Quyết định của Tổng thống Joe Biden cho phép các đồng minh huấn luyện lực lượng Ukraine cách vận hành máy bay chiến đấu F-16 đang đặt ra nhiều tranh cãi.

Xung quanh việc Mỹ quyết định chuyển giao máy bay F-16 cho Ukraine

Hoàng Vũ (theo AP) | 23/05/2023, 14:53

Quyết định của Tổng thống Joe Biden cho phép các đồng minh huấn luyện lực lượng Ukraine cách vận hành máy bay chiến đấu F-16 đang đặt ra nhiều tranh cãi.

Theo AP, trong hội nghị thượng đỉnh G7 vào tuần trước tại Hiroshima (Nhật Bản), ông Biden đã tuyên bố Mỹ sẽ tham gia liên minh F-16. Quyết định này được đưa ra sau khi Tổng thống Volodymyr Zelensky dành nhiều tháng để thúc ép phương Tây cung cấp cho lực lượng Ukraine máy bay tiêm kích do Mỹ sản xuất.

Các nhà quan sát lo ngại động thái này có thể làm leo thang căng thẳng với Nga. Giới chức Mỹ ban đầu lập luận rằng việc huấn luyện và hỗ trợ hậu cần cho F-16 tiên tiến sẽ rất khó khăn và tốn nhiều thời gian.

AP dẫn nguồn thạo tin cho biết, sau 3 tháng thảo luận, các quan chức chính quyền Biden đã nhận thấy sự cần thiết trong việc cung cấp cho các phi công Ukraine chương trình đào tạo và máy bay.

f-16-my-3.png
Hai chiếc tiêm kích F-16 của quân đội Mỹ - Ảnh: AP

Theo một quan chức Lầu Năm Góc (giấu tên), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin là người khuyến nghị ông Biden "bật đèn xanh" việc các đồng minh huấn luyện phi công Ukraine và chuyển giao máy bay F-16.

Ngoại trưởng Antony Blinken cũng là người ủng hộ mạnh mẽ việc thúc đẩy kế hoạch và đã truyền đạt tới ông Biden sự cấp bách về vấn đề này.

“Quan chức chính phủ, Lầu Năm Góc và Hội đồng An ninh quốc gia hiện đang phát triển kế hoạch huấn luyện và cách cung cấp F-16 cho Ukraine như một phần của nỗ lực an ninh dài hạn”, quan chức này cho AP hay và nói thêm rằng chính quyền Biden vẫn đang xem xét liệu họ có trực tiếp cung cấp F-16 cho Ukraine hay không.

Về phần mình, người phát ngôn lực lượng không quân Ukraine Yury Ihnat cho biết F-16 có thể là "vũ khí thay đổi cuộc chơi". "Khi được trang bị máy bay F-16, Ukraine sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến này", ông Ihnat nói.

Theo quan chức Ukraine, hệ thống phòng không mà phương Tây viện trợ cho Kyiv đến nay vẫn chưa đủ để bảo vệ toàn bộ lãnh thổ khỏi các cuộc tấn công từ Nga. Do đó, F-16 có thể giúp lấp đầy lỗ hổng phòng không của Ukraine.

Tuy nhiên, quan chức chính sách hàng đầu của Lầu Năm Góc, Colin Kahl nói với quốc hội Mỹ hồi tháng 3 rằng ngay cả khi ông Biden phê duyệt F-16 cho Kyiv, có thể mất tới 2 năm để các phi công Ukraine được đào tạo đầy đủ.

Trong khi đó, phát biểu hôm 22.5, Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall cho rằng tiêm kích F-16 "sẽ mang đến cho người Ukraine một sự gia tăng năng lực bây giờ", nhưng "sẽ không phải là một yếu tố thay đổi cuộc chơi".

Quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc lập luận rằng việc cung cấp F-16 sẽ không làm thay đổi cục diện cuộc chiến vì các hệ thống phòng không hiệu quả sẽ ngăn chúng đóng vai trò chính trong việc quyết định kết quả.

Nga phản ứng ra sao?

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov hôm 21.5 cho biết việc chuyển giao máy bay tiêm kích F-16 cho Ukraine sẽ đặt ra câu hỏi về vai trò của NATO trong cuộc xung đột, song điều đó sẽ không làm suy yếu mục tiêu quân sự của Nga.

“Ukraine không có đủ cơ sở hạ tầng cũng như nhân lực cần thiết để vận hành F-16. Điều gì sẽ xảy ra nếu tiêm kích Mỹ cất cánh từ các sân bay của NATO?”, ông Antonov viết trên Telegram.

Hãng thông tấn Nga TASS hôm 20.5 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cảnh báo các nước phương Tây về những "rủi ro to lớn" nếu Ukraine được cung cấp tiêm kích F-16.

Giới phân tích quân sự Nga cũng nhận định rằng việc chuyển giao F-16 cho Ukraine có thể mang lại rủi ro lớn cho Mỹ khi loại máy bay này sẽ phải đối mặt với các đối thủ đáng gờm của Nga như Su-35, MiG-31 và Su-57 cũng như hỏa lực từ hệ thống phòng không của Moscow.

Bài liên quan
Toan tính của Mỹ khi điều ‘pháo đài bay’ B-52 gần biên giới Nga
Việc Mỹ triển khai máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress gần biên giới Nga đã gây chú ý đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa NATO và Moscow.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xung quanh việc Mỹ quyết định chuyển giao máy bay F-16 cho Ukraine