Thị trường bất động sản Việt Nam năm 2019 sẽ vẫn có diễn biến tích cực nhờ sức tăng trưởng tốt của nền kinh tế, dòng vốn FDI, cùng sự đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng giao thông…

5 xu hướng chính của bất động sản Việt Nam năm 2019

18/01/2019, 13:03

Thị trường bất động sản Việt Nam năm 2019 sẽ vẫn có diễn biến tích cực nhờ sức tăng trưởng tốt của nền kinh tế, dòng vốn FDI, cùng sự đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng giao thông…

Căn hộ bình dân, trung cấp dẫn dắt thị trường bất động sản năm 2019 - Ảnh: Phan Diệu

Jones Lang LaSalle (JLL) cho rằng không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà đầu tư và các nhà phát triển bất động sản sẵn sàng cam kết với thị trường có tốc độ tăng trưởng cao như Việt Nam.

Năm 2019, JLL cho rằng thị trường bất động sản sẽ được định hình bởi 5 yếu tố chính:

1. Căn hộ trung cấp và bình dân dẫn dắt thị trường

Theo ông Stephen Wyatt - Tổng giám đốc JLL Việt Nam, tổng nguồn cung căn hộ hoàn thành tại TP.HCM đạt 160.000 căn ở tất cả các phân khúc, tương ứng với tỷ lệ 17 căn hộ/1.000 dân. "Nếu tỷ lệ này cao thì chúng ta nên đầu tư vào các căn hộ cao cấp, còn nếu thấp thì chúng ta nên tập trung vào thị trường nhà ở đại chúng, đây là phân khúc có nhu cầu thực về căn hộ".

Song song đó là sự gia tăng của các căn hộ nhỏ và siêu nhỏ. Khoảng 10 năm trước đây, các dự án nhà cao tầng xây dựng căn hộ 2 phòng ngủ khoảng 120 m2 thì hiện nay không còn căn hộ nào 2 phòng mà trên 100m2. Nhu cầu về kích thước căn hộ của bên mua và bên phát triển đã thay đổi.

“Hầu hết người mua nhà lần đầu chỉ đủ khả năng chi trả cho những căn hộ lớn hơn tại những khu chung cư xa trung tâm thành phố. Thế nhưng về tâm lý, người mua trẻ muốn sống ở một nơi tiện nghi, nên họ vẫn muốn mua căn hộ nhỏ với đầy đủ tiện ích và kết nối cộng đồng”, ông Wyatt cho biết.

2. Không gian làm việc linh hoạt ngày càng trở nên phổ biến

Hiện nay, cả nước đang có 25 nhà khai thác không gian linh hoạt cao cấp như Toong, Dreamplex, Circo, Workyos, Kloud, CEO Suites, UP và đặc biệt WeWork đã mở trụ sở đầu tiên vào tháng 12.2018.

Theeo JLL, thị trường không gian linh hoạt của Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn sơ khởi mặc dù văn phòng dịch vụ đầu tiên - Regus, bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1999. Không gian linh hoạt thường được xem là câu trả lời cho bài toán kinh tế của các công ty so với loại hình văn phòng truyền thống do chi phí giảm thiểu từ việc chia sẻ không gian và cơ sở vật chất.

Thời gian đầu, nhu cầu chủ yếu đến từ các công ty khởi nghiệp có nhu cầu thuê văn phòng ngắn hạn cũng như các doanh nghiệp tìm kiếm vị trí văn phòng tạm thời. Hiện nay, các đơn vị điều hành coworking đang chú trọng tìm kiếm và tiếp cận khách thuê doanh nghiệp có nhu cầu chuyển và cải tạo văn phòng thành mô hình coworking thông qua dịch vụ tạm gọi là văn phòng may đo.

Đối với loại hình dịch vụ này, các đơn vị điều hành sẽ tìm kiếm mặt bằng, thiết kế và quản lý không gian làm việc linh hoạt theo yêu cầu riêng của mỗi khách hàng. Đây được nhận định là xu hướng sẽ đem đến sự phát triển bền vững hơn cho loại hình không gian làm việc linh hoạt khi thị trường ngày càng phát triển và trưởng thành hơn.

3. Các công ty công nghệ phủ sóng

Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam, JLL dự báo các tập đoàn công nghệ sẽ tiếp tục săn lùng các tòa nhà văn phòng lý tưởng và nhanh chóng trở thành nhóm khách thuê chính. Thời điểm này là thời cơ dành cho các nhà đầu tư và chủ đầu tư có thể xây dựng văn phòng để bắt kịp nhu cầu.

Năm 2018, TP.HCM cũng ghi nhận một thương vụ đình đám của một đại gia thương mại điện tử thuê văn phòng 10.000 m2 ở ngay khu đất vàng.

Qua quan sát của JLL, yếu tố tiên quyết mà các công ty công nghệ hướng đến là vị trí văn phòng phải thu hút được nhân tài, được chế độ hỗ trợ của chính phủ, có khả năng kết nối giao thông, môi trường làm việc tích hợp với mục tiêu sống, vui chơi và làm việc.

Các công ty công nghệ vẫn không ngừng tìm kiếm không gian văn phòng chất lượng cao nhằm thu hút tài năng. Vì vậy, chủ đầu tư tại Việt Nam cần phải cân nhắc đến những nhu cầu mà nhóm khách hàng này mong muốn.

4. Thương mại điện tử thúc đẩy logistic

Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển không ngừng của điện thoại thông minh và mức độ phủ sóng mạng 4G ngày càng mở rộng, doanh thu từ hoạt động mua sắm trực tuyến liên tục gia tăng. Kéo theo đó là áp lực ngày càng tăng lên hệ thống logistics, chuỗi cung ứng, các kênh phân phối và bán lẻ, cũng như hệ thống nhà xưởng, nhà kho.

Logistics là một phần không thể thiếu trong việc phát huy toàn bộ tiềm năng và sự phát triển thành công của thị trường thương mại điện tử. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ logistics và vận hành thương mại điện tử nước ngoài đang rất nỗ lực để không bỏ lỡ cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam.

So với các nước khác trong khu vực, logistics của Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn sơ khai, thị trường chủ yếu cung cấp các sản phẩm có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, phát triển tại khu vực xa trung tâm.

Với tiềm năng phát triển của ngành thương mại điện tử và lĩnh vực sản xuất, thị trường logistics Việt Nam được mong đợi sẽ bước lên một nấc thang mới trong tiến trình phát triển của thị trường này, tương tự như tiến trình mà các thị trường khác trong khu vực đã trải qua.

5. Dịch vụ lưu trú trải nghiệm - hotel lifestyle

Với sự thiếu hụt nguồn cung khách sạn tại những địa điểm du lịch nổi tiếng của đất nước như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc, thị trường hotel lifestyle đang nhận được sự quan tâm đáng kể của các nhà đầu tư đặc biệt những chủ nhà đang sở hữu tài sản thân thiện với thiên nhiên và có tầm nhìn đẹp.

Những dự án hotel lifestyle có thiết kế và trang trí hiện đại sẽ thu hút được nhiều khách du lịch. Bên cạnh đó, những không gian lưu trú này cần duy trì được phong độ hấp dẫn qua việc thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng, tăng cường an ninh và cung cấp thức ăn đặc sản vùng miền cho du khách.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
5 xu hướng chính của bất động sản Việt Nam năm 2019