Mới đây, Bộ KH-CN đã phê duyệt Danh mục đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KHCN) về Quỹ gen cấp quốc gia, thuộc Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong đó, Bộ KH-CN đã đặt hàng 3 nhiệm vụ khoa học và công nghệ về Quỹ gen cấp quốc gia.
Cụ thể, đề tài 1: “Nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quỹ gen quốc gia” với định hướng xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia để quản lý thống nhất, hiệu quả các dữ liệu về công tác bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen sinh vật của Việt Nam.
Ở đề tài này, Bộ KH-CN xét giao trực tiếp cho Trung tâm Tài nguyên thực vật, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện với yêu cầu kết quả: Báo cáo hiện trạng cơ sở dữ liệu quỹ gen trên thế giới và ở Việt Nam; nhu cầu về quản lý và sử dụng dữ liệu quỹ gen sinh vật. Cấu trúc cơ sở dữ liệu quỹ gen quốc gia phù hợp với cơ sở dữ liệu quỹ gen quốc tế tương ứng với các nhóm đối tượng nguồn gen. Bộ phần mềm máy tính song ngữ Việt - Anh đáp ứng yêu cầu lưu giữ, quản lý, sử dụng và chia sẻ dữ liệu về bảo tồn, sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn gen sinh vật.
Ngoài ra, đề tài cũng phải đáp ứng được hệ thống cơ sở dữ liệu quỹ gen quốc gia và thiết bị phù hợp được thiết lập và quản lý trên mạng máy tính, chứa dữ liệu của 10.000 mẫu nguồn gen cây trồng nông nghiệp; 1.000 mẫu nguồn gen cây lâm nghiệp; 1.000 mẫu nguồn gen cây thuốc; 100 mẫu nguồn gen vật nuôi; 50 mẫu nguồn gen thủy sản; 5.000 mẫu nguồn gen vi sinh vật. Đào tạo được 200 cán bộ của các cơ quan quản lý và ít nhất 40 đơn vị thành viên mạng lưới quỹ gen quốc gia sử dụng thành thạo hệ thống.
Đề tài 2: “Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cây nông - lâm nghiệp và cây thuốc tại lưu vực thủy điện Lai Châu” được Bộ KH-CN xét giao trực tiếp cho Trung tâm Tài nguyên thực vật với kết quả cần đạt được bao gồm: Bộ dữ liệu về hiện trạng nguồn gen đặc sản, quý, hiếm, đặc hữu của các nhóm cây nông - lâm nghiệp và cây thuốc tại lưu vực thủy điện Lai Châu. Có ít nhất 3.000 mẫu nguồn gen nông - lâm nghiệp và dược liệu đặc sản, quý, hiếm, đặc hữu đại diện cho lưu vực thủy điện Lai Châu được thu thập và đánh giá ban đầu. 2.000 mẫu nguồn gen được lưu giữ an toàn bằng các hình thức phù hợp, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế...
Đề tài 3: “Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cây thuốc đặc hữu, quý, hiếm của vùng Đông Nam Bộ tại Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai” được xét giao trực tiếp cho Viện Dược liệu - Bộ Y tế với mục đích góp phần bảo tồn bền vững được các nguồn gen cây thuốc đặc hữu, quý, hiếm của vùng Đông Nam Bộ làm cơ sở xây dựng Vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia tại Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.
Yêu cầu đối với kết quả đề tài 3 bao gồm: Báo cáo kết quả xác định các nguồn gen cây thuốc đặc hữu, quý, hiếm của vùng Đông Nam Bộ. Ít nhất 500 nguồn gen cây thuốc đặc hữu, quý, hiếm của vùng Đông Nam Bộ được thu thập, 300 nguồn gen cây thuốc đặc hữu, quý, hiếm của vùng Đông Nam bộ được lưu giữ an toàn bằng các hình thức phù hợp tại Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.
Thu Anh