?".

Goldman Sachs đã đặt câu hỏi liệu khoản đầu tư 1.000 tỉ USD vào AI trong vài năm tới "có bao giờ được đền đáp" hay không. Trong khi một phân tích của Sequoia Capital, nhà đầu tư ban đầu vào OpenAI, ước tính rằng các hãng công nghệ cần phải kiếm được 600 tỉ USD để bù đắp lại khoản đầu tư vào AI của họ.

Angelo Zino, nhà phân tích công nghệ tại hãng CFRA Research, cho biết Magnificent Seven đã bị ảnh hưởng bởi những lo ngại này.

"Rõ ràng là có một số lo ngại về lợi nhuận từ các khoản đầu tư vào AI mà họ đang thực hiện", Angelo Zino nói. Ông cho rằng các hãng công nghệ lớn ít nhất đã làm tốt việc giải thích các chiến lược AI của họ trong các buổi báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2024 gần đây.

Yếu tố khác gây tác động là kỳ vọng của nhà đầu tư rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể hạ lãi suất ngay trong tháng tới. Triển vọng về việc giảm chi phí vay đã thúc đẩy sự ủng hộ của nhà đầu tư với các công ty có thể hưởng lợi, chẳng hạn các doanh nghiệp nhỏ hơn, ngân hàng và công ty bất động sản. Đây là một ví dụ về "sự luân chuyển theo ngành", nơi các nhà đầu tư chuyển tiền của họ vào các lĩnh vực khác nhau trên thị trường chứng khoán.

Mối lo ngại về Magnificent Seven đã tác động đến S&P 500, vì một số ít cổ phiếu công nghệ chiếm phần lớn giá trị của chỉ số này.

"Khi một nhóm cụ thể trở nên quan trọng hơn trong thị trường chứng khoán Mỹ, điều đó sẽ gây ảnh hưởng rộng rãi hơn", Henry Allen, chiến lược gia vĩ mô tại ngân hàng Deutsche Bank, nhận xét. Nỗi lo về sự suy yếu của nền kinh tế Mỹ cũng đã ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán toàn cầu hôm 2.8.

7-hang-cong-nghe-lon-chiu-anh-huong-lon-boi-nhung-nghi-ngo-ve-su-bung-no-ai.jpg
7 hãng công nghệ lớn này rơi vào vùng điều chỉnh trong tuần này - Ảnh: Various

Điều gì xảy ra với cổ phiếu công nghệ tuần này?

Tính đến ngày 2.8, Magnificent Seven đã giảm 11,8% so với mức đỉnh của tháng 7, dù chúng đã vào và ra khỏi vùng điều chỉnh (giảm 10% trở lên so với mức cao gần đây) những tuần gần đây khi những nghi ngờ lan rộng.

Báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2024 trong tuần này là sự hỗn hợp. Bộ phận điện toán đám mây của Microsoft, đóng vai trò quan trọng giúp các công ty đào tạo và vận hành các mô hình AI, đã báo cáo mức tăng trưởng thấp hơn dự kiến. Amazon, công ty điện toán đám mây lớn khác, cũng gây thất vọng khi tăng trưởng trong mảng kinh doanh đám mây của họ được sử dụng để chi tiêu cho cơ sở hạ tầng liên quan đến AI như trung tâm dữ liệu và chip.

Tuy nhiên, cổ phiếu của Meta Platforms đã tăng hôm 1.8 sau khi có tăng trưởng doanh thu quý 2/2024 mạnh mẽ tại công ty sở hữu Facebook và Instagram, vốn phụ thuộc vào quảng cáo để bù đắp chi tiêu mạnh tay cho AI.

Apple thông báo kết quả kinh doanh quý 2/2024 vượt qua kỳ vọng của Phố Wall, với tổng doanh thu tăng 5% đạt mức 85,8 tỉ USD. “Apple báo cáo doanh thu kỷ lục mới trong quý là 85,8 tỉ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý này, chúng tôi rất vui mừng khi công bố những bản cập nhật đáng kinh ngạc cho các nền tảng phần mềm của mình tại hội nghị các nhà phát triển toàn cầu, gồm cả Apple Intelligence, hệ thống trí tuệ cá nhân đột phá đưa các mô hình AI tạo sinh riêng tư, mạnh mẽ vào trung tâm iPhone, iPad và Mac”, Tim Cook - Giám đốc điều hành Apple thông báo.

Dan Coatsworth, nhà phân tích tại nền tảng đầu tư hãng AJ Bell, cho biết trong một lưu ý tuần này rằng: "Kỳ vọng có thể đã trở nên quá cao với Magnificent Seven. Thành công đạt được khiến họ trở nên tuyệt vời trong mắt các nhà đầu tư và khi không đạt đến sự vĩ đại, họ sẽ bị chỉ trích".

Cảm giác chung rằng định giá cổ phiếu công nghệ quá cao cũng là một nguyên nhân. Nhà phân tích Angelo Zino cho biết: “Định giá cổ phiếu công nghệ đang đạt mức cao nhất 20 năm và chúng ta sắp phải thoái lui, cũng như tạm dừng để tiêu hóa một số khoản lợi nhuận mà chúng ta thấy trong 18 tháng qua”.

Hôm 2.8, tờ Financial Times đưa tin quỹ đầu cơ Elliott Management nói với các nhà đầu tư rằng AI đã được "thổi phồng quá mức" và Nvidia, công ty hưởng lợi rất lớn từ sự bùng nổ này, đang trong một "bong bóng".

“Bong bóng” trong kinh tế là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng thị trường bất thường, với giá của một tài sản hoặc nhóm tài sản tăng lên rất nhanh và vượt xa giá trị thực của nó, thường do sự kỳ vọng quá mức từ nhà đầu tư.

Có nên mong đợi nhiều đột phá hơn về AI trong 12 tháng tới?

Thực tế là chắc chắn sẽ có nhiều đột phá hơn, điều này có thể trấn an các nhà đầu tư. Các công ty lớn nhất trong lĩnh vực này có lộ trình rõ ràng phía trước, với các đợt đào tạo đang được tiến hành cho thế hệ mô hình AI tiếp theo và các kỷ lục mới được thiết lập hàng tháng.

Chỉ tuần trước, Google DeepMind thuộc sở hữu của Alphabet đã công bố thành tích kỷ lục cho các hệ thống AI của mình tại Olympic Toán quốc tế, khiến các nhà quan sát tự hỏi liệu công ty có thể giải quyết được các bài toán chưa có lời giải trong tương lai gần hay không.

Câu hỏi đặt ra cho các phòng thí nghiệm nghiên cứu là liệu những đột phá này có tạo ra đủ doanh thu để trang trải chi phí ngày càng tăng nhanh cho thành tích của họ hay không. Chi phí cho một đợt đào tạo mô hình AI thế hệ mới đã tăng gấp 10 lần mỗi năm kể từ khi cơn sốt AI thực sự bùng nổ, khiến ngay cả những công ty như OpenAI (được Microsoft hậu thuẫn) cũng đặt dấu hỏi về cách họ thực hiện khoản chi tiêu như vậy trong dài hạn.

AI tạo sinh mang lại lợi ích cho các công ty chưa?

Những ứng dụng thành công nhất của AI tạo sinh (tạo ra văn bản, âm thanh hoặc hình ảnh hợp lý từ các lời nhắc đơn giản) trong nhiều công ty xuất phát từ dưới lên. Những nhân viên đã tìm ra cách sử dụng hiệu quả các công cụ như Microsoft Copilot hoặc Anthropic Claude để làm việc tốt hơn hoặc loại bỏ hoàn toàn những nhiệm vụ tốn thời gian khỏi ngày làm việc của họ. Song ở cấp độ doanh nghiệp, vẫn còn rất ít câu chuyện thành công nổi bật. Trong khi Nvidia đã trở nên giàu có nhờ “bán chip AI trong cơn sốt vàng”, câu chuyện hay nhất từ ​​người dùng AI vẫn là Klarna. Hãng công nghệ tài chính nổi tiếng Thụy Điển đã công bố vào tháng 2 rằng trợ lý AI của họ được OpenAI hỗ trợ đã xử lý 2/3 các yêu cầu dịch vụ khách hàng trong tháng đầu tiên. Klarna chuyên cung cấp các dịch vụ thanh toán linh hoạt cho người tiêu dùng. Công ty này được biết đến rộng rãi với các dịch vụ "mua trước, trả sau", cho phép khách hàng mua hàng ngay lập tức và trả tiền theo từng đợt trong một khoảng thời gian nhất định, thường là không lãi suất hoặc với lãi suất rất thấp.

Dario Maisto, nhà phân tích cấp cao tại hãng Forrester, nói việc thiếu các ứng dụng AI tạo sinh có lợi về mặt kinh tế đang làm giảm sự hấp dẫn và khả năng thu hút đầu tư vào công nghệ này.

Ông bình luận: "Vẫn còn vấn đề về việc chuyển công nghệ này thành lợi ích kinh tế thực sự, hữu hình".

Bài liên quan
Giá dữ liệu đào tạo mô hình AI ngày càng tăng, chỉ các hãng công nghệ lớn mới có thể chi trả
Dữ liệu là trọng tâm của các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến ngày nay, nhưng chi phí ngày càng tăng khiến nó nằm ngoài tầm với của hầu hết hãng công nghệ ngoại trừ những công ty giàu có nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
7 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
7 hãng công nghệ lớn chịu ảnh hưởng lớn bởi những nghi ngờ về sự bùng nổ AI