Một em bé mới vào trường, khác nào một tờ giấy trắng, trên đó tổ tiên và nhất là cha mẹ đã viết vào một phần thượng tầng, khoảng nhì thì anh em bạn bè vẽ vào. Còn một phần nữa, ai viết vào đấy? Phần ông thầy đấy chăng? Ông viết vào là phải, nhưng hãy khoan...

20.11 đọc lại ‘Nghề thầy’ của nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy

Tiểu Vũ | 19/11/2020, 06:00

Một em bé mới vào trường, khác nào một tờ giấy trắng, trên đó tổ tiên và nhất là cha mẹ đã viết vào một phần thượng tầng, khoảng nhì thì anh em bạn bè vẽ vào. Còn một phần nữa, ai viết vào đấy? Phần ông thầy đấy chăng? Ông viết vào là phải, nhưng hãy khoan...

12_nha1429-1_resize.jpg
Nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy - Ảnh: Tư liệu

Nghề thầy của nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy được xuất bản lần đầu vào năm 1944. Đây là cuốn sách mỏng, viết dưới dạng chia sẻ tâm sự và kể những chuyện về nghề giáo ở thế kỷ trước. Tuy vậy, cho đến nay những vấn đề mà ông đặt ra, bàn luận vẫn chưa hề cũ, thậm chí vẫn còn nóng hổi. Nếu thay thế những từ ngữ cổ kính mang dấu ấn của thời đại đã qua bằng từ ngữ hiện đại, ta sẽ thấy cuốn sách Nghề thầy được viết cho chính những nhà giáo của thời đại ngày nay.

Bằng một tầm nhìn rộng và xa về giáo dục, từ 80 năm trước nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy đã xác định rõ mục đích của giáo dục là phải “đem lũ trẻ con người ta trao cho, mà rèn giũa sao cho nên người, nên người có hiếu, sau này gây được gia đình bền chặt, người dân tốt giúp được nước, người có tâm với thiên hạ, làm người biết đạo người, sống hợp với lẽ trời đất”. Từ đó ông cho rằng nếu coi việc đi học chỉ là “để học đọc, học viết, học tính, để thi đỗ, để rồi đi làm, thì đủ thứ sung sướng” là “sai lạc cả mục đích giáo dục”.

Trong bối cảnh hiện nay, khi các cuộc tranh cãi về triết lý giáo dục, những sai sót trong sách giáo khoa, chính sách cùng những vấn đề nhức nhói của ngành giáo dục với vô vàn ý kiến trái chiều trên báo chí, trên phương tiện truyền thông xã hội, chúng ta mới thấy những quan niệm về giáo dục của nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy có ý nghĩa như thế nào. Theo ông, giáo dục là phải hướng về con người, và làm cho xã hội hiện tại tốt đẹp hơn, từng bước xây dựng nên xã hội tương lai. Nói khác đi, giáo dục là tạo ra con người có khả năng kiến tạo xã hội tốt đẹp hơn.

Trên cơ sở đó, ông đã nhìn nhận rất rõ về vai trò và sự cần thiết của mối quan hệ hai chiều giữa gia đình và nhà trường, giữa cha mẹ và giáo viên trong việc giáo dục học sinh. Ông đã dành một dung lượng đáng kể trong sách để phân tích nội dung này.

unnamed-1-.jpg

‘Nghề thầy’ là cuốn sách nhỏ của nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy. Dưới góc nhìn của ông, người thầy không chỉ đơn thuần là người dạy học mà là nhà khai sáng, nhà hoạt động xã hội. Nghề thầy được NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam tái bản tháng 11.2020

Theo ông, giáo dục phải bắt đầu từ gia đình, ngay từ khi đứa trẻ còn là bào thai bằng việc thực hiện phép thai giáo. Ông khuyên các bà mẹ khi mang thai nên hướng thiện, biết cân nhắc lời ăn tiếng nói để con có được nhân cách tốt. Khi trẻ đến tuổi đi học thì sự liên lạc mật thiết, mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau và cùng hợp tác vì sự tiến bộ của trẻ giữa gia đình và nhà trường, giữa cha mẹ và giáo viên trở nên rất quan trọng. Ngày nay, trong bối cảnh sự va chạm thậm chí là “đối đầu” giữa phụ huynh với giáo viên, nhà trường đang trở thành một vấn đề lớn của giáo dục trường học ở nước ta, những lời trên hiển nhiên bao hàm nhiều ý nghĩa cho cả hai bên.

Nhà văn hoá Hoàng Đạo Thúy cũng nhấn mạnh mục tiêu giáo dục toàn diện thì nhà giáo phải để tâm đến “Đức, Chí, Thể, Trí, Công”. Đặc biệt, trong khi tiến hành giáo dục toàn diện ông đặc biệt chú trọng tiêu chí “Chí”. Người ta đã quá coi trọng việc trẻ có thông minh hay không thông minh, có học giỏi hay không học giỏi mà quên mất phải rèn luyện cho trẻ có “chí”. Rất nhiều gia đình, nhà trường đã thất bại trong việc nuôi dạy trẻ thành người tử tế, rất nhiều cá nhân dù sinh ra khỏe mạnh, có tài năng nhưng trong suốt cuộc đời mình đã “sống mòn” thậm chí là gây hại cho quốc gia-xã hội, gia đình chỉ vì không có “Chí”. Ngày nay, trong xã hội hiện đại, các nhà giáo dục ít nói rèn “chí” cho thanh niên mà diễn đạt nó bằng các từ như “rèn luyện nghị lực”, “giáo dục năng lực vượt khó”, “giáo dục năng lực kiểm soát bản thân”…

Cuốn sách Nghề thầy cũng đưa ra nhiều phương pháp, kinh nghiệm giáo dục giàu tính thực tiễn. Giáo dục với người thầy cũng là công việc cụ thể, chi tiết, hàng ngày hàng giờ với những việc tưởng chừng như rất nhỏ nhặt như tắm cho trẻ, dọn vệ sinh trường lớp, giao thiệp với phụ huynh, quan chức ở địa phương, chấm bài, sửa bài, hướng dẫn học sinh làm thủ công… nhưng đó là những việc vô cùng quan trọng.

Sách của nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy cũng dành nhiều chương phân tích về sứ mệnh của người thầy và đưa ra những chỉ dẫn cụ thể những việc cần làm để hoàn thành sứ mệnh ấy. Ông viết: “Chúng ta mà muốn, thì chúng ta có thể đổi hẳn tương lai nòi giống. Chỉ mười năm, phải, mỗi người chỉ tận tụy mười năm, là một thế hệ thanh niên sẽ đổi khác. Huống hồ đời giáo dục của chúng ta ba mươi năm, hay hơn nữa. Đó không phải là mơ mộng. Sự thực ai cũng làm được, mà ai cũng phải làm mới được”.

Để hoàn thành sứ mệnh cao đẹp đó, theo nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy, người thầy phải có niềm tin, niềm tin đó sẽ được hình thành khi “người thầy đủ lòng yêu trẻ..."

Một em bé mới vào trường, khác nào một tờ giấy trắng, trên đó tổ tiên và nhất là cha mẹ đã viết vào một phần thượng tầng, khoảng nhì thì anh em bạn bè vẽ vào. Còn một phần nữa, ai viết vào đấy? Phần ông thầy đấy chăng? Ông viết vào là phải, nhưng hãy khoan, ông giúp cho trò tự viết vào là hơn, nét sẽ rành rọt, toàn cảnh sẽ tươi tỉnh hơn, mà tờ giấy rồi dùng được. Ông mà viết lấy thì trò đành phải chịu, nhưng rồi nó sẽ chỉ chực quên đi, rồi ra giả dối suốt đời.

Nên làm thế này:

Tìm xem đứa bé có những mầm gì, mầm xấu và mầm tốt. Mầm xấu thì làm bạc tước nó đi đã đành, nhưng cách ấy chưa tốt bằng bồi bổ mầm tốt, giúp cho trẻ nó bồi bổ lấy. Vì vẫn thế, giúp cho làm lấy hơn là làm hộ.

Ví dụ một cậu bé không may có thói hay nói dối. Nếu thầy bắt được nó nói dối, mà trước mặt mọi người nói sõng ra, thế là cậu bé thành danh nói dối. Cậu bé khốn nạn, chỉ chót dại có một lần, nay thành ra anh nói dối chính hiệu. Một hôm cố nói thật, tưởng người ta sẽ khen, chả hóa lại gặp ngay một nhát búa tai hại: “Bộ cái thằng ấy mà lại nói thật, tin làm sao được nó”. Thế thì còn gan nào mà nói thật nữa.

Nhưng, nếu thầy thấy người nói dối, thầy để tâm rình mò, không rình để bắt được nó nói dối, vì buộc lắm thì nó cũng sổ được ra, nhưng rình mãi, rình cho được một hôm nó nói thật để tóm ngay lấy, rồi bảo rằng: “Người ta cứ bảo con nói dối, con chả nói thật là gì?”. Thế có phải là nó hả hê, nó thích rằng đã có người biết cho nó. Rồi từ đấy nó sẽ nói thật mãi. Rồi thầy bồi bổ cái mầm thật thà non nớt ấy, có phải là cái mầm gian man bạc tước mãi đi không.

Tất cả các thói xấu đều có thể chữa như thế.

 Trích: Nghề thầy - Hoàng Đạo Thúy

Bài liên quan
Nghề giáo là nghề truyền sức mạnh cảm hứng
Nếu người kỹ sư vui mừng nhìn thấy cây cầu mà mình vừa mới xây xong, người nông dân mỉm cười nhìn đồng lúa mình vừa mới trồng, thì người giáo viên vui sướng khi nhìn thấy học sinh đang trưởng thành, lớn lên”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
3 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
20.11 đọc lại ‘Nghề thầy’ của nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy