Hiểu về những phép lịch sự cơ bản trong văn hóa Nhật sẽ rất hữu ích, nhất là khi bạn lần đầu đến thăm đất nước này, và cũng là để tránh rơi vào cảnh khó xử.

10 phép lịch sự tối thiểu bạn phải biết khi đến Nhật

Zing | 08/09/2016, 09:05

Hiểu về những phép lịch sự cơ bản trong văn hóa Nhật sẽ rất hữu ích, nhất là khi bạn lần đầu đến thăm đất nước này, và cũng là để tránh rơi vào cảnh khó xử.

Để giày ở cửa ra vào: Đây là phép lịch sự tối thiểu, không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở nhiều nơi trên thế giới. Ngay khi vừa vào nhà một người Nhật, hãy thể hiện sự tinh tế của mình bằng cách cởi giày, đặt chúng lên kệ ở lối ra vào. Ngoài ra, mũi giày cũng phải được xếp hướng về phía cửa. Người Nhật luôn có dép riêng dùng để đi trong nhà, tương tự là khu vực phòng tắm, nhà vệ sinh. Đừng nhầm lẫn giữa 2 loại dép này!

Lưu ý trước khi ăn: Câu mời trên bàn ăn của người Nhật là “Itadakimasu”. Thỉnh thoảng, một chén cơm hoặc mì udon nhỏ sẽ được mang ra kèm với thức ăn mà bạn yêu cầu. Hãy bưng chén bát khi ăn cơm, đừng cúi người xuống bàn. Nếu thấy người phục vụ đặt lên bàn chiếc khăn nóng (Oshibori), hãy nhớ loại khăn này chỉ dùng để lau tay, tuyệt đối không lau mặt.

Ăn sushi đúng cách: Khi ăn Nigiri sushi, hãy nâng miếng cá tươi lên và chấm vào nước tương, cho wasabi vào phần cơm trước khi đặt lát cá về vị trí cũ. Để phần cá chạm vào lưỡi. Nếu có thể, hãy ăn sushi bằng tay mà không dùng đũa.

Tiền boa: Mọi dịch vụ tại Nhật Bản, từ đi taxi đến ăn uống tại nhà hàng, đều không chấp nhận tiền boa. Để lại tiền boa được xem như là một sự xúc phạm đối với người bản xứ. Nhiều chủ nhà hàng thậm chí đuổi theo khách một quãng đường dài, chỉ để trả phần tiền thừa mà họ bỏ lại sau khi thanh toán hóa đơn.

Bồn cầu hiện đại: Nếu từng tìm hiểu nhiều về Nhật Bản, bạn sẽ biết người Nhật có khu vực nhà vệ sinh rất thú vị. Hãy học cách sử dụng những chiếc bồn cầu có thể điều chỉnh nhiệt độ khi ngồi, phát ra âm thanh để che đậy những tiếng động… nhạy cảm. Đừng ngạc nhiên nếu bạn nghe tiếng chim hót, hoặc thấy có 2-3 cuộn giấy trong phòng vệ sinh để bạn cảm thấy thoải mái hơn khi sử dụng.

Uống rượu sake: Ly uống rượu sake tại các nhà hàng thường được đặt trong khay gỗ hình vuông (gọi là masu). Đừng bất ngờ khi người phục vụ rót sake tràn ly, khiến rượu đầy cả phần masu. Đây là 1 trong những văn hóa hết sức thú vị của người Nhật, nhằm thể hiện sự hiếu khách của họ. Bạn nên uống hết rượu trong ly, sau đó rót sake ở masu vào và tiếp tục uống cạn.

Húp nước mì: Húp sì sụp khi ăn thường được xem là thô lỗ, nhưng ở Nhật Bản thì không. Việc ăn các loại mì như soba, udon, ramen… và húp nước thành tiếng được xem là một cách khách hàng tán thưởng đầu bếp, chứng tỏ bạn rất thích món ăn của họ.

Nhận tiền thừa ở quầy thanh toán: Khi bạn trả tiền mặt ở cửa hàng tạp hóa hoặc nhà hàng, thu ngân sẽ đặt tiền thừa vào chiếc đĩa nhỏ. Trước đó, họ sẽ đếm phần tiền thừa này ngay trước mặt khách, hãy chú ý nhìn xem đã đủ chưa. Nếu không nhìn rõ, hãy đề nghị họ đếm lại mà đừng tự mình làm việc này. Đếm lại tiền thừa sau khi đã nhận là một hành vi thô lỗ.

Sau khi nhận tiền, nhân viên thu ngân sẽ nói một câu cảm ơn rất dài. Hãy kiên nhẫn đợi họ nói hết, nở nụ cười và cúi người theo góc 15 độ để chào tạm biệt. Nếu có thể, hãy thử nói từ “Arigatou” (Cảm ơn) như người bản xứ.

Khẩu trang y tế: Khách du lịch có thể sẽ nhìn thấy rất nhiều người bản xứ quanh mình đeo khẩu trang y tế. Họ có thể đang bị ho (hoặc cảm lạnh), và không muốn lây bệnh cho người khác. Vì giao thông công cộng là phương tiện đi lại chủ yếu ở Nhật, bạn cũng nên trang bị một hộp khẩu trang y tế nếu cảm thấy không khỏe, tránh tình trạng ho mà không có gì che chắn.

Thang cuốn: Mỗi thành phố ở Nhật đều có những quy định khác nhau về việc nên đứng ở phía nào khi đi thang cuốn, nhường đường cho những người đang vội. Nếu du lịch ở Osaka, bạn phải đứng về phía bên phải, còn ở Tokyo thì ngược lại.

Theo Đặng Minh Tiến/ Zing
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
10 phép lịch sự tối thiểu bạn phải biết khi đến Nhật