Có 23.000 cư dân trên đảo đang sống chan hòa với Biển Đông. Các ngư dân, một số có tàu vỏ gỗ cỡ nhỏ và nhiều người dùng thúng chai, ngày ngày thả lưới giăng câu để đánh bắt bào ngư, cá vược, cá mú, tôm hùm, mực và hải sâm.

'Xoay chuyển tình hình Biển Đông' - Đảo Thiên đường, khu dự trữ sinh quyển thế giới

Hạ Vĩ | 28/11/2023, 11:10

Có 23.000 cư dân trên đảo đang sống chan hòa với Biển Đông. Các ngư dân, một số có tàu vỏ gỗ cỡ nhỏ và nhiều người dùng thúng chai, ngày ngày thả lưới giăng câu để đánh bắt bào ngư, cá vược, cá mú, tôm hùm, mực và hải sâm.

a71d60ad9dd4e71c939cdd1ce25295df.jpeg

Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

Cù Lao Chàm - nơi bà con sinh sống với hơn 1.500ha rừng tự nhiên có chứa một hệ sinh thái quan trọng bao gồm các rạn san hô, rong biển và thảm cỏ biển. Không có gì ngạc nhiên khi vào những năm 1960, hòn đảo này được gọi là “Đảo Thiên đường”.

Đối với những người dân đảo này, Biển Đông được nhiều người coi là một điểm nóng tiềm ẩn trên thế giới. Giữa các yêu sách chủ quyền khó giải quyết, các mối đe dọa đối với ngư dân, tình trạng khai thác tận diệt, phá hủy san hô, mất đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái, tôi cảm thấy vô cùng yên tâm khi đến một hòn đảo yên bình và không liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, nơi các ngư dân lâu năm vẫn luôn duy trì một kiểu “đạo đức đại dương” mà tôi có thể nhìn thấy qua các hoạt động bảo tồn và bền vững họ thực hiện mỗi ngày.

Tôi đến Cù Lao Chàm với tư cách là khách mời của tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, một nhà sinh học biển, 56 tuổi, giảng viên sinh học ở Đại học Đà Nẵng, người chịu trách nhiệm chính trong việc vạch ra các mục tiêu nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giá trị văn hóa và lịch sử của Cù Lao Chàm. Khi chúng tôi tiến vào bến tàu của hòn đảo này, bằng trực giác, tôi biết rằng đây là một nơi đặc biệt với những bãi cát sạch, những ngọn đồi có rừng bao phủ, khu bảo tồn thiên nhiên và biển.

xoaychuyentinhhinhbiendong-16-1tg1.jpg

Ngước nhìn hai đỉnh núi ở cực tây của đảo, tôi bắt gặp cả một khu rừng thường xanh tự nhiên trù phú, nơi trú ngụ của loài chim yến có đôi cánh dài hình trăng khuyết và chiếc đuôi chẻ đôi. Tổ của chim yến bám trên những vách đá cao chót vót từ lâu đã là cao lương mỹ vị của người châu Á, đặc biệt là đối với người Hoa ở Hồng Kông. Ngoài ra, Cù Lao Chàm còn có những rạn san hô khỏe mạnh, nhiều loài tôm sú và động vật thân mềm sống ở vùng nước trong vắt xung quanh các đảo, đá. “Khi tôi lần đầu tiên đề xuất ý tưởng rằng họ cần ngừng đánh bắt cá gần các rạn san hô, họ nghĩ tôi bị điên”, nhà sinh học biển Chu Mạnh Trinh cho biết, miệng nở nụ cười tươi rói.

Đối với những người Việt nơi đây, sự phong phú của sinh vật biển địa phương thể hiện rõ qua cua, rong biển, trai, ốc, cũng như các polyp san hô nhỏ trông giống con sứa nằm ngửa hấp thụ lượng carbon dioxide dư thừa trong nước biển và biến nó thành đá vôi.

Cù Lao Chàm, hòn đảo nằm cách bờ biển miền Trung Việt Nam khoảng 20km là một khu bảo tồn biển được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam thành lập vào tháng 12.2005. Năm 2009, khu vực này đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. “Đúng vậy, cần có một chiến dịch giáo dục bền vững để thuyết phục người dân rằng việc bảo tồn sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho cuộc sống của họ”, ông Trinh nói.

Trong một lần đi dạo quanh làng, ông Trinh được những ngư dân đang vá lưới, những phụ nữ ở một khu chợ trời và những quân nhân đóng quân trên đảo vui vẻ gọi là “giáo sư”. Nhà khoa học biển luôn xông xáo này thể hiện niềm tự hào thầm lặng về cách cư dân trên đảo đón nhận mô hình ngư nghiệp bền vững đã tạo ra một nền kinh tế mới, với các nguồn thu nhập bổ trợ đến từ việc tổ chức lặn biển, kinh doanh homestay, làm hướng dẫn viên du lịch, làm nước mắm và cả chế biến chè rừng.

Rạn san hô bị tàn phá thô bạo

Cù Lao Chàm là một cụm đảo rộng 300km2 và còn được gọi là “Mẹ Lao Chàm”. Nơi này có một ngọn núi cao 518m với ba đỉnh (Ngọc Long, Tiên Bút, Bát Lão), ngày xưa nằm trong lãnh thổ của vua Chăm Pa. Khu vực này có 8 đảo lớn nhỏ gồm: Hòn Lao, Hòn Khô Mẹ, Hòn Khô Con, Hòn Lá, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Tai, Hòn Ông, nằm trên Biển Đông. Hòn Tai, còn được gọi là Hòn Én, nơi mà nghề khai thác yến sào là một trong những công việc chính của người dân địa phương.

Làng chài này không nằm ngoài sự chú ý của quốc tế vốn đang tập trung mạnh vào các đảo và rạn san hô giữa những con sóng chính trị cuồn cuộn ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nơi đây có vô vàn thách thức, bao gồm việc Trung Quốc xây dựng trái phép các đảo nhân tạo, tàn phá san hô, hạ đặt một giàn khoan dầu cỡ lớn ở vùng biển có tranh chấp, đâm và đánh chìm các tàu cá vỏ gỗ truyền thống, viện dẫn sai lệch về các quyền lịch sử và áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá.

Tất nhiên, tình hình ở quần đảo Trường Sa rất phức tạp. Có hơn 700 đảo và bãi đá ngầm được tuyên bố chủ quyền bởi 6 quốc gia và vùng lãnh thổ: Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Brunei và Đài Loan, suốt hơn 30 năm qua với những lý do khác nhau. Tuy nhiên, điều rõ ràng là quyền kiểm soát trên biển ở Biển Đông có tác động kép đáng kể đối với tự do hàng hải và việc theo đuổi các nguồn tài nguyên.

Vào ngày 15.7.2016, Tòa Trọng tài thường trực tại Hà Lan đã mạnh mẽ lên án Trung Quốc do những thiệt hại môi trường nghiêm trọng và lâu dài đối với các rạn san hô và đời sống tự nhiên ở Biển Đông. Các thẩm phán quốc tế đã nhắm vào việc Trung Quốc “giành giật các đảo san hô ở Biển Đông”, trong đó đáng chú ý là việc nước này tàn phá thô bạo hơn 100km2 diện tích rạn san hô khỏe mạnh, nạo vét và san lấp để xây dựng các đảo nhân tạo, cũng như việc họ đánh bắt rùa biển và trai tai tượng đang có nguy cơ tuyệt chủng vì vỏ của chúng có thể được chế tác thành đồ trang sức.

Phó giáo sư Nguyễn Chu Hồi - giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam nói rằng lợi ích xanh do biển mang lại chỉ có được khi các hệ sinh thái biển và ven biển được duy trì khỏe mạnh. Trong một chương trình về Biển Đông được tổ chức tại Hà Nội, ông Hồi đã chia sẻ với tôi về lý do tại sao các khu bảo tồn biển này lại cần thiết: “Những môi trường này rất quan trọng để duy trì sự phát triển kinh tế và xã hội trong khu vực ASEAN, cũng như để bảo vệ các giá trị và tài nguyên dịch vụ sinh thái có ý nghĩa toàn cầu cho thế giới”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Xoay chuyển tình hình Biển Đông' - Đảo Thiên đường, khu dự trữ sinh quyển thế giới