Tại phiên họp thứ 48 diễn ra ngày 25.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 2 Nghị quyết về phân loại đô thị và tiêu chuẩn, phân loại đơn vị hành chính. Theo đó, có 5 tiêu chí để phân loại đô thị còn đơn vị hành chính sẽ được phân loại theo khung điểm.

5 tiêu chí mới phân loại đô thị

Trí Lâm | 26/05/2016, 14:45

Tại phiên họp thứ 48 diễn ra ngày 25.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 2 Nghị quyết về phân loại đô thị và tiêu chuẩn, phân loại đơn vị hành chính. Theo đó, có 5 tiêu chí để phân loại đô thị còn đơn vị hành chính sẽ được phân loại theo khung điểm.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, tại phiên họp thứ 47 vào ngày 26.4, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đồng ý các dự thảo Nghị quyết đã cơ bản thể hiện được đầy đủ các nội dung trong Luật tổ chức chính quyền địa phương.

5 tiêu chí

Nghị quyết về phân loại đô thị quy định: Đô thị sẽ được phân thành 6 loại gồm loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III, loại IV và loại V. Thành phố trực thuộc Trung ương phải là đô thị loại đặc biệt hoặc đô thị loại I; thành phố thuộc đơn vị hành chính cấp tỉnh phải là đô thị loại I, loại II hoặc loại III; thị xã thuộc đơn vị hành chính cấp tỉnh phải là đô thị loại III hoặc loại IV; thị trấn thuộc huyện phải là đô thị loại IV hoặc loại V.

Việc phân loại đô thị được thực hiện trên cơ sở Chương trình phát triển đô thị quốc gia, Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh và Chương trình phát triển từng đô thị để thực hiện quản lý đầu tư phát triển đô thị, bảo đảm phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội. Đô thị được quy hoạch và đầu tư xây dựng đạt tiêu chícủa loại đô thị nào thì được xem xét, đánh giá loại của đô thị tương ứng.

Đô thị sẽ được đánh giá phân loại theo 5 tiêu chí gồm: tiêu chí 1:vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội; tiêu chí 2: quy mô dân số; tiêu chí 3: mật độ dân số; tiêu chí 4: tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; tiêu chí 5: trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị.

Đánh giá phân loại đô thị sẽ bằng phương pháp tính điểm. Tổng hợp điểm của 5 tiêu chí đạt tối đa 100 điểm, tối thiểu 80 điểm thì được xét đánh giá phân loại đô thị. Khi đánh giá phân loại, nếu có một số chỉ tiêu thấp hơn 80% so với quy định thì sẽ xem xét thêm triển vọng phát triển của đô thị đó trong nội dung quy hoạch xây dựng đô thị đợt đầu cùng với các biện pháp có tính khả thi, khắc phục được những tồn tại, yếu kém của đô thị về các mặt đó để quyết định phân loại.

Phân loại đơn vị hành chính theo khung điểm

Theo Nghị quyết về tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính, điểm phân loại đơn vị hành chính các cấp là tổng số điểm đạt được của các tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính trực thuộc, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và các yếu tố đặc thù của đơn vị hành chính đó.

Đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được phân loại I khi có tổng số điểm đạt được từ 75 điểm trở lên; đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được phân loại II khi có tổng số điểm đạt được từ 50 điểm đến dưới 75 điểm; đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã không đạt khung điểm xác định loại I, loại II thì được phân loại III.

Nghị quyết cũng quy định, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị hành chính loại đặc biệt theo quy định tại khoản 3, Điều 3 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Về thẩm quyền quyết định phân loại đơn vị hành chính các cấp, Thủ tướng Chính phủ sẽ phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I, loại II và loại III; Bộ trưởng Bộ Nội vụ phân loại đơn vị hành chính cấp huyện loại I, loại II, loại III; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân loại đơn vị hành chính cấp xã loại I, loại II, loại III.

Phát biểu tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 2 Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng. Đây sẽ là cơ sở pháp lý nhằm xác định, phân loại đơn vị hành chính cũng như phân loại đô thị.

“Việc phân loại này sẽ liên quan đến một mục tiêu rất lớn để quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức bộ máy chính quyền của từng địa phương trong từng giai đoạn”, ông Uông Chu Lưu cho biết.

Cũng trong chiều 25.5, dưới sự điều khiển của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thảo luận về Báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Hội đồng bầu cử quốc gia trước khi tiến hành bế mạc phiên họp thứ 48.

Trí Lâm
Bài liên quan
Hà Nội: Phê duyệt điều chỉnh khu đô thị công viên công nghệ phần mềm
TP.Hà Nội vừa ra quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết khu đô thị công viên công nghệ phần mềm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
5 tiêu chí mới phân loại đô thị