Các nhân viên giao hàng của Hàn Quốc đã đình công vô thời hạn để yêu cầu chủ tuân theo thỏa thuận ngăn chặn tình trạng làm việc quá sức, trong bối cảnh bùng nổ mua sắm trực tuyến do đại dịch COVID-19 gây ra.

2.100 nhân viên giao hàng Hàn Quốc đình công vì làm việc quá sức giữa dịch COVID-19, từng có người tự tử

Hoàng Phương | 13/06/2021, 22:43

Các nhân viên giao hàng của Hàn Quốc đã đình công vô thời hạn để yêu cầu chủ tuân theo thỏa thuận ngăn chặn tình trạng làm việc quá sức, trong bối cảnh bùng nổ mua sắm trực tuyến do đại dịch COVID-19 gây ra.

Khoảng 2.100 thành viên của Công đoàn Đoàn kết Công nhân Chuyển phát Bưu kiện Hàn Quốc, trong tổng số 6.500 người, đã gác lại công việc để tham gia các cuộc biểu tình kể từ ngày 9.6. Động thái này diễn ra sau khi cuộc đàm phán của công đoàn với chính phủ và các công ty hậu cần lớn không thành công.

Một thỏa thuận đã đạt được vào tháng 1 sau khi các nhân viên giao hàng đình công để yêu cầu quyền lợi và sự bảo vệ tốt hơn vì có đến 16 người trong số họ chết vào năm ngoái, tất cả đều làm việc quá sức.

Các công ty bao gồm CJ Logistics, Lotte Global Logistics và Hanjin Transportation hứa sẽ thực hiện các biện pháp để giảm bớt gánh nặng cho các tài xế giao hàng đang kiệt sức, chẳng hạn như thuê thêm nhân công để phân loại bưu kiện hoặc sử dụng công nghệ để tự động hóa quy trình. Tuy nhiên các công ty trên đều không giữ lời.

Các đại diện của Công đoàn cho biết, các công ty hậu cần đã "thu được những khoản lời lớn trong nhiều thập kỷ" khi ép buộc các nhân viên giao hàng phải phân loại bưu kiện "miễn phí".


Họ cho rằng phân loại bưu kiện nên là một công việc riêng biệt vì hầu hết nhân viên chuyển phát được thuê theo hợp đồng và được trả tiền dựa trên số lượng bưu kiện được chuyển phát chứ không phải theo số giờ làm việc.

"Các công ty hậu cần phải chịu trách nhiệm và thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn tình trạng làm việc quá sức", một đại diện nói.

rk_southkorea-deliverymen_130621.jpg
Đông đảo các nhân viên giao hàng đã tập trung tại một trung tâm hậu cần ở Seoul vào ngày 9.6 khi các lời hứa cải thiện điều kiện làm việc bị làm lơ

Ngày 13.6, Công đoàn cho biết sẽ tiếp tục đình công ở Seoul trong tuần này, triển khai lên đến 6.500 thành viên và phương tiện của họ vào một số ngày.

Trong khi đó, gã khổng lồ thương mại điện tử Coupang, được biết đến rộng rãi với tên gọi Amazon của Hàn Quốc, cũng đang phải đối mặt áp lực ngày càng lớn của dư luận về việc đối xử tốt hơn với những nhân viên giao hàng được thuê trực tiếp của mình, sau khi một trong số họ trở thành người thứ 17 tử vong vào tháng 3.2021.

Theo số liệu của chính phủ Hàn Quốc, trong thời kỳ trước đại dịch, chỉ có từ 1 đến 4 nhân viên chuyển phát tử vong mỗi năm.

Tháng trước, Coupang đã công bố kế hoạch cho phép nhân viên giao hàng của mình nghỉ phép có lương một tháng khi họ cần nghỉ ngơi, như một phần trong nỗ lực "cải thiện điều kiện làm việc cho nhân viên trong ngành hậu cần Hàn Quốc".

Có khoảng 40.000 tài xế giao hàng đang làm việc tại Hàn Quốc. Từ lâu, họ đã phàn nàn về tình trạng làm việc quá sức và tình hình đã trở nên nghiêm trọng hơn vào năm ngoái sau khi nhu cầu về dịch vụ tăng vọt.


Tổng cộng 3,37 tỉ bưu kiện đã được chuyển đi vào năm ngoái, đánh dấu mức tăng 21% sau khi ngày càng có nhiều người chuyển sang mua sắm trực tuyến trong thời kỳ đại dịch COVID-19.

Thị trường giao hàng thực phẩm đã chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ đến 79%, đạt 17,4 nghìn tỉ won vào năm ngoái, do mọi người tránh ăn tại nhà hàng sau khi các ca lây nhiễm tăng đột biến.

Ngày nay, nhân viên giao hàng Hàn Quốc được cho làm việc từ 12 đến 14 tiếng một ngày - tăng đáng kể so với 10 tiếng trước thời kỳ đại dịch COVID-19. Họ có thể phải thực hiện tới 600 chuyến giao hàng mỗi ngày.

Trong số 16 người chết năm ngoái, một số người chết vì đau tim, còn những người khác bị xuất huyết não.

Một tài xế đã tự kết liễu đời mình vào tháng 10.2020, để lại lời nhắn: "Tôi đã quá mệt mỏi".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
2.100 nhân viên giao hàng Hàn Quốc đình công vì làm việc quá sức giữa dịch COVID-19, từng có người tự tử