Nous sommes embarqués!”. Chúng ta đã xuống thuyền! Có lẽ chưa bao giờ cái “từ khóa” của triết học hiện sinh có từ giữa thế kỷ 20 lại phù hợp đến thế để nói về hoàn cảnh của Việt Nam khi bước vào năm 2016 này. 

2016, xuống thuyền

29/12/2015, 18:11

Nous sommes embarqués!”. Chúng ta đã xuống thuyền! Có lẽ chưa bao giờ cái “từ khóa” của triết học hiện sinh có từ giữa thế kỷ 20 lại phù hợp đến thế để nói về hoàn cảnh của Việt Nam khi bước vào năm 2016 này. 

Bởi 2016 là năm mà hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định đối tác hợp tác toàn diện (PCA), Hiệp định liên kết kinh tế giữa Việt Nam và nhiều nước vừa có hiệu lực hoặc bắt đầu có hiệu lực, hoặc sẽ được ký kết: FTA Việt Nam - Hàn Quốc vừa có hiệu lực từ ngày 20.12.2015; FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa kết thúc đàm phán đầu tháng 12.2015; Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện (PCA) Việt Nam - EU dự kiến sẽ được cả hai viện Quốc hội Pháp phê chuẩn vào đầu năm 2016, sau đó là quốc hội các quốc gia châu Âu khác; rồi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) bắt đầu có hiệu lực từ đầu 2016; Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến sẽ được ký kết trong năm 2016...
Quả thực, bước vào năm 2016, Việt Nam coi như đã xuống thuyền và giờ không còn là lúc có thể ngoái lại trông lên bờ mà chỉ có thể nỗ lực hết sức mình để chèo chống, lướt tới và về đích mà thôi. Công cuộc hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng nhanh nhịp độ, mang lại nhiều lợi ích nhưng đồng thời cũng đặt ra biết bao thách thức cho nền kinh tế nước nhà, cho doanh nghiệp trong nước, thậm chí cho từng người nông dân, người thợ ngành dệt may dù muốn hay không đã bị đặt vào cuộc cạnh tranh toàn cầu.
Muốn chèo chống, lướt tới và về đích, hẳn phải kiểm kê lại lực lượng, soát xét lại chiến lược, tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của mình. Hội thảo về tái cơ cấu nền kinh tế do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 17.12 tại Hà Nội nhằm công bố báo cáo đánh giá về chương trình tái 2016 Xuống Thuyền! Cơ cấu tổng thể nền kinh tế, là một cuộc kiểm kê như vậy. Báo cáo cho thấy một thực trạng đáng lo ngại là hiệu quả của các cải cách trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước (DNNN), và ngân hàng thương mại - 3 trụ cột của tái cơ cấu kinh tế - mấy năm qua vẫn còn rất hạn chế.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Hội nhập hiện nay đặt Việt Nam trước thách thức rất lớn, nếu không tái cơ cấu được thì chúng ta sẽ tụt hậu xa hơn. Bà Lan nói tiếp: “Giai đoạn mới có những đòi hỏi gay gắt hơn nhiều. Năm năm tới nếu chúng ta không tiếp tục đổi mới thể chế, cải cách kinh tế thì cơ hội của Việt Nam là rất mong manh”.
Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung bổ sung: Thể chế hiện nay không cho người ta làm lớn được, vì làm lớn thì họ sợ là bảo vệ tài sản như thế nào? Ông nói thêm: “Khi mà luật pháp chưa bảo vệ được tài sản của họ, thì họ không làm hoặc phải tìm cách bảo vệ tài sản. Luật chơi của chúng ta khác với quốc tế. Chúng ta không thể hội nhập được bằng lực lượng doanh nghiệp tư nhân như vậy”. Và: “Nếu chúng ta không cải cách đủ mạnh, thì Việt Nam tiếp tục có tăng trưởng, nhưng... các cơ hội chủ yếu rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam và người lao động không được hội nhập mà còn bị vùi dập bởi hội nhập, bị ra rìa”. “Hội nhập tạo cơ hội đa dạng hóa phương thức sản xuất, song thể chế phải đủ linh hoạt để du nhập và thực hiện các sáng kiến và ý tưởng kinh doanh”, ông Cung nói.
Ông Cung cũng cho rằng vấn đề chính nằm ở chỗ, Việt Nam chưa chuyển đổi được mô hình sở hữu hiện nay sang sở hữu kinh tế thị trường. Việc chuyển từ sở hữu nhà nước sang sở hữu tư nhân chưa được hoàn thành, nhiều loại tài sản chưa được ghi nhận là tài sản nên chưa có sở hữu. Sở hữu toàn dân còn chiếm tỷ trọng lớn, và nhiều loại tài sản không có chủ sở hữu rõ ràng. “Ví dụ, chúng ta không có thị trường sơ cấp về đất đai, quan hệ giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan nhà nước là quan hệ phân phối, xin-cho theo phương thức hành chính, không phải giao dịch thị trường. Đó như một món quà mà nhà nước giao, thì lúc nào nhà nước cũng lấy lại được”, ông Cung nói thêm.
Tình hình tổng quan của nền kinh tế khi bước vào năm 2016 là như vậy, đáng lo hơn đáng mừng. Từ bao nhiêu năm nay, với hệ thống các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước chiếm vị trí chủ đạo và nắm hầu hết nguồn lực của nền kinh tế, nền kinh tế quốc gia vẫn cứ quặt quẹo không lớn nổi. Đó là chưa kể những mất mát, thất thoát lớn mà các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước đã gây ra cho nền kinh tế. Trong khi đó, nông nghiệp và nông dân vẫn khó khăn, doanh nghiệp tư nhân bị chèn ép, thiếu nguồn lực để phát triển. Lực lượng đâu để cạnh tranh khi hội nhập?
Tuy vậy, đáng mừng là một khảo sát gần đây về chủ đề “Định nghĩa tinh thần khởi nghiệp” do Trường đại học Kỹ thuật Munchen (TUM) của Đức, Công ty Nghiên cứu thị trường GFK và Tập đoàn bán hàng trực tiếp Amway thực hiện, xếp Việt Nam đứng thứ 7 trong số 44 nước tham gia khảo sát có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới, chỉ sau Đan Mạch, Nam Phi, Thái Lan, Anh, Trung Quốc và Ấn Độ. Báo cáo về tinh thần khởi nghiệp năm 2015 được đánh giá là quy mô nhất từ trước đến nay, định nghĩa tinh thần khởi nghiệp bao gồm các yếu tố như tinh thần ham học hỏi, mong muốn được trải nghiệm cuộc sống và gánh vác trách nhiệm của các doanh nhân tương lai.
Trong số gần 50.000 người trong tham gia trả lời phỏng vấn tại 44 quốc gia có độ tuổi từ 14 đến 99, thì 71% số người được hỏi ở Việt Nam có thái độ tích cực đối với việc khởi nghiệp kinh doanh, 89% số người được hỏi có mong muốn bắt đầu kinh doanh riêng, 75% nghĩ rằng bắt đầu kinh doanh là khả thi, và 67% không dễ dàng bị môi trường xã hội tác động vào quyết định khởi nghiệp của mình. Người dân vẫn có tinh thần hăng hái khởi nghiệp, làm ăn, dựng cơ nghiệp. Đó có lẽ là cơ may cuối cùng cho nền kinh tế, nếu công cuộc cải cách thể chế được đẩy mạnh nhằm giải phóng sức mạnh tiềm tàng này trong dân.
Cũng chính cái tinh thần đó đặt Nhà nước trước yêu cầu phải cải cách thể chế thế nào để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, đẩy lùi cho được tham nhũng và lợi ích nhóm bất chính đang hoành hành, thúc đẩy kinh tế tư nhân lớn mạnh để trở thành một lực lượng kinh tế dân tộc đủ sức đương đầu với cạnh tranh ngay trên sân nhà và vươn ra thị trường bên ngoài.
Xuống thuyền! Để tới đích, cần một bộ máy nhà nước thông minh biết chèo lái, một lực lượng doanh nghiệp có tinh thần dân tộc sẵn sàng cạnh tranh, đổi mới, và sự góp sức của mỗi người dân.
Đoàn Khắc Xuyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
16 phút trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
2016, xuống thuyền