Theo Thủ tướng, tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi. Đạt “zero COVID” sẽ là điều rất khó khăn vì những nước phát triển có tỷ lệ tiêm vắc xin đạt 90% dân số, điều đó cũng là không thể.

“Zero COVID” rất khó khăn vì những nước tiêm vắc xin 90% dân số cũng không thể

Lam Thanh | 23/09/2021, 18:18

Theo Thủ tướng, tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi. Đạt “zero COVID” sẽ là điều rất khó khăn vì những nước phát triển có tỷ lệ tiêm vắc xin đạt 90% dân số, điều đó cũng là không thể.

Ngày 23.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19.

Chống dịch trong điều kiện bị động

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, 7 ngày qua ghi nhận 73.253 trường hợp mắc mới, giảm 10,6% so với tuần trước đó. Trong đợt dịch thứ 4 đã có 484.000 người đã khỏi bệnh, chiếm 68% tổng số ca nhiễm.

Số tử vong trong tuần giảm 15,8 % so với tuần trước đó; riêng TP.HCM giảm 18,4%, Bình Dương giảm 3%, Đồng Nai giảm 6,4%, Long An giảm 10%. Nhóm tuổi 0-17 chiếm 0,4% số tử vong, nhóm tuổi 18-49 chiếm 13,8%; nhóm tuổi 50 -64 chiếm 35,4%; nhóm trên 65 tuổi chiếm 50,4%.

Đánh giá chung, Bộ Y tế nhận định trên phạm vi cả nước tình hình dịch vẫn đang được kiểm soát và có nhiều chuyển biến tích cực; trong 2 tuần gần đây, số ca mắc trong cộng đồng và tử vong liên tiếp giảm.

Ngoài ra, hai tỉnh An Giang, Kiên Giang vẫn tiếp tục ghi nhận các ổ dịch mới. Một số tỉnh nới lỏng giãn cách có hiện tượng tập trung đông người gia tăng mạnh do đó nguy cơ dịch có thể bùng phát trong những ngày tới, đòi hỏi cần tiếp tục tăng cường giám sát để xử lý kịp thời, với tinh thần không được chủ quan, lơ là.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trên phạm vi cả nước, về cơ bản tình hình dịch vẫn đang được kiểm soát và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình hình dịch tại TP.HCM vẫn diễn biến phức tạp.

thu-tuong.jpg
Thủ tướng chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19

Theo Thủ tướng, việc tổ chức thực hiện các biện pháp chống dịch vẫn là khâu yếu cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, khắc phục. Tốc độ xét nghiệm vẫn chậm hơn tốc độ lây lan ở một số địa phương. Công tác hỗ trợ an sinh xã hội cơ bản tốt nhưng có nơi vẫn chưa bao quát hết toàn bộ các đối tượng cần hỗ trợ.

“Có nơi, có lúc còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với diễn biến dịch bệnh, nhất là tại một số địa phương bắt đầu nới lỏng sau một thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Người dân còn chủ quan trong việc ra đường, tụ tập đông người, khiến dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào”, Thủ tướng nêu.

Thủ tướng nêu rõ “chúng ta chống dịch trong điều kiện bị động; hầu như toàn bộ trang thiết bị, máy móc, sinh phẩm, vắc xin và thuốc chữa bệnh đều phải nhập khẩu; nền kinh tế còn khó khăn; các biện pháp công nghệ cũng chưa bảo đảm; việc phân cấp, phân quyền còn không ít bất cập”.

Đạt “zero COVID” là không thể

Theo Thủ tướng, các biện pháp về cách ly, xét nghiệm, điều trị, vắc xin, an sinh xã hội về cơ bản phù hợp, vấn đề là phải tiếp tục điều chỉnh để lãnh đạo chỉ đạo tập trung, thống nhất, chuyên sâu, có tính hệ thống.

“Tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi, tổ chức thực hiện, lãnh đạo, chỉ đạo cũng phải thay đổi. Đạt “zero COVID” sẽ là một điều rất khó khăn vì ngay tại những nước phát triển có tỷ lệ tiêm vắc xin đạt 90% dân số, điều đó cũng là không thể. Chúng ta đang xây dựng hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng nhấn mạnh 6 nguyên tắc phải quán triệt để xây dựng hướng dẫn: (1) Y tế là trụ cột, là trung tâm; (2) Kinh tế là cơ sở, là nền tảng; (3) Dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; (4) Ổn định chính trị - xã hội là trọng yếu và thường xuyên; (5) Vắc xin, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; (6) An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.

Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế hoàn thiện và khẩn trương ban hành hướng dẫn tiêm vắc xin cho trẻ em; đồng thời thúc đẩy chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin, thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm y tế….

Thủ tướng cũng yêu cầu không để sót, lọt đối tượng, địa bàn cần hỗ trợ về an sinh xã hội. Cùng với việc phòng chống dịch và khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh phải đẩy mạnh phòng chống tiêu cực trong tổ chức thực hiện các biện pháp, giải pháp phòng chống dịch, nhất là mua sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc.

Đồng thời, theo Thủ tướng phải phòng chống việc xuyên tạc, đưa tin giả, tin xấu, thông tin võ đoán, gây nghi ngờ, mất đoàn kết, nhất là gây hoang mang, nhụt chí trong lực lượng tuyến đầu; nghiên cứu, đề xuất chính sách hậu phương cho những người tham gia tuyến đầu, nhất là những người đã hy sinh.

Rút kinh nghiệm từ những bài học xương máu

Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng dành nhiều thời gian phân tích một số đặc điểm của đợt bùng phát dịch lần thứ 4. Theo đó, đối tượng rủi ro nhất là những người trên 50 tuổi vì 85% số ca tử vong thuộc đối tượng này. Địa bàn rủi ro nhất là những thành phố lớn, các khu công nghiệp, những khu vực tập trung đông người.

thu-tuong-2.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp

Do đó, Thủ tướng lưu ý chính sách chung nhưng tổ chức thực hiện phải linh hoạt, phù hợp đặc thù từng nơi. Trong điều kiện khó khăn, nguồn lực có hạn thì không có cách nào khác phải tập trung có trọng tâm, trọng điểm.

Thủ tướng nhấn mạnh, nếu kiểm soát tốt dịch tại hai trung tâm lớn là Hà Nội, TP.HCM thì cũng sẽ kiểm soát nhanh dịch tại các địa phương khác. Ngược lại, nếu hai thành phố này bùng phát dịch thì các địa phương khác cũng có nguy cơ rất cao.

Thủ tướng lưu ý, vắc xin vẫn còn khan hiếm cả trên thế giới và trong nước nên cách sử dụng phải thông minh hơn nữa, bảo đảm các địa bàn, đối tượng được ưu tiên. Trong đó đặc biệt chú ý đối tượng trên 50 tuổi, các lực lượng tuyến đầu, công nhân trong các khu công nghiệp…

“Vắc xin cần tiếp cận công bằng nhưng có trọng tâm, trọng điểm, quan trọng là công khai, minh bạch, không để tiêu cực”, Thủ tướng nêu.

Thủ tướng nhắc lại những bài học kinh nghiệm như đợt dịch bùng phát hồi đầu năm, việc không thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch trong kỳ nghỉ lễ 30.4 và 1.5 đã tạo ra đợt dịch lần thứ 4. Do đó, khi độ bao phủ vắc xin chưa nhiều, phải kêu gọi nhân dân vào cuộc, chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch.

“Sự vào cuộc của nhân dân là rất quan trọng để thực hiện các biện pháp giãn cách, cách ly, không tập trung đông người. Chúng ta đã có những bài học xương máu. Vừa qua, ở một số địa phương, đêm Trung thu, người dân đổ ra đường quá đông, nguy cơ lây nhiễm cao. Thực hiện Chỉ thị 15 như thế là không đúng, cần rút kinh nghiệm vấn đề này. Chúng ta phải luôn nhắc nhở vì vẫn còn tình trạng chủ quan khi chưa có dịch bùng phát”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết, vừa qua lãnh đạo Hà Nam có báo cáo là tỉnh an toàn, song ông yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, phải xét nghiệm tầm soát ở những nơi có nguy cơ cao. Kết quả, Hà Nam phát hiện ngay các ca mắc mới trong cộng đồng.

“Muốn đánh địch thì phải tìm địch. Với vi rút, chúng ta không nhìn thấy, không nghe thấy, không sờ thấy, không ngửi thấy, khám lâm sàng cũng không khẳng định được. Vậy thì cách duy nhất để tìm ra là xét nghiệm, nhưng phải xét nghiệm thần tốc, xét nghiệm phải nhanh hơn tốc độ lây lan thì mới ngăn chặn được dịch”, Thủ tướng nêu rõ.

Bài liên quan
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Zero COVID” rất khó khăn vì những nước tiêm vắc xin 90% dân số cũng không thể