Góp ý cho Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, VCCI cho rằng các biện pháp quản lý của nhà nước chỉ nên nhằm vào mục đích dự trữ lúa gạo để bảo đảm an ninh lương thực và liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các vấn đề khác nên để thị trường tự quyết định sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

Xuất khẩu gạo: Thủ tục quá phức tạp, quá nhiều giấy phép con

Trí Lâm | 12/07/2017, 16:24

Góp ý cho Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, VCCI cho rằng các biện pháp quản lý của nhà nước chỉ nên nhằm vào mục đích dự trữ lúa gạo để bảo đảm an ninh lương thực và liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các vấn đề khác nên để thị trường tự quyết định sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

Cần bỏ quy định cơ sở xay xát, vùng nguyên liệu

Góp ý về điều kiện kho và cơ sở xay xát thóc, gạo, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng việc yêu cầu thương nhân xuất khẩu gạo phải "có kho chuyên dùng để chứa thóc gạo là phù hợp. Tuy nhiên cần được thiết kế lại để tiết giảm chi phí tuân thủ một cách tối đa mà vẫn bảo đảm mục tiêu chính sách (an ninh lương thực).

“Quy định phải có cơ sở xay xát thóc gạo không thực sự liên quan đến điều hành an ninh lương thực. Nếu mất an ninh lương thực, việc huy động các máy xay xát hiện có để phục vụ xay xát thóc gạo khá đơn giản. Do đó. đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này”, VCCI nêu.

Theo VCCI, dự thảo hiện sử dụng cùm từ "có kho chuyên dùng". Từ "có" ở đây có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau như: Có quyền sở hữu chủ duy nhất; có quyền đồng sở hữu chủ; có quyền sử dụng… Trong khi, mục tiêu quan trọng nhất của chính sách là cơ quan nhà nước nắm được thông tin về năng lực kho chứa của doanh nghiệp và kho đó được sử dụng để dự trữ thóc gạo. Mấu chốt của vấn đề nằm ở quyền sử dụng kho của doanh nghiệp.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng chỉ yêu cầu doanh nghiệp có quyền sử dụng kho chứa chuyên dùng, và quyền này được thể hiện qua hình thức sở hữu hoặc hợp đồng thuê, mượn kho.

Tổ chức này cũng cho biết, việc yêu cầu vùng nguyên liệu hoặc liên kết sản xuất chỉ mang tính ưu đãi, hỗ trợ chứ không nên coi là điều kiện bắt buộc để trao quyền hoặc hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp,khiến cho nhiều doanh nghiệp không thể xuất khẩu.Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ điều kiện vùng nguyên liệu hoặc liên kết sản xuất tại Điều 4 của Dự thảo.

Các biện pháp ưu đãi có thể áp dụng như doanh nghiệp có vùng nguyên liệu hoặc liên kết sản xuất sẽ được áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thấp hơn các doanh nghiệp khác; được ưu tiên thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung; không phải áp dụng các quy định về quản lý giá thóc gạo…

Vẫn nhiều giấy phép con

VCCI cũng chỉ ra, để được cấp giấy phép xuất khẩu gạo, doanh nghiệp phải làm 3 thủ tục hành chính: Sở Công Thương xác nhận kho chứa (Điều 5 của Dự thảo); Sở Nông nghiệp cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (Điều 23.4.b Nghị định 38/2012/NĐ-CP); Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo (Điều 6 của Dự thảo). Thủ tục hành chính như vậy là quá phức tạp và có nhiều giấy phép con.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định này, doanh nghiệp chỉ cần có kho chứa đáp ứng điều kiện an toàn thực phẩm; hồ sơ nộp cho Bộ Công Thương chỉ bao gồm: Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo (các nội dung kê khai kho chứa thể hiện luôn trong đơn đề nghị) và giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; bỏ Điều 5 của dự thảo.

Về quy định thời hạn của Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo là 5 năm,VCCI cho rằngsẽ làm tăng gánh nặng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Trong khi đó, việc bảo đảm thực thi các quy định pháp luật về xuất khẩu gạo đã được thực hiện dựa trên cơ chế báo cáo, thanh tra, kiểm tra và thu hồi giấy chứng nhận. Do đó, cơ quan soạn thảo nên bỏ quy định này.

Điều 12 của Dự thảo quy định thương nhân xuất khẩu gạo phải dự trữ lưu thông ở mức 5% lượng gạo đã xuất khẩu 6 tháng trước đó (giảm so với mức 10% tại Nghị định 109). VCCI cho rằng quy định này có một số điểm cần sửa đổi để phù hợp hơn với thực tiễn: đó là cần bổ sung quy định ưu tiên giảm tỷ lệ dự trữ lưu thông đối với doanh nghiệp có vùng nguyên liệu hoặc liên kết sản xuất (mức giảm phụ thuộc vào diện tích vùng nguyên liệu); bổ sung quy định về tỷ lệ dự trữ đối với doanh nghiệp mới gia nhập thị trường.

Cơ chế điều hành XK chưa minh bạch

Điều 16 của dự thảo quy định về lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo và trao thẩm quyền ban hành lộ trình cho Bộ Công Thương, thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ thương nhân đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu hoặc liên kết sản xuất - tiêu thụ cho Thủ tướng Chính phủ.

“Việc tách nội dung và thẩm quyền này có thể dẫn đến nguy cơ không thống nhất về nội dung và biện pháp thực hiện chính sách. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng trao thẩm quyền xây dựng lộ trình và các chính sách hỗ trợ cho Thủ tướng Chính phủ và thể hiện cả hai nội dung này trong cùng một văn bản”.

VCCI cũng nêu, dự thảo hiện trao quyền quyết định các biện pháp điều hành xuất khẩu gạo cho các bộ, ngành. Tuy nhiên, các căn cứ và cơ chế để điều hành xuất khẩu gạo vẫn chưa đủ minh bạch và chi tiết nên cơ quan soạn thảo cần quy định chi tiết hơn cơ chế này.

“Một cơ chế điều hành xuất khẩu gạo như vậy sẽ giúp tăng tính công khai, minh bạch, giúp người dân và doanh nghiệp chủ động hơn trong việc kinh doanh, sinh hoạt”, văn bản chỉ rõ.

Dự thảo cũng đã thay cơ chế đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo thành thông báo hợp đồng xuất khẩu gạo và thực hiện thông qua Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, Dự thảo vẫn yêu cầu bắt buộc phải thông báo hợp đồng thì mới được thông quan hàng hóa. Việc này sẽ gây ra những cản trở không cần thiết. Trong khi đó, khi làm thủ tục hải quan để xuất khẩu thì doanh nghiệp đã phải nộp tờ khai hải quan.

“Đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng, cơ quan điều hành xuất khẩu gạo sẽ tiếp nhận thông tin từ cơ quan hải quan, thay vì yêu cầu doanh nghiệp phải làm thủ tục thông báo”, VCCI góp ý.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất khẩu gạo: Thủ tục quá phức tạp, quá nhiều giấy phép con