Ngôi nhà cổ nằm lọt thỏm dưới bức tường cao, im lìm lặng lẽ giữa những xô bồ, náo động. Đã 20 năm kể từ khi cụ Vương Hồng Sển về miền sương khói, nhà cổ bây giờ trở thành… quán nhậu bình dân. Ngồi bia bọt ban chiều giữa sân nhà cổ, ngó những rêu phong cổ kính, chỉ còn biết tặc lưỡi tiếc rẻ, rót làm sao cho hết nỗi buồn.
Còn đâu hồn nhà cổ
Vương Hồng Sển, bút hiệu là Vân Đường, Anh Vương, Đạt Cổ Trai, sinh năm 1902, từ trần vào năm 1996, là một học giả và là nhà sưu tập đồ cổ nổi tiếng nhất miền Nam Việt Nam thời bấy giờ. Ngôi nhà gỗ nơi ông an trú tại số 9/1 Nguyễn Thiện Thuật, P. 14 quận Bình Thạnh, mang tên Vân Đường Phủ cũng là một thứ “cổ vật” vô giá. Cụ Vương phát hiện ngôi nhà này tại Nhà Bè; với mái ngói âm dương, toàn bộ vách, cột kèo làm từ các loại gỗ quý hiếm, ngôi nhà đã hoàn toàn chinh phục tay chơi đồ cổ Vương Hồng Sển.
Và bằng mọi cách cụ “bứng” nguyên căn dời về đây. Thế nhưng, sau khi cụ Vương mất, nơi mà cụ ưu ái gọi là “vuông nhà cổ tích” lại trở nên tồi tàn, nhốn nháo. Tất cả cổ vật trong ngôi nhà buộc phải dời đi, khiến Vân Đường Phủ chẳng khác nào “cái xác không hồn”. Một bức tường xây sơ sài chắn tầm nhìn từ ngoài đường vào nhà cổ, biển hiệu quán ốc, cơm tấm được trương lên rất bắt mắt, cửa sắt im ỉm. Chúng tôi đã tìm cách tiếp chuyện với cháu nội của cụ Vương - những người đang sinh sống trong căn nhà nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu từ chối. Buổi chiều, quán ốc bắt đầu đông khách, nhà cổ mờ nhòe trong đèn đóm lòe loẹt, khói thức ăn nghi ngút, người ra kẻ vào ăn uống chuyện trò rôm rả. Hình ảnh rõ ràng nhất, chỉ còn là mái hiên thấp như đang cúi đầu, đứng dậy với tay là chạm đến từng viên ngói âm dương, chạm tay vào quá khứ. Đáng nói hơn, trước khi mất cụ Vương đã truất quyền thừa kế của người con trai duy nhất là ông Vương Hồng Bảo, hiến tặng toàn bộ cổ vật và sách quý cho nhà nước, đồng thời yêu cầu trợ cấp cho các cháu nội đến tuổi trưởng thành.
Cụ Vương hy vọng tất cả các cổ vật, sách quý cùng với không gian của căn nhà cổ tạo nên một “Fondation Vương Hồng Sển” (fondation - tạm dịch: quỹ - theo nguyên văn di chúc của cụ Vương). “Fondation Vương Hồng Sển” sẽ hoạt động như một “bảo tàng” nhằm cung cấp thông tin tư liệu đến với công chúng, các nhà nghiên cứu cũng như tất cả những ai quan tâm đến khối di sản đồ sộ mà cụ Vương đã dành cả cuộc đời để sưu tập, chăm chút và gìn giữ. Vương Hồng Sển đã “lo xa” đến mức không trao Vân Đường Phủ cho con cháu kế thừa, vậy mà kể từ ngày cụ mất cho đến nay đã 20 năm, giấc mộng đó vẫn chưa thành. Giờ đây, đến nhà cụ Vương nhìn căn nhà cổ chỉ biết ngậm ngùi. Không ngậm ngùi sao được, khi Vân Đường Phủ ngày xưa đã từng là điểm lui tới của các “tao nhân mặc khách”, để luận cổ ngoạn, để thưởng trà, đọc sách. Hơn nửa cuộc đời của mình, cụ Vương đã nâng niu từng góc nhà, khoảng sân, biến nó thành thứ không gian tinh tế, lưu dấu quá khứ, lưu lại tâm hồn của một học giả lịch lãm, tài hoa. Căn nhà cổ đã khiến các tạp chí danh tiếng thế giới như Times, Newsweek… dày công bay hết nửa vòng trái đất đến tìm hiểu, giới thiệu… và rồi thành… quán ốc. Tự hỏi, người ta đã làm gì với di tích của tiền nhân?
Dằng dai tranh chấp
Ngôi nhà cổ bắt đầu nhận lấy số phận long đong từ khi cụ Vương tuổi cao sức yếu rồi qua đời. Lúc này, Vương Hồng Bảo - con trai độc nhất của ông với người vợ thứ 3 (bà Nguyễn Kim Chung - nghệ sĩ bà Năm Sa Đéc) đang chung sống cùng bà Phạm Thị Hồng (trước đó Bảo đã có 2 đời vợ và nhiều con chung). Vương Hồng Bảo và bà Hồng lấy lý do cần tiền dùng hợp thức hóa căn nhà cổ cha để lại, đã lợi dụng nhiều mối quan hệ thân thiết để vay mượn nợ lên đến hơn 6 tỉ đồng. Năm 1998, Tòa án nhân dân TP.HCM xử phạt Vương Hồng Bảo và Phạm Thị Hồng tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân” và buộc hai người phải hoàn trả toàn bộ số tiền trên 5 tỉ đồng, hơn 1.000 lượng vàng và 46.700 USD. Cùng năm này, ông Bảo chết trong trại giam do bạo bệnh và không hề để lại di chúc.
Tòa Tối cao tại TP.HCM ra quyết định đình chỉ vụ án với bị cáo Vương Hồng Bảo và y án chung thân với bà Phạm Thị Hồng. Về việc hoàn trả số nợ của ông Bảo, án văn năm 1999 ghi rõ: “sẽ phát mãi phần tài sản mà bị cáo Vương Hồng Bảo hưởng theo diện thừa kế pháp luật trên phần di sản của bà Nguyễn Kim Chung (tức bà Năm Sa Đéc, mẹ của Vương Hồng Bảo)”. Nhưng sau đó, trưởng tộc họ Vương lại đưa ra số giấy tờ chứng minh căn nhà 9/1 Nguyễn Thiện Thuật hoàn toàn là sở hữu riêng của ông Vương Hồng Sển trước khi sống với bà Nguyễn Kim Chung. Căn nhà cổ tạm “thoát nạn” sau vụ án nhưng rồi lại tiếp tục rơi vào nhiều cuộc tranh chấp khác và cuối cùng dằng dai hơn mười mấy năm “Fondation Vương Hồng Sển” (tạm gọi là “Nhà trưng bày sưu tập Vương Hồng Sển”) không biết bao giờ mới được hình thành.
Đáng nói là, vào năm 2003, UBND Thành phố đã xác lập quyền sở hữu Nhà nước và xếp hạng di tích cấp thành phố đối với căn nhà 9/1 Nguyễn Thiện Thuật. Giấy trắng mực đen rành rành, nhưng không hiểu tại sao nhà cổ vẫn xuống cấp và nhếch nhác như hiện tại. Về vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với ông Phạm Thành Nam, Trưởng phòng Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM. Theo đó, ông Nam cho biết, cơ quan quản lý nắm rất rõ hiện trạng của căn nhà cổ, nhưng do rất nhiều nguyên nhân đến nay “Nhà trưng bày sưu tập Vương Hồng Sển” vẫn chưa được thành lập. Một trong số đó là vụ việc bà Vương Hồng Liên Hương (cháu nội cụ Vương) khởi kiện tranh chấp di sản thừa kế với cơ quan nhà nước. Vụ kiện diễn biến rất phức tạp và vẫn đang kéo dài ảnh hưởng đến việc trùng tu, tiếp nhận di tích nhà cổ Vương Hồng Sển. Cũng theo ông Phạm Thành Nam, thông qua Bảo tàng Lịch sử
TP.HCM, thành phố đã chi trả hỗ trợ cho các cháu nội cụ Vương từ năm 1997 đến quá tuổi trưởng thành, theo như ý nguyện của cụ Vương. Ông Nam nói thêm: “Đó là về lý, còn về tình, UBND Thành phố đã tiến hành giới thiệu chỗ ở mới cho các cháu nội của cụ Vương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tu bổ, trưng bày tại di tích. Sở Xây dựng, UBND Quận Bình Thạnh đã giới thiệu căn hộ tại chung cư Minh Phụng hoặc căn nhà mặt tiền tại đường Vạn Kiếp (Q.Bình Thạnh) có giá ở thời điểm đó là 7,8 tỉ đồng, nhưng các cháu nội cụ Vương đều không đồng ý”. Theo đó, bà Vương Hồng Liên Hương đưa ra yêu cầu: “Về nhà ở: Chúng tôi đề nghị được nhận ba căn nhà có giá trị tương đương nhà 91 Vạn Kiếp, quận Bình Thạnh.
Vì chúng tôi đã lớn cần phải có cuộc sống riêng tư và như vậy mới tạm tương xứng với một phần căn nhà di sản của ông bà nội chúng tôi để lại. Về cổ vật: Chúng tôi đề nghị được nhận số tiền 10 tỉ đồng để làm vốn sinh sống và thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho cha tôi là Vương Hồng Bảo”. Yêu cầu quá cao và có vẻ vô lý của bà Liên Hương cùng với nhiều phức tạp về mặt giấy tờ pháp lý đã khiến những tranh chấp về di sản Vương Hồng Sển cứ dằng dai, dẫn đến di tích nhà cổ ngày càng xuống cấp. Ông Phạm Thành Nam chia sẻ: “Căn cứ theo chức năng nhiệm vụ, Sở Văn hóa - Thể thao thực sự không thể giải quyết các vấn đề về tranh chấp dân sự, quản lý trật tự tại di tích.
Đã có nhiều tổ công tác liên ngành được thành lập để giải quyết toàn bộ, nhưng như trên đã nói, có rất nhiều vướng mắc không dễ dàng tháo gỡ. Giờ đây, chúng tôi chỉ mong đời sau của cụ Vương chịu hợp tác để di sản của thế hệ trước được phát huy tối đa giá trị, phục vụ cho cộng đồng như di nguyện của người đã khuất”. Đó cũng là mong mỏi của rất nhiều người từng để tâm đến “vuông nhà cổ tích” mang tên Vân Đường Phủ.
Lê Hồ Phong