Các đối tượng tín dụng đen câu kết, móc nối với các đối tượng hình sự trên địa bàn hình thành những băng nhóm hoạt động tín dụng đen, thậm chí còn giả danh cảnh sát 113 đến từng bản làng để đòi nợ.

5 'bài thuốc' để diệt trừ tín dụng đen

09/03/2019, 10:44

Các đối tượng tín dụng đen câu kết, móc nối với các đối tượng hình sự trên địa bàn hình thành những băng nhóm hoạt động tín dụng đen, thậm chí còn giả danh cảnh sát 113 đến từng bản làng để đòi nợ.

Tín dụng đen diễn ra ngày càng phức tạp tại các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên - Ảnh: Internet

Tín dụng đen diễn biến ngày càng phức tạp

Hiện nay, tại các tỉnh khu vực phía nam và Tây Nguyên, tình hình tín dụng đen diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh và đời sống của người dân.

Theo báo cáo của Công an tỉnh Đắk Nông, trên địa bàn tỉnh hiện có 186 cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ (có 165 cơ sở có giấy phép đang ký kinh doanh), trong đó có 38 cơ sở với 38 đối tượng có biểu hiện hoạt động liên quan đến tín dụng đen. Qua rà soát của Công an tỉnh, phát hiện trên địa bàn có 4 nhóm với 27 đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động tín dụng đen.

Công an tỉnh Đắk Nông cho biết đã triệt phá 3 nhóm hoạt động cho vay nặng lãi, khởi tố 3 vụ với 7 đối tượng về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự; bắt, khởi tố 4 vụ với 13 đối tượng có liên quan đến đòi nợ thuê; kiến nghị rút giấy phép kinh doanh đối với 1 công ty hoạt động đòi nợ thuê. Tổ chức cho 137 lượt cơ sở, cá nhân viết cam đoan, cam kết không hoạt động liên quan đến tín dụng đen.

"Các đối tượng chủ yếu dùng tờ rơi tiếp thị với nhiều hình thức khuyến mãi hấp dẫn để thu hút người vay như: Vay không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, nhận tiền ngay… trên thực tế thì người vay phải trả lãi suất rất cao (từ 282-365%/năm), nhiều trường hợp không có khả năng trả nợ do lãi mẹ đẻ lãi con.

Khi đó, bọn chúng sẽ có nhiều thủ đoạn đòi nợ hết sức manh động, gây sức ép đối với người đi vay và nhân thân của họ như: Đe dọa, khủng bố về tinh thần, sử dụng vũ lực (ở mức độ chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự), đổ chất thải, chất bẩn vào nơi ở, nơi sinh hoạt của người vay, tụ tập đông người tại nơi làm việc, kinh doanh, sản xuất của họ và người thân để gây sức ép, thuê người các đối tượng hình sự, thanh thiếu niên hư hỏng để đe dọa, gây sức ép…", ông Trần Xuân Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông phát biểu tại "Hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen" ngày 8.3, cho biết.

Hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen

Ông Nguyễn Văn Yên - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng chỉ ra trên địa bàn tỉnh có 17 doanh nghiệp đòi nợ thuê và tỉnh đã xử lý thu hồi 7 giấy phép, hiện chỉ có 10 doanh nghiệp hoạt động. Từ năm 2018 UBND tỉnh đã có văn bản ngưng cấp phép cho các công ty đòi nợ thuê trên địa bàn để thực hiện rà soát lại, đến nay chưa cấp mới cho doanh nghiệp nào. Tín dụng đen liên quan đến vấn đề thủ tục, thời gian cho vay chứ người đi vay không để ý nhiều đến lãi suất. Vì thế, cần cải cách thủ tục vay vốn.

Theo ông Yên, các đối tượng tín dụng đen chủ yếu là đối tượng hình sự từ nơi khác (hầu hết từ các tỉnh phía bắc) đến Lâm Đồng để câu kết, móc nối với các đối tượng hình sự trên địa bàn hình thành các băng nhóm hoạt động "tín dụng đen". Thậm chí, những đối tượng này còn giả danh cảnh sát 113 đến từng bản làng để đòi nợ.

"Trong khi đó, nạn nhân của chúng rất đa dạng, ở nhiều lứa tuổi, trình độ học vấn, tính chất công việc khác nhau; nhiều người xuất phát từ lòng tham đứng ra làm trung gian huy động, cho vay vốn với lãi suất cao, tự biến mình thành nạn nhân, và vừa là đối tượng...", ông Yên nói.

Ngân hàng vào cuộc đẩy lùi tín dụng đen

Tại hội nghị, ông Phạm Toàn Vượng – Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho biết: Ngân hàng đã triển khai Chương trình tín dụng tiêu dùng quy mô khoảng 5.000 tỉ đồng, món vay tiêu dùng tối đa 30 triệu đồng, thủ tục xét duyệt, giải ngân trong ngày. Hiện tại, dư nợ cho vay tiêu dùng khu vực Tây Nguyên của Agribank đạt gần 15.000 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 21% dư nợ cho vay.

Ông Nguyễn Văn Lý – Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết ngân hàng đã nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải đảm bảo tiền vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và kéo dài thời hạn cho vay từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng đối với hộ nghèo…

Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nêu ra 5 giải pháp trọng tâm "đẩy lùi" tín dụng đen.

Thứ nhất, về hoàn thiện khung khổ pháp lý: Sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính (CTTC) nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các CTTC, tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động của loại hình này thông qua quản lý về quy mô, điều kiện kinh doanh, phạm vi địa bàn hoạt động, khuôn khổ lãi suất… để ngăn chặn tình trạng và nguy cơ mất an toàn và tiếp tay cho tín dụng đen hoạt động; tăng cường vai trò trách nhiệm, quyền hạn của NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố.

Khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) mở rộng mạng lưới hoạt động ở những nơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân; phát triển các sản phẩm cho vay tín dụng tiêu dùng lành mạnh, đặc biệt sản phẩm tín dụng trong sinh hoạt đối với các vùng công nghiệp, khu vực đông dân. Sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng nhằm quy định tách bạch hoạt động cho vay phục vụ đời sống và cho vay tiêu dùng cá nhân của các ngân hàng thương mại, tạo điều kiện để các ngân hàng mở rộng cho vay tiêu dùng cá nhân. Nghiên cứu hoàn thiện quy định về cho vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm…

Thứ hai, nghiên cứu để đưa ra thực hiện gói tín dụng tiêu dùng cho người nghèo và các đối tượng chính sách để đề xuất sửa đổi, nâng mức cho vay kéo dài thời gian cho vay phù hợp đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách.

Thứ ba, nắm sát hoạt động cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của các TCTD, đảm bảo hoạt động ngân hàng đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương và nhu cầu tiêu dùng của người dân. Phối hợp với chính quyền địa phương các cấp triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn; tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, giải thích cho người dân về tác hại của tín dụng đen, đồng thời đề xuất các giải pháp ngăn chặn, hạn chế hoạt động này.

Thứ tư, phối hợp với Bộ Công an, các bộ ngành liên quan, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân nắm bắt đầy đủ thông tin về các chương trình chính sách tín dụng, cách thức tiếp cận vốn vay; đồng thời cảnh báo các thủ đoạn của các đối tượng, tổ chức cho vay nặng lãi cũng như những hệ lụy nặng nề mà tín dụng đen gây ra.

Thứ năm, các TCTD cần tiếp tục quyết liệt triển khai các giải pháp sau: Triển khai mạnh mẽ chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55, Nghị định 116 và hướng dẫn của NHNN tại Thông tư 10 và Thông tư 25 để người dân nhanh chóng được hưởng những chính sách ưu đãi vừa được Chính phủ sửa đổi, bổ sung trong năm 2018.

Ngoài ra, ngành ngân hàng sẽ cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng, cải tiến quy trình, thủ tục cho vay; mở rộng mạng lưới hoạt động ở những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của người dân, nhất là những địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen. Trong đó, NHNN khuyến khích ngân hàng thương mại phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những vùng khó khăn, tạo điều kiện cho các khách hàng thuận tiện hơn trong việc tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng khác.

Người đứng đầu ngành ngân hàng cũng cho biết tiếp tục xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn, giúp người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, không phải đi vay nặng lãi từ các đối tượng cho vay tín dụng đen.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
5 'bài thuốc' để diệt trừ tín dụng đen