Khi đưa cậu con trai 6 tuổi ra sân bay để đáp chuyến bay từ thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) đến thành phố Los Angeles (Mỹ), Jenny Li không chắc liệu họ có thể lên máy bay không.

Zero-COVID của Trung Quốc gây lo lắng, trầm cảm, suy nghĩ tự tử gấp nhiều lần các chính sách COVID-19 khác

Sơn Vân | 28/06/2022, 09:03

Khi đưa cậu con trai 6 tuổi ra sân bay để đáp chuyến bay từ thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) đến thành phố Los Angeles (Mỹ), Jenny Li không chắc liệu họ có thể lên máy bay không.

Đó là đỉnh điểm của đợt bùng phát dịch Omicron vào tháng trước ở Bắc Kinh và kế hoạch du lịch của cô bị sa lầy vào những điều không chắc chắn.

Với việc Bắc Kinh bị phong tỏa một phần, phương tiện giao thông công cộng giữa nhà cô và sân bay đã bị đình chỉ. Các chuyến bay có thể bị hủy bất cứ lúc nào và có khả năng nhân viên kiểm soát biên giới sẽ ngăn họ rời đi, bất chấp xác nhận của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Trung Quốc rằng cô và con trai có thể đi du lịch.

Tôi đã rất bồn chồn. Nhiều quy tắc và thói quen đã được thay đổi dưới sự kiểm soát COVID-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc”, Jenny Li (46 tuổi), cư dân Bắc Kinh có con trai sinh ra ở Mỹ sắp bắt đầu đi học ở Mỹ.

Jenny Li đã chuẩn bị sẵn sàng cho những khó khăn, sau khi nghe những câu chuyện từ những người bạn gặp trở ngại hoặc không thể rời khỏi đất nước khi Trung Quốc khuyến khích người dân cắt giảm "những chuyến đi không cần thiết" trong đại dịch.

Thế nhưng, Jenny Li vẫn bị giật mình khi các quan chức kiểm soát biên giới chặn cô lại để điều tra kéo dài 1 giờ. “Tôi lập luận rằng chính sách của Trung Quốc không cấm mọi người xuất cảnh. Họ cho biết việc triển khai có thể linh hoạt vì lợi ích của việc kiểm soát COVID-19”, Jenny Li nói.

Sau một cuộc thảo luận kéo dài, các giấy tờ thông hành đã được xác nhận, nhưng họ vẫn miễn cưỡng để Jenny Li đi nên cô đã gọi đến đường dây nóng của Cục Di trú Quốc gia và cuối cùng được phép rời đi, 10 phút trước khi máy bay khởi hành.

Cảm giác như lên cơn đau tim. Tay tôi ướt đẫm mồ hôi và tôi run rẩy suốt chặng đường từ Bắc Kinh đến Hồng Kông, sân bay trung chuyển của chúng tôi. Một tháng sau, khi nhớ lại khoảnh khắc đó, sự tuyệt vọng và lo lắng vẫn khiến tôi cảm thấy nghẹn ngào”, Jenny Li kể.

Theo một báo cáo khoa học do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố vào tháng 3.2022, lo lắng và trầm cảm đã tăng lên 25% trên toàn cầu.

Một lý do chính cho sự gia tăng này là căng thẳng chưa từng có do sự cách ly xã hội. Liên quan đến điều này là những hạn chế với khả năng làm việc của người dân, tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người thân yêu và tham gia vào cộng đồng của họ, theo WHO.

Cô đơn, sợ lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2, đau khổ và sợ cái chết cho bản thân cùng những người thân yêu, đau buồn sau khi người thân quen qua đời và lo lắng về tài chính… Đó là những yếu tố gây căng thẳng dẫn đến lo lắng và trầm cảm.

Báo cáo của WHO cho biết với các nhân viên y tế, kiệt sức là nguyên nhân chính dẫn đến suy nghĩ tự tử.

Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết tại cuộc họp báo: “Thông tin chúng tôi có được về tác động của COVID-19 với sức khỏe tâm thần của thế giới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Đây là một lời cảnh tỉnh với tất cả các quốc gia hãy quan tâm hơn đến sức khỏe tâm thần và làm tốt hơn nữa việc hỗ trợ sức khỏe tâm thần của người dân của họ”.

Ở Trung Quốc, nơi các biện pháp ngăn chặn COVID-19 thường là hà khắc và thường xuyên nhất - từ nhà đến trường học và cơ sở kinh doanh cũng như sự khó lường của các hạn chế - con số có thể cao hơn nhiều.

Một cuộc khảo sát quốc gia về tác động tâm lý của đại dịch, được thực hiện vào năm 2020, cho thấy 35% trong số hơn 52.000 người được hỏi đã trải qua nỗi đau khổ, bao gồm cả lo lắng và trầm cảm.

Trong một bài báo được xuất bản bởi trang General Psychiatry vào tháng 2.2020, các nhà nghiên cứu Trung Quốc, dẫn đầu bởi Qiu Jianyin từ Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Thượng Hải, cho biết các biện pháp cách ly chưa từng có ở nước này đã gây ra một số vấn đề tâm lý, bao gồm rối loạn hoảng sợ, lo âu và trầm cảm. Trong đó người trẻ, người già, phụ nữ và lao động nhập cư được xác định là những nhóm dễ bị tổn thương nhất.

Trong khi sự hoảng sợ ban đầu bắt nguồn từ chính vi rút SARS-CoV-2 và sự kỳ thị khi bị lây nhiễm ở những đợt đại dịch đầu tiên sau khi nó xuất hiện ở thành phố Vũ Hán cuối năm 2019, các chuyên gia cho rằng những nguồn lo lắng mới nhất liên quan đến hậu quả của chính sách Zero-COVID do Trung Quốc quản lý.

Yu Lingna, nhà tâm lý học người Trung Quốc và là người sáng lập Yingxintang (dịch vụ tư vấn tâm lý cho những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch, có trụ sở tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản), cho biết: “Họ lo lắng hoặc thậm chí tức giận. Khi nào tất cả chuyện này kết thúc? Đó là tiếng phàn nàn thường xuyên được nghe thấy”.

Trong đợt dịch mới nhất của năm nay, nhiều người Trung Quốc, đặc biệt là những người trẻ tuổi và những người không mắc bệnh nền, đã ít lo lắng về vi rút SARS-CoV-2. Tuy nhiên, sự lo lắng và hoảng sợ vẫn còn phổ biến. Họ lo lắng về tình trạng thiếu thốn nhu yếu phẩm, điều kiện sống trong các bệnh viện cách ly tạm bợ, trẻ em bị cách ly một mình, vật nuôi bị bỏ lại sau khi chủ nhân đưa đến địa điểm cách ly, cũng như áp lực tài chính do thu nhập giảm”, bà Yu Lingna nói.

zero-covid-cua-trung-quoc-gay-lo-lang-tram-cam.jpg
Chi phí con người của chính sách Zero-COVID được đo bằng căng thẳng, lo lắng

Theo Data-Humanism, tài khoản WeChat chuyên về nghiên cứu, một cuộc khảo sát với hơn 1.000 cư dân Thượng Hải vào giữa tháng 4 cho thấy 40% người được hỏi đang trên bờ vực trầm cảm sau khi thành phố phong tỏa khoảng hai tuần.

Việc phong tỏa ở Thượng Hải kéo dài 2 tháng - lâu nhất so với bất kỳ thành phố lớn nào ở Trung Quốc - cuối cùng cũng kết thúc vào tháng 6 và khiến hàng triệu cư dân ở đây mất thu nhập, căng thẳng và tuyệt vọng, trong đó nhiều người phải vật lộn để tiếp cận thực phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe khẩn cấp.

Một số người đã chết khi chờ kết quả xét nghiệm axit nucleic mà họ cần trước khi được điều trị y tế vì những căn bệnh không liên quan đến COVID-19. Những đứa trẻ mắc COVID-19 đã bị tách khỏi cha mẹ của chúng trong bệnh viện và đã có sự phản đối kịch liệt từ công chúng khi các nhân viên kiểm dịch tự ý vào nhà phun thuốc khử trùng.

Các thảm kịch đã chồng chất lên nhau trước khi chính quyền địa phương tuyên bố sẽ sửa chữa một số hoạt động bị chỉ trích rộng rãi nhất, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông và các bài đăng trên mạng xã hội.

Yu Lingna cho biết nhiều người dân Thượng Hải đã cảm thấy mệt mỏi sau 2 tháng bị phong tỏa, chán nản với các biện pháp và chính sách giãn cách xã hội nên tránh đọc tin tức về SARS-CoV-2.

Yu Lingna nói khá nhiều người mà bà đã tư vấn cũng đang ngày càng lo lắng về triển vọng kinh tế và tình trạng tài chính của họ. “Đại dịch đã thay đổi cuộc sống và công việc của nhiều người, để lại một sang chấn tâm lý tập thể”, bà cho hay.

Các quy tắc Zero-COVID của rung Quốc đang gây ra áp lực rất lớn cho nền kinh tế, gây nhiều thất vọng cho các công ty tư nhân và cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, với việc phong tỏa buộc hàng trăm triệu người tiêu dùng phải ở nhà và tấn công chuỗi cung ứng vào mùa xuân. Các chính quyền địa phương đã chậm chạp trong việc dỡ bỏ các biện pháp ngăn chặn COVID-19.

Zhou Na (36 tuổi) cho biết đã rất lo lắng về việc mất việc làm nhân viên phục vụ tại một nhà hàng ở Bắc Kinh và gần đây cô thấy ngủ ngon là một vấn đề lớn.

Bắc Kinh đã cấm ăn tối trong các nhà hàng vào ngày 1.5 để ngăn chặn sự bùng phát dịch, chỉ cho phép những món ăn mang đi. Lệnh cấm đã được dỡ bỏ ở hầu hết các khu vực của thủ đô Trung Quốc vào ngày 7.6.

Người tiêu dùng đang quay trở lại, nhưng số lượng ít hơn trước. Chủ nhân của tôi đã thông báo về kế hoạch sa thải nhân viên khi ông ấy nói rằng công việc kinh doanh đang thua lỗ”, Zhou Na nói.

Trước khi có thể vào bệnh viện công để hỏi về thuốc ngủ, Zhou Na được yêu cầu làm xét nghiệm PCR và hoàn thành bảng câu hỏi để kiểm tra sự lo lắng của bệnh nhân về COVID-19 cùng tình trạng tinh thần. Các câu hỏi như liệu họ có cảm thấy “khó bình tĩnh”, “khó thở” và “cảm thấy cuộc sống thật vô nghĩa”…

Một bài xã luận trên Tạp chí The Lancet ngày 11.6 đã nêu bật chi phí nhân lực của chiến lược dynamic Zero-COVID của Trung Quốc. Nó cho biết: “Chi phí này sẽ tiếp tục được trả trong tương lai, với cái bóng của bệnh tâm thần ảnh hưởng xấu đến văn hóa và nền kinh tế của Trung Quốc trong nhiều năm tới. Chính phủ Trung Quốc phải hành động ngay lập tức nếu muốn chữa lành vết thương mà các chính sách của họ đã gây ra cho người dân Trung Quốc”.

Các dịch vụ điều trị tâm thần và sức khỏe tâm thần ở Trung Quốc theo truyền thống bị gạt ra ngoài lề với nguồn lực hạn chế. Mặc dù đã đạt được một số tiến bộ trong những năm gần đây, nguồn lực và lực lượng điều trị sức khỏe tâm thần ở Trung Quốc vẫn còn thiếu.

Theo dữ liệu từ Mental Health Atlas của WHO năm 2017, tổng số nhân viên chăm sóc sức khỏe tâm thần của Trung Quốc chỉ là 8,90 trên 100.000 dân, so với 20,6 ở các nước có thu nhập trung bình cao.

Mental Health Atlas là tập hợp dữ liệu được cung cấp bởi các quốc gia trên thế giới về sức khỏe tâm thần.

Bài liên quan
Thượng Hải cảnh giác dù 4 ngày liền đạt Zero COVID, Phó thủ tướng Trung Quốc xoa dịu các hãng công nghệ
Các cơ quan y tế ở Thượng Hải phải đối mặt với áp lực rất lớn trong việc ngăn chặn COVID-19 thời gian dài hơn nữa khi không ghi nhận ca bệnh trong cộng đồng 4 ngày liền.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Zero-COVID của Trung Quốc gây lo lắng, trầm cảm, suy nghĩ tự tử gấp nhiều lần các chính sách COVID-19 khác