Thách thức tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất thế giới trong thời đại dịch đang trở nên ngày càng lớn khi số ca nhiễm COVID-19 ở những người tham gia Olympic Tokyo đang ngày càng tăng.
Mối lo ngại từ lâu về sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 có thể làm gián đoạn Olympic Tokyo đang nhanh chóng trở thành hiện thực khi các nhà tổ chức Thế vận hội đang đau đầu về sự gia tăng các ca mắc COVID-19 ở các vận động viên tham gia sự kiện lần này.
Điều này đang chứng minh rằng sẽ có rất nhiều khó khăn khi sắp xếp một trong những sự kiện lớn nhất thế giới trong bối cảnh đại dịch đang hoành hành trên toàn thế giới. Hàng chục nghìn vận động viên đến từ 200 quốc gia đang đổ về Nhật Bản, nơi mà tỷ lệ tiêm chủng vẫn còn thấp và biến chủng Delta đang lan rộng.
Người dân Nhật Bản đã hết sức cảnh giác khi Thế vận hội được diễn ra, họ lo ngại rằng một đợt bùng phát dịch bệnh sẽ lây lan từ các động viên sang người dân. Vì vậy, Nhật Bản đang triển khai các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt để hạn chế rủi ro có thể xảy ra.
Cơ quan quản lý bóng đá Nam Phi cho biết hôm 18.7 rằng có ba trường hợp dương tính với COVID-19 trong đội tuyển Olympic, trong đó có hai cầu thủ và một nhân viên kỹ thuật. Toàn đội Olympic Nam Phi hiện đang cách ly và chỉ được tham gia tập luyện, thi đấu khi có kết quả âm tính.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Olympic Anh cũng xác nhận rằng 6 vận động viên và 2 nhân viên ở đội điền kinh cũng đã nhiễm COVID-19 sau khi họ đến Tokyo vào ngày 16.7. Tay vợt trẻ Coco Gauff của Mỹ cũng có kết quả dương tính với COVID-19.
Theo dữ liệu từ ban tổ chức Olympic, đã có 55 trường hợp nhiễm COVID-19, bao gồm các quan chức và nhà thầu bên cạnh các vận động viên.
Ban tổ chức Olympic Tokyo đã thay đổi các giao thức gần như hằng ngày để kiểm soát tình hình nhưng với một số cuộc thi bắt đầu vào ngày 21.7, trước khi Lễ khai mạc Olympic Tokyo được diễn ra vào ngày 23.7, khả năng một số vận động viên sẽ phải hủy buổi thi đấu của họ.
Ban tổ chức cho biết việc xét nghiệm rộng rãi với những người tham gia Olympic được tiến hành trước khi họ đến Nhật Bản và trong suốt quá trình Thế vận hội được diễn ra, cũng như các quy định về giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và xét nghiệm sẽ ngăn chặn sự bùng phát của vi rút.
Khán giả bị cấm tham gia ở hầu hết các sự kiện. Các vận động viên được xét nghiệm mỗi ngày. Thay vì tham quan hoặc giao lưu sau mỗi sự kiện, các vận động viên được yêu cầu rời khỏi ngay sau khi buổi thi đấu kết thúc. Ban tổ chức cũng cho biết 80% vận động viên được tiêm chủng đầy đủ.
“Những người tham gia Olympic Tokyo là những người được kiểm soát chặt chẽ nhất trên thế giới”, Giám đốc Điều hành Olympic Pierre Ducrey cho biết.
Thế nhưng Olympic Tokyo không phải là một “bong bóng” cô lập hoàn toàn như giải đấu mà các liên đoàn thể thao chuyên nghiệp Mỹ đã xây dựng vào năm ngoái. Các cầu thủ NBA đã di chuyển bằng máy bay riêng, không giống như phần lớn các vận động viên Olympic vẫn di chuyển bằng các chuyến bay thương mại.
Giải đấu NBA cũng xét nghiệm COVID-19 cho các viện động viên và yêu cầu họ cách ly 2 ngày trước khi thi đấu. Cuối cùng giải đấu không ghi nhận trường hợp nhiễm COVID-19 nào.
Những biện pháp phòng ngừa đó là cần thiết trước khi các vắc xin ngừa COVID-19 được phát triển, nhưng các nhà tổ chức Olympic không yêu cầu các vận động viên phải tiêm vắc xin. Các quan chức Olympic không muốn bị coi là ưu tiên những người trẻ, khỏe mạnh hơn hàng triệu người lớn tuổi và dễ bị tổn thương trên khắp thế giới.
Thời gian ủ bệnh lên đến 14 ngày có nghĩa là các vận động viên có thể xét nghiệm âm tính nhiều lần trước khi có kết quả dương tính ngay trước hoặc trong khi thi đấu. Giám đốc y tế của đội Nam Phi cho biết thời gian ủ bệnh nhiều khả năng là nguyên nhân khiến hai cầu thủ có kết quả xét nghiệm dương tính. Đội tuyển bóng đá Nam Phi sẽ thi đấu trận đầu tiên vào ngày 22.7 tới đây.
Tiến sĩ Patho Zondi cho biết: “Mọi thành viên của đội Nam Phi đều yêu cầu phải có giấy chứng nhận y tế đầy đủ như một tiêu chí đủ điều kiện tham gia cuộc thi đấu. Ngoài ra, họ được khuyến khích cách ly 2 tuần trước khi khởi hành, theo dõi sức khỏe hằng ngày và phải báo cáo bất kỳ triệu chứng nào và thực hiện xét nghiệm PCR mũi họng âm tính trong vòng 96 giờ trước khi khởi hành”.
Vấn đề nan giải của các nhà tổ chức Olympic Tokyo là không thể kiểm soát hoàn toàn việc di chuyển của các vận động viên từ nơi xuất phát cho khi đặt chân đến Nhật Bản. Và sau đó, cũng không có cách nào hạn chế việc tiếp xúc giữa các vận động viên ở một số môn thể thao.
Các nhà tổ chức hiện đã ra quyết định rằng các vận động viên phải được xét nghiệm PCR hàng ngày và phải được cách ly mọi lúc, mọi nơi để cả khi dùng bữa. Các vận động viên sẽ được tham gia các buổi tập và thi đấu với điều kiện họ có kết quả âm tính trong vòng 6 giờ trước khi tham gia mỗi buổi tập cũng như các buổi thi đấu.
Vắc xin đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc ngăn ngừa các ca bệnh nặng và tử vong nhưng chúng không ngăn ngừa hoàn toàn sự lây nhiễm. Một số vận động viên đã được tiêm chủng nhưng vẫn dương tính với COVID-19. Các nhà khoa học vẫn chưa biết chắc chắn liệu những người được tiêm vắc xin có kết quả dương tính có lây nhiễm cho người khác hay không.
Olympic Tokyo 2020 sẽ bắt đầu vào ngày 23.7 tới. Theo chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach, tính đến ngày 16.7, hơn 15.000 VĐV, đội ngũ huấn luyện, quan chức quốc tế đã đến Nhật Bản. Làng Olympic, bao gồm 21 tòa nhà dân cư, sẽ có khoảng 11.000 VĐV sinh hoạt trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội.