Muhammad Amin ul Haq tin rằng chiến tranh ở Afghanistan sẽ thay đổi chứ không kết thúc.
“Al Qaida đang suy yếu từng ngày" vì tổ chức này đã không thể tiếp tục hoạt động kể từ khi trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt khi quân đội Mỹ đột kích vào sào huyệt của hắn ở thành phố Abbottabad, Pakistan vào ngày 2.5.2011. Một phụ tá thân cận của Osama bin Laden khẳng định điều này nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của người sáng lập Al Qaida.
Theo trang web của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Muhammad Amin ul Haq từng là điều phối an ninh cho Osama bin Laden. Muhammad Amin ul Haq cho biết cái chết của trùm khủng bố là đòn nghiêm trọng với Al Qaida vì ông ta rất được các thủ lĩnh Al Qaida khác nể trọng, gồm cả những người trong nhóm phiến quân Mujahideen ở Afghanistan từng chiến đấu với lực lượng chiếm đóng của Liên Xô trong những năm 1980.
Al Qaida được thành lập bởi Osama bin Laden vào năm 1988 tại Afghanistan. Ông ta xuất thân từ một trong những gia đình giàu có và có mối quan hệ tốt nhất ở Ả Rập Xê Út với khối tài sản dựa trên xây dựng, nhưng lại tham gia cuộc thánh chiến chống Liên Xô sau khi quân đội nước này di chuyển vào lãnh thổ Afghanistan và giành kiểm soát thủ đô Kabul, mở đầu 10 năm can thiệp quân sự ở đây.
"Tất cả các lãnh đạo chủ chốt khác ở Al Qaida đều đến từ Ai Cập và họ không nổi tiếng. Họ không thể làm bất kỳ công việc quan trọng nào sau cái chết của Osama, không tìm thấy không gian cho mình ở Iraq hoặc Syria. Al Qaida đang suy yếu từng ngày", Muhammad Amin ul Haq hồi đáp trang Nikkei trong thư trả lời viết tay bằng tiếng Pashto được gửi từ một địa điểm bí mật.
Muhammad Amin ul Haq cho hay: “Những người có thiện cảm với hệ tư tưởng của Al Qaida lên đến hàng trăm ngàn trên khắp thế giới và sẽ không quá lời khi nói rằng có hàng trăm ngàn người ở Afghanistan. Nhưng Al Qaida đang yếu về nhân lực và khó đưa ra con số chính xác các thành viên".
Muhammad Amin ul Haq ngày nay là nhân vật nổi bật của Taliban làm việc trong ủy ban tù nhân của họ. Muhammad Amin ul Haq tổ chức thu thập thông tin chi tiết về các tù nhân Taliban trong các nhà tù Afghanistan. Ông cũng đang đàm phán với Mỹ ở Qatar bên lề thảo luận giữa Taliban và Mỹ để trả tự do cho hàng ngàn tù nhân Taliban.
Muhammad Amin ul Haq cho biết: “Nhiều thành viên Al Qaida đã nhập quốc tịch Afghanistan trong nhiệm kỳ của lãnh đạo Mujahideen - Burhanuddin Rabbani và giờ đây họ tự gọi mình là công dân Afghanistan”.
Burhanuddin Rabbani là Tổng thống Afghanistan từ năm 1992 đến 2001, sau đó chỉ cai quản một phần nhỏ của đất nước. Ông bị ám sát trong một vụ đánh bom liều chết năm 2011 ở Kabul khi đang giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Cấp cao do Tổng thống Hamid Karzai thành lập để đàm phán với Taliban.
Burhanuddin Rabbani được bổ nhiệm làm Tổng thống Afghanistan lâm thời vào năm 1992 theo một hiệp định được ký kết tại tỉnh Peshawar của Pakistan. Ông được xác nhận là Tổng thống Afghanistan vào năm 1993 sau khi các nhà lãnh đạo Mujahideen ký hiệp ước chia sẻ quyền lực ở Islamabad (thủ đô Pakistan). Ban đầu, Burhanuddin Rabbani nắm quyền kiểm soát hầu hết đất nước, nhưng khi Taliban đánh chiếm đảo Kabul vào năm 1996 khiến ông ta phải chạy trốn đến các vùng phía bắc Afghanistan và được Liên Hợp Quốc công nhận.
Muhammad Amin ul Haq từng đảm nhận một số vị trí chính thức ở tỉnh Nangarhar, miền đông Afghanistan, giáp với Pakistan, khi Taliban cai trị phần lớn Afghanistan từ thành phố Kandahar ở miền nam vào năm 1996 đến 2001.
Muhammad Amin ul Haq nói những gì còn lại của Al Qaida có lẽ sẽ phù hợp với chỉ thị của Taliban. Tuy nhiên, ông nói rằng Taliban có thể cho phép Al Qaida và các chiến binh nước ngoài khác tiếp tục hoạt động trên đất Afghanistan nếu Mỹ tiếp tục "vi phạm Thỏa thuận Doha (thủ đô Qatar) đã ký hồi tháng 2.2020 về việc rút toàn bộ quân đội nước ngoài khỏi Afghanistan”.
"Al Qaida giống như bất kỳ nhóm nào cũng xem xét kỹ tình hình. Nếu các nhà lãnh đạo nghĩ rằng giữ im lặng và giữ cái tôi thấp là tốt nhất, họ sẽ giữ im lặng. Nhưng nếu họ cho rằng một vai trò tích cực có lợi cho họ thì họ sẽ trở lại", Muhammad Amin ul Haq nói với Nikkei.
Tuyên bố chung giữa Afghanistan và Mỹ được ký năm ngoái tại Doha tuyên bố rằng Taliban "sẽ không cho phép bất kỳ thành viên nào, các cá nhân hoặc nhóm khác, bao gồm cả Al Qaida, sử dụng đất của Afghanistan để đe dọa an ninh với Mỹ và các đồng minh”.
"Taliban cũng sẽ đánh giá tình hình và nếu người Mỹ tôn trọng các cam kết trong Thỏa thuận Doha thì sẽ không cho phép các chiến binh nước ngoài hoạt động trong các khu vực do họ kiểm soát. Nhưng nếu tình hình khác đi thì Taliban buộc phải cung cấp không gian cho Al Qaida và các Mujahideen nước ngoài khác hoạt động vì mọi người đều tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính, nhân lực trong tình huống như vậy", Muhammad Amin ul Haq nói.
Khi được hỏi về những gì có khả năng xảy ra, Muhammad Amin ul Haq cho biết chưa bao giờ lạc quan về Thỏa thuận Doha và không nghĩ rằng nó sẽ kết thúc chiến tranh.
Ông nói: “Có khả năng bản chất của cuộc chiến sẽ thay đổi vì thỏa thuận giữa Taliban-Mỹ nhưng giao tranh sẽ không kết thúc. Tôi nghĩ rằng nó sẽ dẫn đến đổ máu nhiều hơn. Tôi không nghĩ người Mỹ sẽ rút khỏi Afghanistan hoàn toàn. Có thể quân đội chính quy sẽ được rút, nhưng Mỹ sẽ giữ các nhà thầu hoặc tăng cường lực lượng dân quân tư nhân để phục vụ lợi ích của mình trong thời gian dài".
Muhammad Amin ul Haq khẳng định đại dịch COVID-19 không ảnh hưởng đến cuộc chiến ở Afghanistan và giao tranh gần đây thực sự khốc liệt hơn những năm trước.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trong báo cáo vào tháng 7.2020 rằng chi nhánh khu vực của Al Qaida ở Afghanistan vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với Taliban.
"AQIS (Al Qaida ở Tiểu lục địa Ấn Độ) thường xuyên hỗ trợ và làm việc với các thành viên Taliban cấp thấp trong nỗ lực phá hoại Chính phủ Afghanistan và duy trì lợi ích lâu dài trong việc tấn công các lực lượng Mỹ cùng các mục tiêu phương Tây trong khu vực", Lầu Năm Góc đề cập trong bản đánh giá an ninh được biên soạn cho Quốc hội Mỹ.