Trong 30 năm nữa, máy móc và trí tuệ nhân tạo có thể sẽ làm phân nửa dân số thế giới mất việc, theo dự đoán của một chuyên gia khoa học máy tính Mỹ.
Giáo sư Vardi cảnh báo rằng mối nguy hiểm đến từ sự phát triển của khoa học kỹ thuật là rất khó nhận biết, chủ yếu sẽ tấn công vào thị trường việc làm, cũng như đặt ra vô số các câu hỏi hiện sinh cho nhân loại, chứ không giống như những kịch bản giả tưởng mà trong đó, những con robot phản chủ quay lại tiêu diệt loài người đang khiến chúng ta lo sợ.
Giáo sư Vardi cho rằng khoa học kỹ thuật đã ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế của Mỹ trong vòng 50 năm qua. Mặc dù có mức GDP vẫn đang gia tăng, Hoa Kỳ đã vượt qua đỉnh cực thịnh của thị trường lao động vào những năm 1980 và đang ở phía bên kia con dốc, khi mức lương bình quân của người dân xứ này đang ngày càng giảm do quá trình “tự động hóa” bằng máy móc.
Vào năm 2013, hai giáo sư Đại học Oxford cũng đã cảnh báo rằng 47% lực lượng lao động Mỹ, từ nhân viên bán hàng qua truyền hình đến thư ký luật pháp hay đầu bếp, sẽ có thể dễ dàng bị thay thế bởi máy móc.
Không giống như cuộc cách mạng công nghiệp vào thế kỷ thứ 19 đã cho ra đời những cỗ máy có thể làm những việc nặng nhọc thay thế cho con người, thách thức sắp tới của nhân loại sẽ là phải dùng trí tuệ con người để đối chọi với sức mạnh tính toán lẫn vật lý của máy móc.
Hầu như không ngành nghề nào có thể tránh khỏi sự xâm lấn của máy móc. Công ty tư vấn McKinsey vừa qua đã công bố nghiên cứu về các ngành nghề dễ bị đe dọa bởi sự xâm chiếm của TTNT. Trong đó, những ngành lương cao như bác sĩ hay quản lý quỹ đầu tư được xem là tương đối an toàn so với các ngành nghề khác. Ngoài ra, một số ngành lương thấp như thiết kế cây cảnh và trợ lý y tế cũng ít có nguy cơ bị thay thế bởi máy móc.
Ngược lại, nghiên cứu cho thấy 20% lượng công việc của các tổng giám đốc có thể được tự động hóa bằng những kỹ thuật đã có sẵn, cũng như gần 80% khối lượng công việc của các nhân viên văn phòng cũng có thể được thay bằng máy. Chưa hết, công ty McKinsey còn đưa ra tuyên bố xám xịt khi cho rằng 45% tổng khối lượng việc làm ăn lương của con người đã có thể được tự động hóa bằng những công nghệ đang có sẵn.
Năm ngoái, nhà vật lý học Stephen Hawking, cùng 2 tỉ phú Bill Gates và Elon Musk, đã lên tiếng cảnh báo về các vấn đề do máy móc gây ra mà con người có thể sẽ phải đối mặt. Giáo sư Hawking phán rằng TTNT “có thể sẽ xóa sổ nhân loại”, còn Elon Musk, người sáng lập Paypal và là một trong những nhân tố đi đầu trong việc thúc đẩy nghiên cứu đưa con người lên sinh sống trên Sao Hỏa, thì cho rằng “con người đang sắp phải đối mặt với mối hiểm họa về hiện sinh lớn nhất từ trước tới nay”.
Trong trường hợp tốt hơn có thể xảy ra, giống như nhà kinh tế học John Maynard Keynes đã từng tiên đoán, máy móc sẽ giúp con người cải thiện cuộc sống và chỉ cần làm việc vài giờ mỗi tuần. Quan điểm lạc quan này cũng được chia sẻ bởi Ray Kurzweil, kỹ sư trưởng tại Google, người dự đoán rằng một loại siêu máy tính trong tương lai sẽ tích hợp tất cả TTNT thành một thể đồng nhất, giúp tạo ra một xã hội hoàn hảo cho con người, lúc bấy giờ cũng sẽ là những cá thể tri giác “lai tạp” giữa sinh học và máy móc.
Mặt khác, giáo sư Vardi cũng nhấn mạnh rằng tuy máy móc có thể sẽ giúp con người có cuộc sống dễ dàng hơn, bản thân nhân loại sẽ phải đối mặt với những thách thức mang tính hiện sinh khi chúng ta không cần phải làm gì để mưu sinh, từ đó không biết tồn tại để làm gì. “Tôi tin rằng nhân loại, trước khi quá trễ, cần phải đối mặt với câu hỏi: nếu máy móc có thể làm gần hết những công việc của con người, vậy chúng ta sẽ làm gì?”
“Tôi không cho rằng đây là một tương lai sáng lạn. Sự tồn tại trong lạc thú đơn thuần của loài người chẳng có gì hay ho và tôi tin rằng lao động là một phần thiết yếu cho một cuộc sống lành mạnh”, giáo sư Vardi nói.
Trái với với dự đoán bi quan của giáo sư Vardi, nhà văn đoạt giải Pulitzer Nicholas Carr và nhà khoa học tại Đại học Stanford, Edward Geist, cho rằng sự sáng tạo và trực giác của con người khi đối mặt với những vấn đề phức tạp là không thể thay thế được, và đó sẽ là một lợi thế so với sự chuẩn xác quá mức của các siêu máy tính.
Nạn thất nghiệp gây ra do quá trình tự động hóa sẽ dẫn đến những hậu quả chính trị nặng nề, tuy nhiên không nhà lãnh đạo nào trên thế giới quan tâm đến việc này. Martin Ford, tác giả cuốn “Sự trỗi dậy của người máy: công nghệ kỹ thuật và một tương lai bị thất nghiệp”, cho rằng những quốc gia trên thế giới nên bắt đầu có những chính sách quản lý TTNT. Nói với National Geographic, ông cho rằng nếu các nhà khoa học và chính trị gia không có những can thiệp kịp thời “nhiều người không có đủ điều kiện kinh tế sẽ phải đối mặt với một tương lai hết sức đáng sợ”.