Khi nhiều người đang bàn tán về Bing và Google Bard, công ty khởi nghiệp You.com cung cấp khả năng tìm kiếm tương tự kết hợp AI kể từ năm 2022 nhưng vẫn bị phớt lờ. Tuy nhiên, chatbot AI YouChat của công ty có thể sớm phát triển thành kẻ thù có thể đe dọa sự thống trị AI của Microsoft và Google trong tương lai.
Gần đây, nhiều tiêu đề tin tức tập trung vào Microsoft và Google. Việc Microsoft tiết lộ Bing phiên bản mới có ChatGPT hỗ trợ đã thu hút sự chú ý của rất nhiều người gần đây. Trong khi đó, Google đang cố gắng chạy đua với Microsoft bằng cách giới thiệu Bard. Thật không may, lỗi của công cụ AI đã khiến cổ phiếu của Alphabet (công ty mẹ của Google) giảm hơn 10%, làm bốc hơi hơn 100 tỉ USD giá trị thị trường. Điều này cũng đã làm tăng tin tức gần đây liên quan đến hai gã khổng lồ công nghệ. Thật vậy, mọi động thái của Microsoft và Google đều tạo ra tin tức, đặc biệt là khi nói đến những đột phá AI mới của họ. Tuy nhiên, những sáng tạo AI thú vị tương tự đã có trên You.com từ tháng 12.2022, ngay cả trước khi những tin đồn đầu tiên về những nỗ lực AI của Microsoft dành cho Bing lan rộng.
YouChat
You.com là công cụ tìm kiếm mới ra mắt vào năm 2020. AI đã là một phần của You.com kể từ khi phát hành để cho phép xử lý các truy vấn ngôn ngữ tự nhiên hoặc đàm thoại. Vào ngày 23.12.2022, công ty đã cung cấp YouChat, chatbot hoạt động giống như ChatGPT và phản hồi gần như ngay lập tức. YouChat có thể đưa ra câu trả lời theo cách đàm thoại và trích dẫn các liên kết và thậm chí dịch, đề xuất ý tưởng, tóm tắt văn bản, soạn email và viết mã.
Tính năng tìm kiếm đa phương thức của You.com
Gần đây, You.com thậm chí còn giới thiệu tính năng tìm kiếm trò chuyện đa phương thức, cho phép người dùng cung cấp đầu vào bằng văn bản cùng giọng nói và nhận phản hồi ngoài văn bản đàm thoại. Điều này bao gồm biểu đồ, hình ảnh, số... cho phép giải thích và hiểu rõ hơn về các truy vấn tìm kiếm của người dùng.
Công cụ tìm kiếm You.com và YouChat vẫn chưa được nhiều người biết đến, nhưng có vẻ như nó đang thực hiện các bước bổ sung để tạo ra nhiều sự tiếp xúc hơn với công chúng gần đây. Ngoài việc ra mắt tính năng đa phương thức, sự hiện diện của công ty đang được chú ý nhiều hơn trên các nền tảng khác như Reddit và các diễn đàn gần đây. Bố cục và kết quả bổ sung miễn phí cũng là những đặc điểm hấp dẫn của You.com ngay bây giờ. Đây là điều khác biệt so với trải nghiệm hiện tại của mọi người trên Bing và Google.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với trangTech Crunch , người sáng lập công ty, Richard Socher, nói rõ rằng một trong những điểm nổi bật chính của You.com: Đối nghịch Google và không có quảng cáo không cần thiết.
"Google là công cụ tìm kiếm độc quyền, khổng lồ, mã đóng sử dụng trí tuệ nhân tạo như một công cụ chống lại người dùng để phục vụ mục đích thật sự của nó: Quảng cáo. Chúng tôi đang xây dựng You.com như một nền tảng tìm kiếm mở và nhấn mạnh việc phục vụ trực tiếp nhu cầu của người dùng với các ứng dụng thay vì làm phiền họ bằng quảng cáo", Richard Socher nói với Tech Crunch.
Trong khi công ty có kế hoạch kiếm tiền từ nền tảng, Richard Socher nói rằng con đường đi của You.com sẽ cách xa Google, Bing và quảng cáo sẽ phù hợp với nhu cầu của người dùng.
“Chúng tôi không cần phải kiếm được 500 triệu USD mỗi ngày. Chúng tôi không có áp lực đó ngay bây giờ khi là một công ty khởi nghiệp. Thế nhưng, chúng tôi sẽ nghĩ về việc kiếm tiền trong năm nay và cố gắng khám phá những con đường khác nhau”, ông cho biết.
Theo trang Tech Crunch, You.com và YouChat có tiềm năng rất lớn trong cuộc chiến AI này. Với rất ít quảng cáo và một chatbot hiệu quả, nó là một giải pháp thay thế hoàn hảo cho ChatGPT trong Bing và Bard khi cả hai vẫn chưa có sẵn cho nhiều người trên toàn cầu. Tất cả những gì nó cần bây giờ là phổ dụng và được công nhận. Tuy nhiên, đó có phải là điều dễ đạt được với You.com trong thời đại đang bị thống trị bởi các công ty công cụ tìm kiếm lớn hơn và lâu đời hơn không?
Được phát triển bởi công ty khởi nghiệp OpenAI (Mỹ) và Microsoft hậu thuẫn, ChatGPT đã trở nên phổ biến kể từ khi phát hành vào cuối tháng 11.2022. Ước tính ChatGPT đã đạt 100 triệu người dùng hoạt động hàng tháng vào tháng 1.2023, chỉ 60 ngày sau khi ra mắt. Qua đó, chatbot của OpenAI trở thành ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử, theo một nghiên cứu của UBS (ngân hàng đầu tư đa quốc gia và công ty dịch vụ tài chính của Thụy Sĩ).
Trích dẫn dữ liệu từ công ty phân tích Similarweb, UBS cho biết trung bình có khoảng 13 triệu khách truy cập đã sử dụng ChatGPT mỗi ngày trong tháng 1, nhiều hơn gấp đôi so với mức của tháng 12.2022.
Theo dữ liệu từ công ty Sensor Tower, TikTok đã mất khoảng 9 tháng sau khi ra mắt toàn cầu để đạt được 100 triệu người dùng và Instagram mất đến 2,5 năm.
ChatGPT có thể tạo các bài báo, tiểu luận, truyện cười, thơ và thậm chí cả mã để đáp lại yêu cầu từ người dùng.
Ngày 8.2, Google cho biết sẽ cải tiến kết quả tìm kiếm với các tính năng generative AI, trong động thái mới nhất chuẩn bị cho cuộc chiến với Bing của Microsoft.
Generative AI là hệ thống trí tuệ nhân tạo tạo ra các nội dung mới như văn bản, hình ảnh, âm thanh dựa trên những mẫu đã học được từ dữ liệu sẵn có… Sức mạnh của generative AI thể hiện trước công chúng vào năm ngoái với ChatGPT.
Microsoft đang hy vọng các tính năng mới với ChatGPT có thể hồi sinh Bing và đánh bại sự thống trị của Google trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến, vốn thúc đẩy hoạt động kinh doanh quảng cáo béo bở kiếm được doanh thu 100 tỉ USD vào năm ngoái.
Microsoft cho biết Bing phiên bản mới sẽ thay đổi cách mọi người tìm kiếm thông tin trên internet. Công cụ tìm kiếm do AI hỗ trợ sẽ có thể đưa ra câu trả lời rõ ràng bằng ngôn ngữ đơn giản, tổng hợp những gì Bing tìm thấy trên web và trong kho dữ liệu của chính nó, thay vì chỉ đưa ra các liên kết đến các trang web. Hơn nữa, Microsoft quyết định cập nhật trình duyệt Edge với AI để tăng cường cạnh tranh với Google Chrome.
Trong khi Google cho biết việc thêm generative AI vào kết quả tìm kiếm sẽ tạo ra các phản hồi bằng văn bản hoặc hình ảnh cho các yêu cầu và cho phép người dùng tương tác với thông tin theo những cách hoàn toàn mới.
"Khi chúng tôi tiếp tục đưa các công nghệ generative AI vào các sản phẩm của mình, giới hạn duy nhất với tìm kiếm sẽ là trí tưởng tượng của bạn", Prabhakar Raghavan, Phó chủ tịch cấp cao của Google, cho biết tại một sự kiện ở Paris (thủ đô Pháp).
Theo Reuters, các nhà phân tích cho biết Google hy vọng nó có thể ngăn người dùng chuyển sang đối thủ Bing.
Hôm 6.2, Google đã tiết lộ dịch vụ Bard, nhưng việc ra mắt chatbot này gặp phải trục trặc khi quảng cáo trực tuyến của chính công ty cho thấy nó đưa ra câu trả lời không chính xác, khiến các nhà đầu tư lo lắng, dẫn đến việc bán tháo cổ phiếu của Alphabet. Hậu quả là công ty mẹ của Google mất hơn 100 tỉ USD giá trị thị trường hôm 8.2 vì cổ phiếu giảm 10%.
Việc bán tháo cổ phiếu Alphabet tiếp tục diễn ra hôm 9.2 với mức giảm tới 5,1%, hướng tới mức giảm hai ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 3.2020. Việc này làm bốc hơi khoảng 170 tỉ USD giá trị thị trường của Alphabet.
Trong một tweet quảng cáo Bard, Google đã chia sẻ một ảnh động mà chatbot này đang hoạt động. Bard đang trả lời các câu hỏi của người dùng, bao gồm cả câu hỏi về kính viễn vọng James Web Space Telescope.
Thế nhưng, một trong những câu trả lời của Bard không chính xác. Cụ thể hơn, Bard tuyên bố rằng James Web Space Telescope là kính viễn vọng đầu tiên tìm thấy một hành tinh ngoài hệ Mặt trời. Sự thật thì đây là một thành tựu thuộc về ESO (Đài thiên văn phía nam của châu Âu), nơi phát hiện ra hành tinh đó cách nay gần 20 năm bằng kính viễn vọng VLT của mình.
Nhà vật lý thiên văn Grant Tremblay (Mỹ) là người chỉ ra lỗi kiến thức thiên văn của Bard. Theo Grant Tremblay, dù gây ấn tượng nhưng các chatbot AI "thường đưa ra câu trả lời sai một cách rất tự tin".
Đây được xem là một ví dụ điển hình về những sai sót có thể xảy ra với các chatbot dựa trên AI. Cụ thể, chúng có thể đưa ra các thông tin không chính xác nhưng giống như có căn cứ, dẫn đến việc nhiều người sẽ hiểu sai thông tin.
Ngay sau khi lỗi trên được phát hiện, Google nhanh chóng đưa ra tuyên bố về sai sót, cho biết sẽ sử dụng phản hồi từ chương trình thử nghiệm mới kết hợp với các thông tin khác để đảm bảo "câu trả lời của Bard đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng, an toàn và dựa vào căn cứ thông tin trong thế giới thực". Bất chấp điều đó, Alphabet phải trả giá đắt khi cổ phiếu giảm mạnh 10% không lâu sau.
ChatGPT và Bard có thể trả lời những câu hỏi mà người dùng đưa ra bằng ngôn ngữ tự nhiên, khiến nhiều người nghĩ rằng chúng như bách khoa toàn thư. Song các chatbot này về cơ bản thu thập thông tin và tập hợp lại thành phản hồi, với kết quả đúng hoặc sai tùy thuộc vào nội dung thu được. Đó có thể là một trong những lý do khiến Bard gặp lỗi ngay khi được Google giới thiệu.