Kinh tế Việt Nam đã trải qua một năm đầy biến động do chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Một Thế Giới xin điểm lại 10 sự kiện kinh tế nổi bật của Việt Nam năm 2020.

10 sự kiện kinh tế nổi bật của Việt Nam năm 2020

Tuyết Nhung | 21/12/2020, 08:04

Kinh tế Việt Nam đã trải qua một năm đầy biến động do chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Một Thế Giới xin điểm lại 10 sự kiện kinh tế nổi bật của Việt Nam năm 2020.

1. Hiệp định EVFTA chính thức thực thi

Sau một thập kỷ nỗ lực không ngừng, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do (EVFTA). Hiệp định này chính thức có hiệu lực vào ngày 1.8.2020.

Ngay khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

2. Hàng không Việt Nam ngưng bay quốc tế

Để phòng chống dịch COVID-19 lây lan, từ ngày 25.3.2020, các hãng hàng không Việt Nam đã chính thức dừng bay quốc tế. Cục Hàng không Việt Nam đã đưa ra con số dự báo thiệt hại của các hãng hàng không khoảng 25.000 tỉ đồng.

Tính đến những ngày đầu tháng 4, khi lượng khách đi máy bay sụt giảm mạnh so với thời điểm trước khi có dịch COVID-19, con số thiệt hại dự báo của ngành hàng không đã tăng lên với khoảng 65.000 tỉ đồng. 

3. Tăng trưởng kinh tế thấp nhất 10 năm

Tổng cục Thống kê cho biết do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nên tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2/2020 ước tính tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước.

Đây được xem là mức tăng thấp nhất của quý 2 các năm trong giai đoạn 2011-2020 do quý 2/2020 chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19. Kinh tế 6 tháng đầu năm chỉ đạt mức tăng trưởng 1,81%, thấp nhất 10 năm qua.

4. Chỉ số CPI cao nhất 5 năm

Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,19% so với bình quân cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng cao nhất 5 năm, giai đoạn từ 2016 - 2020 với 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu có chỉ số giá tăng.

5. Giá thịt lợn tăng cao kỷ lục

Hồi giữa tháng 5 vừa qua, trong lúc cả nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 và cũng sau đợt giãn cách xã hội khoảng gần 1 tháng, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn của cả nước cũng tăng cao nhưng nguồn cung khan hiếm.

Giá thịt lợn hơi tăng phi mã lên mức 98.000 - 99.000 đồng/kg và kéo dài suốt mấy tháng liền. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử, vượt xa mức giá đỉnh điểm trước Tết năm 2019.

6. Xuất siêu cao kỷ lục

Tổng cục Hải quan cho biết tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 11 tháng đạt 489,88 tỉ USD, xuất khẩu đạt 254,97 tỉ USD, nhập khẩu 234,91 tỉ USD.

Trong tháng 11, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước thặng dư 546 triệu USD. Kết quả này đã góp phần đưa mức thặng dư thương mại hàng hóa của cả nước trong 11 tháng đạt mức kỷ lục 20,06 tỉ USD.

7. Tốc độ tăng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đạt kỷ lục 5 năm

So với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 11 và 11 tháng năm nay tiếp tục đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2020.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 11 ước tính đạt 54.500 tỉ đồng. Tính chung 11 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 406.800 tỉ đồng, bằng 79,3% kế hoạch năm và tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.

8. Tỉ lệ thất nghiệp cao nhất 10 năm

Dịch COVID-19 khiến tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam cao nhất trong 10 năm. Theo Tổng cục Thống kê, dịch COVID-19 khiến thu nhập của người lao động giảm 5,1%, lực lượng lao động giảm trên 2 triệu người so với quý 1/2020 và đây là mức giảm kỷ lục trong 10 năm qua.

9. Số lao động có việc làm giảm mạnh nhất 10 năm

Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý 2/2020 là 51,8 triệu người, giảm 2,4 triệu người so với quý trước và giảm gần 2,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm nhiều nhất trong vòng 10 năm qua.

Bên cạnh đó, có 30,8 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch COVID-19, trong đó 1,2 triệu lao động mất việc, tỉ lệ thất nghiệp trên cả nước vẫn tiếp tục gia tăng. Thu nhập bình quân tháng của lao động trong quý 2/2020 là 5,2 triệu đồng, giảm 5,1% so với quý 2/2019, là mức giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm qua.

10. Việt Nam tăng trưởng top đầu thế giới

Dù kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề trong 2020 do dịch bệnh COVID-19 nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 của Việt Nam vẫn được ước tính đạt khoảng 5,9%.

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) giai đoạn 2016-2019 đạt khá cao, ở mức bình quân 6,8%. Mức tăng trưởng này được Chính phủ đánh giá "thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực, thế giới".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
10 sự kiện kinh tế nổi bật của Việt Nam năm 2020