Chuyện học trò bị thầy cô giáo phạt quỳ, thậm chí tát tay,.. thì thầy cô giáo có đáng bị lên án, nếu học sinh làm sai hay không?

Xin phụ huynh đừng cứ chực chờ 'nhảy' vào trường

15/05/2019, 06:07

Chuyện học trò bị thầy cô giáo phạt quỳ, thậm chí tát tay,.. thì thầy cô giáo có đáng bị lên án, nếu học sinh làm sai hay không?

Nếu làm sai, trẻ cần được răn dạy - Nguồn: Facebook

Lúc tôi còn học lớp 2, chỉ vì chồm lên bàn trước nói chuyện với 1 bạn cùng lớp trong giờ ra chơi, đã phải ăn vào mông 1 thước kẻ to tướng bằng gỗ, của cô giáo chủ nhiệm. Cô nói, dù là giờ chơi, nhưng cái kiểu học sinh mà nằm chồm lên bàn học là không đúng. Tôi sợ cô, và biết mình sai.

Về nhà, đương nhiên, tôi chẳng dám kể chuyện này với ba mẹ, thậm chí còn rất sợ mấy bạn gần nhà, học cùng, “tám chuyện” để cha mẹ tôi biết. Sự việc được “ém”, tôi tạm yên tâm, và tự nhủ: “Đừng làm sai, sẽ không sợ như vậy nữa”.

Trước khi dắt tôi vào trường gửi cho cô giáo, mẹ tôi đã căn dặn: “Nếu nó lười học, phá quấy, cô cứ đánh rầy, răn dạy. Tôi bận, mong cô giúp quán xuyến giùm cháu nó. Tôi tin tưởng cô”. Chính thế, đừng hy vọng tôi có can đảm để mách cha mẹ chuyện mình bị cô đánh, nếu không muốn về nhà bị… đánh tiếp.

Cùng lớp tôi, chuyện các bạn bị cô bắt phạt quỳ, ngồi cả buổi trên bảng, là chuyện thường. Sai thì bị phạt, cả lớp đều thông. Lớp có nội quy, trường có nguyên tắc, muốn nên người thì phải biết nể sợ, tin tưởng thầy cô giáo.

Thầy cô giáo cũng là con người, họ có lúc vui, ngày buồn, cũng đầy đủ tâm trạng. Nhưng đương nhiên, chắc không ai muốn xử phạt, đánh đòn học trò mình nếu nó không có lỗi.

“Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, người xưa hay nói, kể cũng phải. Nhưng tất nhiên, với trẻ em, mỗi bé có cách răn dạy riêng, mỗi thời đại khác nhau, phương pháp giáo dục cũng thay đổi, và không nhất thiết lúc nào cũng đòn roi, nhưng cũng chẳng thể khi nào cũng cưng chiều. Chỉ cần làm sao cho trẻ nể sợ và phục, là người lớn có thể uốn nắn các bé.

Làm cha mẹ, ai cũng đau xót khi biết con mình bị đánh, bị phạt. Nhưng nếu con mình làm sai, chẳng lẽ không ai có thể răn dạy, ngoài mình? Và theo riêng tôi, nếu đã muốn con cái nên người, gửi vào trường cho thầy cô giáo trông dạy, mà chuyện gì cũng đau, cũng xót, cũng muốn làm ầm ĩ, thì tốt nhất nên ở nhà tự dạy con! Trừ khi con cái vô cớ bị thầy cô rầy phạt, hay là chuyện đánh đập bạo hành mới là chuyện đáng nói.

Thương con, nhưng đừng nên nghĩ cả thế giới này phải “quỳ phục”, thương yêu con mình, bởi nó có phải lúc nào cũng đúng. Trẻ con mà! Và đã là đứa trẻ, nó cần phải biết điều gì sai, lẽ nào đúng. Đúng thì được thưởng, làm sai thì bị phạt. Đó là lẽ thường, và trẻ cần nằm lòng điều đó, để sau này bước vào đời.

Còn bé, thời gian của trẻ ở bên thầy cô thậm chí có khi còn hơn thời gian ở bên cha mẹ. Trẻ không sợ thầy cô, vì hễ có gì cha mẹ xúm vào bênh, kiện cáo… thì thử hỏi ai dám răn dạy trẻ, giúp nó nên người? Nhất là khi các bé đã không còn sợ thầy cô, khi cha mẹ sẵn sàng nhảy xổ vào bênh? Có bậc cha mẹ nào đủ sức khỏe để bênh con mình suốt cuộc đời sau này, mỗi khi nó làm bậy với xã hội?

Thầy cô giáo đã phải chịu rất nhiều áp lực. Nào là cơm áo gạo tiền, giá xăng, giá điện tăng, nhưng đồng lương thì chật vật. Rồi nào là áp lực thành tích từ cấp trên… Là phụ huynh, có lẽ đừng nên tạo áp lực cho các thầy cô giáo nữa, từ những chuyện không đáng! Hãy để thầy cô răn dạy, đừng để sau này pháp luật phải “dạy” nó.

Xin trích đăng kèm 1 bài thơ của 1 giáo viên, như lời tự sự, đã đưa lên Facebook:

Nghề của mình lạ lắm phải không em?
Khi trò hư phạt quỳ là xâm phạm
Nghề của mình bỗng trở thành nghề tạm
Nhìn niêu cơm vô cảm với chính mình.

Nghề của mình xã hội đã lặng thinh
Chỉ có phụ huynh là ùn ùn lên tiếng
Khi chúa con phải quỳ vì làm biếng
Vì tật hư, thói xấu của riêng mình.

Nhớ ngày xưa anh học lớp cùng em
Nhìn củ khoai anh thụt thò trong cặp
Em vì đói vô tình thành kẻ trộm
Cô giáo phạt quỳ em nước mắt rưng rưng.

Nhớ có lần em sửa điểm giúp anh
Để chiều về anh không bị ba đánh
Ai ngờ bị thằng bàn trên nó mách
Cô giáo hiền nện mấy thước mông em.

Cũng từ ấy anh và em lớn lên
Trở thành người biết tôn trọng phải trái
Xưa con trẻ không biết mình vụng dại
Cái thước cô thầy kéo lại cả thanh xuân.

Còn bây giờ sao nghề quá mong manh
Học trò sai chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở
Xã hội đang mơ nền giáo dục phải mở
Nhưng lòng người lại đóng cửa - cài then

Xin phép hỏi nghệ thuật kiểng bonsai
Có cái cây nào mà không cần uốn cắt
Hỏi thợ rèn cục sắt không qua lửa
Có bao giờ nó thành cuốc dao không?

Xã hội ơi, phụ huynh ơi nhớ không?
Mình lớn lên, trưởng thành từ cây thước.

Gục ngã rồi nhưng không hề lùi bước
Chẳng phải nhờ cây thước đó hay sao?

Hồ Hùng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xin phụ huynh đừng cứ chực chờ 'nhảy' vào trường