Các nhà đầu tư đã tỏ ra nghi ngờ về triển vọng của trí tuệ nhân tạo (AI), gây ra sự sụt giảm 1.000 tỉ USD ở chỉ số Nasdaq 100 khi những câu hỏi về thời gian cần thiết để các khoản đầu tư lớn vào công nghệ này mang lại lợi nhuận xuất hiện.
Chỉ số Nasdaq 100 đã giảm hơn 3%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 10.2022. Danh sách những cổ phiếu giảm giá có một số ngôi sao công nghệ AI, dẫn đầu là hãng sản xuất chip như Nvidia, Broadcom và Arm Holdings.
Nasdaq 100 là chỉ số chứng khoán theo dõi hiệu suất của 100 công ty phi tài chính lớn nhất được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq (Mỹ). Đây là một trong những chỉ số công nghệ nổi tiếng nhất thế giới, phản ánh sự biến động của ngành công nghệ thông tin.
Cuộc bán tháo cổ phiếu được kích hoạt bởi báo cáo kết quả kinh doanh trung bình của Alphabet (công ty mẹ Google) vào cuối ngày 23.7, trong đó có chi phí vốn tăng vọt. Cổ phiếu Alphabet đã giảm hơn 5%, mức giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 1. Cổ phiếu Tesla giảm hơn 12% sau khi Giám đốc điều hành Elon Musk cung cấp ít thông tin chi tiết về sáng kiến xe điện tự lái của công ty.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2024 không đạt kỳ vọng của Phố Wall, Tesla cho biết lợi nhuận hoạt động điều chỉnh của mình đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm, còn 14,4% từ mức 18,7% cùng kỳ năm trước. Đây là quý giảm biên lợi nhuận liên tiếp thứ 4 của Tesla.
Công ty báo cáo lợi nhuận ròng quý 2/2024 chỉ đạt 1,48 tỉ USD trên doanh thu 25,5 tỉ USD, gồm cả 890 triệu USD tín dụng quy định. Tín dụng quy định đề cập đến khoản tiền mà Tesla nhận được từ chính phủ Mỹ do đáp ứng các quy định về môi trường,
Tesla đang chịu áp lực từ nhiều phía. Chi phí tăng vọt khi công ty đầu tư vào cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo (AI) mà Elon Musk cho rằng cần thiết để biến ô tô điện Tesla thành tự lái, phát triển robot hình người có khả năng làm việc trong nhà máy và nhiều hơn thế.
Doanh số các mẫu ô tô điện phổ biến nhất của Tesla đã giảm trong năm 2024 và công ty đã phản ứng bằng cách giảm giá cũng như cung cấp các ưu đãi khác như khoản vay lãi suất thấp.
"Mối quan tâm lớn nhất là lợi tức đầu tư (ROI) cho tất cả chi tiêu cơ sở hạ tầng AI ở đâu? Có một lượng tiền điên rồ được các công ty chi tiêu. Có thể họ sẽ được đền đáp trong vài năm. Thế nhưng, tôi nghĩ các nhà đầu tư nhận ra rằng việc thu hồi vốn sẽ mất thời gian và lợi nhuận của các công ty siêu quy mô đang bị ảnh hưởng trong ngắn hạn bởi số tiền họ chi tiêu cho cơ sở hạ tầng AI", Alec Young, chiến lược gia đầu tư trưởng tại hãng Mapsignals, nhận định.
Lợi tức đầu tư (ROI) là thước đo tài chính được sử dụng để đo lường khả năng sinh lời của một khoản đầu tư.
Các nhà giao dịch đang phải trả nhiều tiền hơn để bảo vệ chống lại sự biến động của cổ phiếu công nghệ. Độ biến động của các tùy chọn trên cổ phiếu Nvidia đã tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 3, phí mua quyền chọn bán trên cổ phiếu Broadcom lên mức cao nhất trong ba tháng.
Cuộc bán tháo diễn ra hai tuần sau khi chỉ số lạm phát thấp hơn dự kiến đã gây ra sự dịch chuyển lớn từ các cổ phiếu công nghệ thắng lợi sang các công ty sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), chủ yếu là cổ phiếu các hãng có vốn hóa nhỏ. Trong phiên thứ tư liên tiếp và lần thứ 10 trong 11 ngày, hiệu suất các hãng có vốn hóa nhỏ vượt trội so với những cổ phiếu lớn hơn. Chỉ số Russell 2000 tăng 0,5% trong tuần này so với mức giảm 1,5% của S&P 500 và 2,6% của Nasdaq 100.
Russell 2000 là chỉ số chứng khoán quan trọng, đặc biệt được sử dụng để đo lường hiệu suất của các công ty vốn hóa nhỏ tại Mỹ.
S&P 500 là một trong những chỉ số chứng khoán quan trọng và phổ biến nhất ở Mỹ. Nó được xem là một trong những thước đo đáng tin cậy nhất về hiệu suất của thị trường chứng khoán Mỹ.
S&P 500 gồm 500 công ty lớn nhất và có vốn hóa thị trường lớn nhất trong thị trường chứng khoán Mỹ, đến từ nhiều ngành khác nhau, gồm cả công nghiệp, công nghệ, y tế, tài chính. Việc sử dụng số lượng lớn công ty giúp đảm bảo rằng chỉ số này là biểu hiện toàn diện hơn về thị trường chứng khoán Mỹ.
Chỉ số S&P 500 được sắp xếp và duy trì bởi Standard & Poor's, công ty cung cấp các dịch vụ thông tin tài chính và chỉ số chứng khoán. Việc theo dõi và đánh giá hiệu suất của chỉ số này thường được sử dụng để đo lường sức khỏe tổng thể của thị trường chứng khoán Mỹ.
Bán tháo mạnh mẽ
Dù việc chuyển tiền từ cổ phiếu công nghệ sang các lĩnh vực khác vẫn tiếp diễn, sự lao dốc mạnh trong thị trường công nghệ cho thấy có điều gì đó khác đang diễn ra. Các nhà đầu tư dường như lo ngại rằng đợt tăng giá trong lĩnh vực AI đã tạo ra bong bóng tài chính lớn (thêm 9.000 tỉ USD giá trị vào S&P 500 trong năm qua) và có thể sắp vỡ. Dù sự giảm giá trong phiên thứ tư liên tiếp có thể không phải là khởi đầu cho việc vỡ bong bóngAI, điều đó khiến nhiều người lo ngại.
"Trong ngắn hạn, có thể các nhà đầu tư cảm thấy mệt mỏi hoặc thất vọng với AI vì một số khoản đầu tư vào AI của các hãng công nghệ lớn chưa đem lại lợi nhuận như dự đoán.", Neville Javeri, Quản lý danh mục đầu tư tại hãng Allspring Global Investments, cho biết.
Cổ phiếu các hãng sản xuất phần cứng sử dụng trong điện toán AI đã chịu mức giảm lớn nhất hôm 24.7 sau khi tăng vọt trong năm nay. Cổ phiếu Super Micro Computer giảm 9,15%, Nvidia giảm 6,8% và Broadcom giảm 7,6%. Cổ phiếu các hãng công nghệ khổng lồ cũng rơi vào tình trạng này: Meta Platforms giảm 5,6%, Microsoft giảm 3,6% và Apple giảm 2,9%.
Tuy nhiên, các nhà giao dịch khác lại coi những động thái này chỉ là tạm thời.
"Tôi không nghĩ bạn đang thấy gì khác ngoài một số cổ phiếu có hiệu suất rất tốt, lợi nhuận rất vững chắc từ đầu năm đến nay, đang được chốt lời trong bối cảnh không có một báo cáo kết quả kinh doanh vượt trội từ Alphabet", theo Michael Sansoterra, Giám đốc đầu tư tại hãng Silvant Capital Management.
Cuộc bán tháo cổ phiếu đã khiến một chỉ số Bloomberg về 7 cổ phiếu công nghệ gọi là Magnificent Seven giảm 5,9%, xuống dưới mức giá trung bình trong 50 ngày qua lần đầu tiên kể từ tháng 5. Chỉ số này vẫn tăng 33% kể từ đầu năm 2024.
Lo ngại bong bóng AI
Jim Covello, trưởng bộ phận nghiên cứu cổ phiếu tại tập đoàn tài chính Goldman Sachs Group, là một trong số ngày càng nhiều các chuyên gia thị trường cho rằng hy vọng thương mại hóa AI bị thổi phồng và đặt câu hỏi về chi phí khổng lồ để xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết cho tính toán và đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn.
Cuộc thảo luận về bong bóng trong các cổ phiếu liên quan đến AI đã được thổi bùng bởi hoạt động trên thị trường phái sinh, nơi các nhà đầu tư đổ vào các quyền chọn tăng giá trên các chỉ số và cổ phiếu cá nhân, đặc biệt là Nvidia, vốn đóng vai trò như động lực chính trong thời kỳ tăng giá. Nhiều nhà đầu tư bắt đầu rời bỏ cổ phiếu công nghệ để đầu tư vào các lĩnh vực khác với tốc độ nhanh hơn. Tâm lý thị trường cũng thay đổi và điều này có thể góp phần vào sự giảm mạnh giá cổ phiếu công nghệ hôm 24.7.
Thị trường phái sinh là nơi diễn ra các hoạt động mua bán các loại hợp đồng tài chính có giá trị phụ thuộc vào giá của một tài sản cơ sở nào đó. Tài sản cơ sở này có thể là cổ phiếu, chỉ số, hàng hóa, tỷ giá hối đoái, lãi suất,…
Giá trị các cổ phiếu công nghệ từng tăng lên mức cao ngất ngưởng trong lịch sử. Hai tuần trước, tỷ lệ giá trên lợi nhuận (P/E) dự kiến của chỉ số S&P 500 đạt mức cao nhất kể từ năm 2002. Dù có đợt bán tháo cổ phiếu, nhiều hãng công nghệ lớn vẫn được định giá ở mức rất cao. Nvidia được định giá gấp 36 lần lợi nhuận dự kiến trong 12 tháng tới, so với mức trung bình 21 lần của S&P 500. Cả Apple và Microsoft đều được định giá cao hơn 30 lần. Điều này đã làm tăng áp lực đạt được kết quả kinh doanh tốt trong thời điểm khó khăn, khi tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của những gã khổng lồ công nghệ dự kiến sẽ chậm lại.
Trong khi báo cáo quý 2/2024 của Alphabet làm giảm hy vọng rằng AI sẽ đóng góp nhiều hơn vào kết quả tài chính cho các công ty khổng lồ, những nhà đầu tư vẫn chưa biết tin tức từ các công ty khác trong Magnificent Seven. Microsoft dự kiến báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2024 vào ngày 30.7, tiếp theo là Meta Platforms, Apple và Amazon vào cuối tuần sau. Được hưởng lợi lớn nhất từ chi tiêu cho AI, Nvidia sẽ là công ty cuối cùng trong Magnificent Seven báo cáo kết quả kinh doanh, vào ngày 28.8.
“Chúng tôi vẫn tin tưởng vào cổ phiếu các công ty có vốn hóa lớn, chất lượng tốt và tiềm năng tăng trưởng cao. Lý do vì ngay cả khi có lo ngại về kết quả kinh doanh của các hãng công nghệ, chúng vẫn là lựa chọn hấp dẫn hơn về mặt tăng trưởng thu nhập và có nền tảng cơ bản mạnh mẽ”, Cayla Seder, chuyên gia tại hãng State Street, nhận xét.