Thay vì tập trung cho thị trường châu Á thì cứ đến hè, một loạt đội bóng đại gia châu Âu lại ùn ùn kéo nhau sang Mỹ du đấu, tập huấn. Hè 2014, giải Guinness Champions Cup quy tụ 8 đội M.U, Inter, Real, Rome và Olympiakos, Liverpool, Man City, Milan. CLB Bayern Munich chuẩn bị có trận với MLS All-Stars vào ngày 6.8 tới. Điều gì khiến nước Mỹ trở nên hút hàng như vậy?

3 lý do Man United, Real Madrid kéo sang Mỹ

Một Thế Giới | 04/08/2014, 21:40

Thay vì tập trung cho thị trường châu Á thì cứ đến hè, một loạt đội bóng đại gia châu Âu lại ùn ùn kéo nhau sang Mỹ du đấu, tập huấn. Hè 2014, giải Guinness Champions Cup quy tụ 8 đội M.U, Inter, Real, Rome và Olympiakos, Liverpool, Man City, Milan. CLB Bayern Munich chuẩn bị có trận với MLS All-Stars vào ngày 6.8 tới. Điều gì khiến nước Mỹ trở nên hút hàng như vậy?

1. Vì người Mỹ không mua áo nhái

Tiền bán áo đấu là 1 trong 4 khoản thu chính của CLB chuyên nghiệp bên cạnh bản quyền truyền hình, quảng cáo và bán vé nên hầu hết các CLB đều đặc biệt xem trọng. Ví dụ, vừa qua Real Madrid bỏ ra 65 triệu bảng để mua James Rodriguez ai cũng tưởng Chủ tịch Florentino Perez tiêu hoang nhưng chỉ trong vòng 48 tiếng đồng hồ sau, Real đã thu được tổng cộng 20 triệu bảng nhờ chiếc áo số 10 của James!

Các CLB đại gia châu Âu sang Mỹ với mục đích mở rộng thị trường thì đầu tiên chính là bán áo đấu. Một chiếc áo của CLB chính hãng có giá rẻ nhất trên 70 USD cho đến 110 USD. Trong 10 CLB báo áo đấu tốt nhất thế giới, AC Milan đứng chót cũng bán đến 350.000 áo/năm và tính trung bình 100 USD/cái thì doanh số lên đến 350 triệu USD tiền bán áo. Hai CLB đứng số 1 và 2 về báo áo là Real với M.U trên dưới 1,4 triệu áo/năm doanh thu trên 1 tỷ USD/năm.

3 ly do Man United, Real Madrid keo sang My
Bán áo đấu là nguồn thu khổng lồ cho CLB cũng như hãng tài trợ trang phục. Real với Adidas và Man United với Nike hiện là 2 CLB bán áo đấu giỏi nhất thế giới.

Ở Mỹ với luật pháp chặt chẽ về việc bảo hộ thương quyền thì gần như không có chuyện áo nhái (fake) bán ngập trời như tại Trung Quốc, Hong Kong, Thailand… Thị trường Bắc Mỹ chiếm khoảng 1/3 doanh thu bán áo đấu của các CLB châu Âu. Tiền đạo Torres của Chelsea dù đá rất “củi” như Mourinho không dám đẩy đi vì Torres là cầu thủ bán áo đấu số 1 The Blues với gần 200.000 áo/năm trên tổng số 1 triệu áo Chelsea bán ra. Ở Bắc Mỹ, áo đấu của Torres chỉ đứng sau Van Persie và Rooney.

2. Vì Nike có quê hương ở Mỹ

Nike là hãng sản xuất trang phục và dụng cụ thể thao số 1 thế giới với doanh thu 25,3 tỷ USD/năm (2013) và lợi nhuận 3 tỷ USD/năm và có trụ sở chính ở thành phố Beaverton bang Oregon. Trong top 10 CLB bán áo đấu nhiều nhất thế giới hiện Nike góp 4 đội với Inter Milan (425.000 áo/năm), Juventus (480.000), Barca (1,15 triệu), Man Utd (1,4 triệu). Trước đó, Nike cũng là nhà tài trợ cho Arsenal (800.000) trước khi Pháo thủ chuyển sang khoác áo Pumua ở Hè 2014.

Nike là hãng ra đời sau Adidas và cũng đi sau trong lĩnh vực bóng đá nhưng lại có những bước tiến thần tốc chỉ trong vòng chưa đầy 20 năm khiến hãng thể thao của Đức phải chóng mặt. Chẳng hạn, tại World Cup 1994, ngay cả đội chủ nhà Mỹ cũng mặc áo của Adidas thiết kế cùng với Đức, Bulgaria, Thụy Điển, Nga, Argentina, Rumani, TBN, Nigeria…  và như đội Brazil, Mexico (Umbro), Ý, Bỉ (Diadora), Thụy Sĩ (Lotto). Nói chung 20 năm trước, Nike hoàn toàn là kẻ vô danh ở lĩnh vực bóng đá, tuy nhiên ở World Cup 2014 vừa rồi thì Nike đã trở thành nhà tài trợ áo đấu nhiều nhất giải với 10 đội bóng và Adidas đứng nhì với 9 đội, còn Puma đứng 3 với 8 đội.

3 ly do Man United, Real Madrid keo sang My
20 năm trước Nike chỉ là kẻ vô danh ở lĩnh vực bóng đá đến nỗi ĐT Mỹ chủ nhà World Cup 1994 mặc áo do Adidas thiết kế nhưng bây giờ Nike đang khiến Adidas lo sốt vó từng ngày.

Sự phát triển quá mạnh của Nike ở môn bóng đá cũng kéo cán cân dịch chuyển thương mại với việc các CLB do Nike quản lý phải chú trọng nhiều hơn đến thị trường Bắc Mỹ, quê hương của Nike. Tất nhiên, khi Nike bành trướng ở Bắc Mỹ thì Adidas không thể ngồi yên để đánh mất thị trường số 1 thế giới này. Trong nỗ lực ngăn cản bước tiến của Nike, điều Addias thành công nhất là họ đã trở thành nhà tài trợ độc quyền trang phục cho 19 CLB giải MLS. Chuyện Nike kéo các CLB do họ tài trợ trang phục sang Mỹ du đấu đã buộc Adidas phải làm theo với các CLB do họ quản lý, tài trợ trang phục.

Bên cạnh đó, các tập đoàn lớn của Mỹ cũng đổ tiền vào quảng cáo trên ngực áo của CLB ở châu Âu mà điển hình bản hợp đồng kỷ lục 550 triệu USD/7 năm của Chevrolet với Man Utd (80 triệu USD/năm) cũng là lý do quan trọng khác.

3. Bóng đá ngày càng có ảnh hưởng sâu đến người Mỹ

Ở Mỹ, theo thứ tự thì bóng đá là môn thể thao được ưa thích thứ năm sau bóng bầu dục, bóng chày, bóng rổ và khúc côn cầu trên băng. Đã có nhiều thành kiến rất cố hữu khi nghĩ rằng người Mỹ rất thờ ơ và “gà mờ” với môn bóng đá, nhưng sự thật bóng đá rất phổ biến ở Mỹ, nhất là ở lứa tuổi trẻ em cũng như trường học nào từ cấp tiểu học đến đại học cũng có sân bóng đá.

Điểm khác biệt có chăng nếu như bóng đá ở các quốc gia khác nếu không xếp ở vị trí số 1 thì cũng ở số 2 (ví dụ như Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ, Pakistan…) hoặc bét lắm là số 3 chứ hiếm khi nào lại tụt xuống đứng tận thứ 5 nên ở Mỹ nên dễ dẫn đến suy nghĩ là người Mỹ không biết gì về môn bóng đá.

Mỹ là quốc gia đa chủng, đa văn hóa nhưng phổ biến dân nhập cư vẫn đến từ châu Âu (Anh, Ý, Pháp, TBN, Đức…) và Mexico, các nước Nam Mỹ và châu Á (Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc…) nên xét về tính truyền thống thể thao người Mỹ hội nhập bóng đá và có tình yêu với môn thể thao này. Nên nhớ Mỹ là quốc gia có đội tuyển tham dự World Cup 1930, 1938 và 1950, tức là thời kỳ đầu tiên của giải VĐTG.

3 ly do Man United, Real Madrid keo sang My
CĐV Mỹ xem trực tiếp trận đấy Mỹ-Bỉ tại World Cup 2014 ở nơi công cộng. Bóng đá ngày càng có sức sống mãnh liệt tại Mỹ và người ta cho rằng khoảng 10 năm tới bóng đá sẽ vượt khúc côn cầu trên băng để trở thành mônn thể thao ưa thích thứ 4 tại Mỹ. 

Vì bóng đá Mỹ có thời gian dài suy thoái nghiêm trọng khi liên tiếp 32 năm liền (1954-1986) ĐT Mỹ vắng mặt ở đấu trường World Cup khiến người ta có cảm giác bóng đá ở quốc gia này đã “chết yểu”. Tuy nhiên, từ năm 1990 đến 2014, ĐT Mỹ đã không vắng mặt lần nào trong 7 kỳ World Cup nên tình yêu bóng đá với người Mỹ bắt đầu hâm nóng trở lại, rồi ngày càng có ảnh hưởng sâu rộng hơn. Tại World Cup 2014 vừa qua, cả nước Mỹ gần như phát sốt trước thành tích lọt vào vòng 1/8 của đội bóng HLV Jurgen Klinsmann.

Năm 1994 khi Mỹ lần đầu tiên đăng cai World Cup thì đã lập ngay kỷ lục về lượng khán giả trung bình vào sân với 68.991 người/trận (Brazil năm 2014 đứng nhì với khoảng 54.000 người/trận).

Ngày 2.8.2014 vừa rồi, trận đấu giữa Man United và Real Madrid tại sân Michigan ở giải Guinness International Champions Cup đã thu hút 109.318 khán giả, xác lập kỷ lục mới khi vượt qua 101.799 người ở trận Brazil – Pháp ở trận chung kết Olympic 19984 tại sân Rose Bowl (Los Angeles).

Với sức sống ngày càng mãnh liệt của môn bóng đá cùng một thị trường tiềm năng giàu có và nơi tiêu thụ hàng hóa số 1 thế giới nên không có gì lạ khi các CLB đại gia châu Âu ùn ùn kéo sang Mỹ du đấu.

Đăng Khoa

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đồng ý phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 9 ngày liên tục
5 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng đồng ý với phương án Bộ LĐ-TB-XH đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 9 ngày liên tục.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
3 lý do Man United, Real Madrid kéo sang Mỹ