Vào 3 giờ 30 sáng 17.2.1979, Trung Quốc huy động hơn 600.000 quân tiến vào lãnh thổ VN. Chúng ta bắt đầu cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc kéo dài suốt 10 năm sau đó.

40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc: Chiến thắng của chính nghĩa

TIỂU VŨ | 17/02/2019, 14:48

Vào 3 giờ 30 sáng 17.2.1979, Trung Quốc huy động hơn 600.000 quân tiến vào lãnh thổ VN. Chúng ta bắt đầu cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc kéo dài suốt 10 năm sau đó.

Chia sẻ vớiThanh Niên, thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 2, Tham mưu trưởng mặt trận Vị Xuyên, cho biết khi Trung Quốc xua quân tràn qua lãnh thổ VN ngày 17.2.1979 với tuyên bố “dạy cho VN một bài học”, ông đang là Tư lệnh Sư đoàn 325, thuộc Quân đoàn 2 đang chiến đấu ở Campuchia. Khi cuộc chiến đấu bắt đầu, Quân đoàn 2 và Quân đoàn 3 được lệnh nhanh chóng ra phía bắc để phối hợp với quân đoàn 1 bảo vệ thủ đô và sẵn sàng ứng cứu.

Những ngày tháng 2.1979, từng đoàn quân tiến ra biên giới - Ảnh: Trần Mạnh Thường

Tới năm 1985, ông Huy mới nhận lệnh lên mặt trận Vị Xuyên (Hà Tuyên, nay là Hà Giang) trực tiếp tham gia chiến đấu…

Cuộc chiến đấu kéo dài trong suốt 10 năm

Nhiều người vẫn chưa hiểu vì sao vào năm 1979, Trung Quốc lại muốn “dạy cho VN một bài học” như cách họ tuyên bố, thưa ông?

- Từ đầu thập niên 1970 việc quan hệ Xô - Trung rạn nứt, Trung Quốc quay sang bắt tay với Mỹ đã ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ giữa VN và Trung Quốc. Sau khi chúng ta thống nhất đất nước vào năm 1975, mối quan hệ giữa VN - Trung Quốc trở nên căng thẳng khi Trung Quốc liên tục gây hấn, khiêu khích ta ở biên giới mà đỉnh điểm là sự kiện nạn kiều năm 1978.

Tiếp đó, việc chúng ta thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot vào đầu năm 1979 mà Trung Quốc là đồng minh, đã khiến Trung Quốc trực tiếp đánh ta với tuyên bố “dạy cho VN một bài học” nhưng thực chất là muốn cứu Pol Pot, giữ Campuchia trong tay của họ.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy - Ảnh: Nam Trần
Ông có nhớ cuộc chiến đấu đã diễn ra như thế nào khi 600.000 quân Trung Quốc tiến vào biên giới nước ta?
- Rạng sáng 17.2.1979, Trung Quốc đã xua 600.000 quân tiến sang lãnh thổ VN ở cả 6 tỉnh biên giới phía bắc từ Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Hà Tuyên (cũ), Quảng Ninh. Với lực lượng đông, lợi dụng yếu tố bất ngờ, những ngày đầu tiên, quân Trung Quốc đã thọc sâu vào nội địa của ta, gây ra rất nhiều thiệt hại. Có những nơi như Cao Bằng, quân Trung Quốc vào sâu tới hơn 40 km. Thị xã Cao Bằng rồi Lào Cai, Lạng Sơn hàng vạn ngôi nhà bị quân Trung Quốc đốt phá, nhiều người dân bị giết hại.
Tuy nhiên, sau những ngày đầu tiên, quân và dân 6 tỉnh đã đánh trả quyết liệt các đợt tiến công của quân Trung Quốc, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, làm thất bại các mục tiêu của Trung Quốc. Tới đầu tháng 3 khi thấy không đạt được mục đích cứu nguy cho Pol Pot, lại bị tổn thất nặng nề và nguy cơ có thể phải thương vong lớn hơn khi quân đoàn 2, quân đoàn 3 của VN đã hoàn thành nhiệm vụ ở Campuchia, được điều ra phía bắc, Trung Quốc đã tuyên bố rút quân. Tới ngày 18.3.1979, đúng 1 tháng sau khi phát lệnh tấn công thì quân Trung Quốc đã rút hết khỏi VN.
Nhưng cuộc chiến không dừng lại ở đó?
- Suốt 10 năm sau đó,cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắccủa chúng ta vẫn luôn căng thẳng khi Trung Quốc vẫn đánh chúng ta. Chúng dùng bộ đội biên phòng và bộ đội địa phương đánh chiếm một số điểm phòng ngự tại các tỉnh biên giới của ta. Đặc biệt là từ ngày 28.4.1984 cho tới tận năm 1989, Trung Quốc tập trung lực lượng hơn 500.000 quân tấn công ta ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang), biến nơi đây trở thành mặt trận ác liệt nhất trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc kéo dài suốt 10 năm.
Khác với hồi 17.2.1979, Trung Quốc dàn quân khắp 6 tỉnh thì lần này, cuộc chiến đấu chỉ diễn ra trong khoảng 20 km chiều dài và 5 km chiều sâu. Lực lượng ta và địch lại xen kẽ, có nơi chỉ cách nhau khoảng 200 - 300 m, cứ đánh đi, giật lại liên tục, bám lấy nhau mà đánh, một ngày có thể đánh nhau 2 - 3 lần.
Hằng ngày, quân Trung Quốc bắn vào đất VN từ 30.000 - 50.000 viên đạn pháo lớn, có đợt trong 3 ngày liên tục chúng bắn tới 150.000 viên pháo để chi viện cho bộ binh tấn công vào các trận địa của ta. Trong 5 năm (1984 - 1989), Trung Quốc đã bắn tới 1,8 triệu viên đạn pháo lớn vào VN. Những ngọn núi đá trong khu vực tác chiến vỡ trắng như miệng các lò vôi, nên quân ta gọi là “lò vôi thế kỷ”.
Ác liệt là vậy nhưng chúng ta đã chiến đấu rất kiên cường. Ta với địch quần nhau ở Vị Xuyên tới 5 năm trời, nhưng 500.000 quân Trung Quốc cũng không xuống sâu lãnh thổ ta được quá 2 km và cuối cùng phải rút quân. Chúng bị thiệt hại hơn 10.000 quân, hàng ngàn tên bị thương và 350 tên bị bắt sống.
Vậy thời điểm ông nhận lệnh lên mặt trận cũng là thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến?
- Tôi nhớ lúc tôi nhận quyết định của đại tướng Hoàng Văn Thái, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khi ấy, thì tình hình tại mặt trận Vị Xuyên đang rất nhiều khó khăn, vì anh em khá bi quan, cho rằng nếu địch đánh thì ta mất, còn ta có đánh lại mà bị địch phản kích thì cũng không giữ được.
Điển hình nhất là trận ngày 12.7.1984, chúng ta tổ chức đợt tấn công của 3 trung đoàn đánh chiếm 3 cao điểm 1509, 233 và 1030. Mặc dù chúng ta đã huy động lực lượng đánh được một phần nhưng khi địch phản công lại gây ra thương vong rất lớn cho ta. Chỉ riêng trận ngày 12.7 có tới 700 - 800 anh em hy sinh. Vì vậy, sau này anh em vẫn gọi ngày này là ngày “giễu trận”, cứ ngày đó là anh em thắp hương cho các đồng đội. Sau đó, chúng ta phải nghiên cứu thay đổi cách đánh, lựa chọn những cao điểm có thể đánh được và giữ được để giúp binh sĩ ta lấy lại tinh thần. Điển hình như các trận chiếm cao điểm A-6B (30.5.1985), hay chiếm lại khu vực Pa Hán (24.9.1985)… Đây cũng là những trận đánh tạo ra bước ngoặt trong cuộc chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên.

Đây là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc

Như vậy, trong 10 năm, chúng ta đã 2 lần phải dùng quyền tự vệ để đánh trả trước sự xâm lấn của Trung Quốc chứ không phải như Trung Quốc tuyên bố “phản kích” để “tự vệ”?
- Phải khẳng định cuộc chiến tranh 10 năm 1979 - 1989 là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc đối với VN. Đối với chúng ta, đó là cuộc chiến đấu vì chính nghĩa chống xâm lược bảo vệ biên giới Tổ quốc. Việc Trung Quốc gọi đây là cuộc phản kích tự vệ của họ thực chất chỉ là luận điệu lừa bịp, vì cả 2 lần (lần thứ nhất là ngày 17.2.1979 và lần thứ 2 là 28.4.1984), Trung Quốc đều chủ động tấn công, xâm lược chúng ta còn chúng ta chỉ chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, trong một thời gian dài, chúng ta ít nói tới cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, nhất là cuộc chiến Vị Xuyên - Hà Tuyên. Vì vậy, tôi cho rằng đã đến lúc phải nói rõ cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ biết tường tận về cuộc chiến tranh biên giới để giáo dục về lòng tự hào. Không có cuộc chiến đấu suốt 10 năm ấy chúng ta sẽ không giữ được biên giới, giữ được sự toàn vẹn lãnh thổ của mình. Đồng thời đây cũng là bài học cảnh giác, không chỉ đối với Trung Quốc mà còn với bất kỳ thế lực nào muốn xâm chiếm nước ta.
Trong những năm tháng ác liệt ấy, thương vong của hai bên hẳn là không ít, thưa ông?
- Chẳng ai muốn chiến tranh, vì chiến tranh là thiệt hại. Thắng cũng thiệt hại mà thua cũng thiệt hại. Chúng ta rất muốn hòa bình, rất muốn hữu nghị với Trung Quốc vì có lúc họ cũng đã giúp chúng ta rất nhiều. Vì thế, khi chúng ta giành được độc lập chúng ta không quên họ, chúng ta đã làm tất cả để gìn giữ mối quan hệ hòa bình, hữu nghị giữa hai nước. Tuy nhiên, họ không thể vì đã giúp chúng ta trong chiến tranh hay vì thế nước lớn mà đưa quân xâm lấn biên giới, lãnh thổ nước ta. Không phải chúng ta muốn gây sự với Trung Quốc mà chúng ta bất đắc dĩ phải đánh trả để tự vệ, bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta nhường nhịn, nhún nhường nhưng không thể nhún quá để họ bắt nạt, ăn hiếp mình.
Tới hôm nay đã tròn 40 năm kể từ khi chúng ta bắt đầu cuộc chiến đấu tự vệ, bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc, có còn điều gì khiến ông trăn trở về cuộc chiến này?
- Sau 40 năm cuộc chiến đấu, nhờ có sự hòa bình, ổn định trong quan hệ giữa 2 nước, cuộc sống của người dân ở khu vực biên giới đã thay đổi rất nhiều. Tuy nhiên, điều khiến tôi thấy rất đau là vẫn còn hơn 2.000 chiến sĩ, đồng đội hy sinh nằm lại trên chiến trường Vị Xuyên mà chúng ta vẫn chưa đưa về được. Vì thế, điều tôi mong muốn nhất lúc này là đưa được hài cốt của anh em về để họ được yên nghỉ.
40 năm thay da đổi thịt

Cầu Bằng Giang, cây cầu huyết mạch của TX.Cao Bằng, bị địch phá hủy (trái) và được xây dựng lại đẹp hơn xưa - Ảnh Cao Bắc/TTXVN

TX.Lào Cai bị quân Trung Quốc đánh phá (trái) và nay đã được nâng cấp trở thành TP.Lào Cai - Ảnh: TTXVN

TX.Lạng Sơn bị tàn phá bởi quân Trung Quốc (trái) và sau 40 năm là TP.Lạng Sơn với hạ tầng phát triển - Ảnh: Lưu Quang Phổ

Trong lịch sử VN, cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía bắc từ 1979 - 1989 là một trong những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại nhất của VN. Bởi lẽ, cuộc chiến này diễn ra trong 10 năm và tổn thất của chúng ta rất lớn, tuy nhiên, chúng ta chiến đấu kiên cường, bản lĩnh và giữ được toàn vẹn lãnh thổ. Đây cũng là một chiến thắng vĩ đại của quân và dân VN chống quân Trung Quốc xâm lược. Dù người ta có dùng luận điệu “dạy cho VN một bài học” hay cuộc chiến “phản kích tự vệ” thì việc tới 600.000 quân tiến sâu vào lãnh thổ của VN, san phẳng 5 thị xã dọc biên giới từ Móng Cái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Phong Thổ… giết hại nhiều người dân, phá hoại rất nhiều công trình của chúng ta thì phải nói đó là cuộc chiến tranh xâm lược.

Thiếu tướngLê Mã Lương, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự VN

Các nhà sử học khẳng định chính Trung Quốc đã khởi đầu cuộc chiến tranh và chiến sự diễn ra chủ yếu trên lãnh thổ VN. Bên cạnh đó, giới sử gia cũng đồng tình rằng cuộc chiến nếu không phải là một thất bại hoàn toàn đối với Trung Quốc, thì cũng là một sai lầm tốn kém cho những mục đích rất mơ hồ là trừng phạt VN vì đã lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, đồng minh của Trung Quốc khi đó đồng thời cũng là bạo chúa đẫm máu nhất trong thế kỷ 20.

(Howard W.Frenchtrong bài viếtWas the War Pointless? China Shows How to Bury Itđăng trênThe New York Timesngày 1.3.2005)​

Theo Lê Hiệp/Thanh Niên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc: Chiến thắng của chính nghĩa