Sáng nay 13.7, 13 tấn hàng hóa đầu tiên được phân phối tới hệ thống 34 điểm bán bình ổn lưu động trên toàn TP.HCM.
13 tấn hàng hóa đầu tiên bao gồm nhiều loại nông sản, thực phẩm tươi như rau, củ, quả đã được phân phối tới hệ thống 34 điểm bán bình ổn lưu động trên toàn TP.HCM sáng 13.7, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Các loại hàng hóa như: thực phẩm, rau củ quả và các nhu yếu phẩm sẽ được bán tại 34 điểm bưu cục Viettel Post, thuộc 18 quận huyện của TP.HCM. Các sản phẩm bán tại điểm bình ổn lưu động có mức giá thấp hơn hoặc bằng giá bán được quy định theo quy định chương trình do Sở Công Thương TP.HCM chỉ đạo.
Để giữ mức giá ổn định, điều đầu tiên là phải đảm bảo nguồn cung sản phẩm, giúp khách hàng bớt một mối lo khan hiếm hàng hóa hay mua phải thực phẩm chất lượng kém. Nhờ vậy, thị trường hàng hóa nói chung và các loại thực phẩm tươi như rau củ quả nói riêng sẽ không còn gặp tình trạng bị thổi giá như những ngày vừa qua.
Các đơn hàng dưới 5kg sẽ được ưu đãi vận chuyển đồng giá chỉ 15.000 đồng/đơn trong địa bàn TP.HCM. Nếu khách hàng đặt mua trước 11 giờ, đơn hàng sẽ được giao đến tận tay trước 16 giờ cùng ngày.
Hiện hàng hóa tại TP.HCM đã được cung ứng bình ổn và một số đơn vị dự trữ gấp 3 lần bình thường. Trong khi nhu cầu thực tế ngày thường của người dân chỉ khoảng 9.000-10.000 tấn thực phẩm/ngày, mức dự trữ hiện tại là hơn 120.000 tấn. Ngày 12.7, tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nguồn cung hàng hóa thiết yếu dồi dào, nhất là các mặt hàng lương thực thực phẩm tươi sống, giá cả ổn định.
Để nhanh chóng khôi phục chuỗi cung ứng thực phẩm quan trọng của TP.HCM qua các chợ truyền thống, TP.HCM đang nỗ lực mở cửa lại các chợ truyền thống đang bị đóng cửa phòng dịch. Ngày 11.7, TP.HCM đã thông qua phương án mở cửa chợ Thủ Đức làm Khu trung chuyển hàng hóa, không bao gồm hoạt động mua bán để sang xe, vận chuyển thực phẩm thu mua từ các địa phương (đặc biệt là rau củ quả) đến các chợ bán lẻ trên địa bàn.
Theo báo cáo của Sở Công Thương TP.HCM, tại hệ thống chợ, sức mua ngày 12.7 tương đối ổn định, người dân chuyển qua các kênh mua sắm trực tuyến, lượng khách đến chợ không nhiều. Và so với ngày thường (trước thời điểm dịch bệnh): Giảm khoảng 50% - 80%, trong đó, ngành hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm giảm 40 - 50%, ngành hàng khác ngưng kinh doanh theo hướng dẫn của Ủy ban nhân dân Thành phố.
Sở Công Thương phối hợp với các hệ thống phân phối hiện đại tổ chức các điểm bán lưu động để bổ sung nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn Thành phố. Tính đến ngày 12.7, các hệ thống phân phối (MM Mega, Bách Hóa Xanh, Masan…) và các doanh nghiệp trong Chương trình bình ổn thị trường (Công ty San Hà, Công ty Chân Thật…) đã tổ chức được 20 điểm bán hàng lưu động tại 7 quận, huyện.
Nhìn chung, sáng ngày 12.7, số lượng khách mua giảm nhẹ ở hầu khắp các hệ thống, lượng khách chờ mua hàng không nhiều. Lượng hàng hóa tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP vẫn được duy trì ổn định, hàng hóa dồi dào, đầy đủ, giá cả được niêm yết công khai, ổn định, áp dụng thống nhất trong các hệ thống; hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm tươi sống, rau củ quả vẫn là những mặt hàng được ưu tiên lựa chọn mua nhiều hơn so với các mặt hàng khác.
Các hệ thống phân phối tiếp tục khuyến khích người dân mua hàng online, lượng đơn hàng qua mạng và qua điện thoại tăng cao; nhiều cửa hàng bình ổn, siêu thị phải tăng cường thêm nhân viên soạn hàng (đi chợ giúp người dân), thời gian giao hàng đã khắc phục theo đúng cam kết của hệ thống trong vòng 24 giờ.