Sáng 9.9, đại diện Viện Kiểm sát đã tiến hành luận tội và đề nghị mức án đối với 29 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án “Giết người”, “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội).

Xét xử vụ Đồng Tâm: Viện kiểm sát đề nghị 2 án tử hình

Thu Anh | 09/09/2020, 10:04

Sáng 9.9, đại diện Viện Kiểm sát đã tiến hành luận tội và đề nghị mức án đối với 29 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án “Giết người”, “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội).

Cụ thể, Viện Kiểm sát (VKS) đề nghị xử phạt bị cáo Lê Đình Công, Lê Đình Chức tử hình về tội “Giết người”, bị cáo Lê Đình Doanh bị VKS đề nghị mức án chung thân về tội “Giết người”. Đối với những bị cáo khác, VKS cũng căn cứ vào những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ cụ thể để đề nghị xử phạt các bị cáo ở mức hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội. Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị các bị cáo liên đới bồi thường cho gia đình nạn nhân theo đúng quy định pháp luật.

Theo đó, VKS nhận định đây là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. Khi lực lượng công an thi hành nhiệm vụ, các bị cáo đã dùng những hung khí nguy hiểm chống lại công an. Hành vi của bị cáo là có tổ chức, thể hiện sự côn đồ, giết nhiều người; hành vi gây hoang mang, bất bình trong quần chúng nhân dân, gây ra sự đau thương, mất mát to lớn cho gia đình nạn nhân…

Theo VKS, mặc dù biết rõ đất cánh đồng Sênh ở xã Đồng Tâm là đất quốc phòng đã được Thanh tra TP.Hà Nội và Thanh tra Chính phủ kết luận, các cơ quan chức năng đã tổ chức đối thoại với nhân dân xã Đồng Tâm để người dân hiểu và yêu cầu nhân dân thực hiện đúng quy định của pháp luật, nhưng từ năm 2013, ông Lê Đình Kình (SN 1936, trú tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm) đã cùng Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển và một số người tại xã Đồng Tâm thành lập “Tổ Đồng thuận” với mục đích đòilại đất đồng Sênh.

VKS xác định các bị cáo này thường xuyên lôi kéo, kích động quần chúng nhân dân khiếu kiện phức tạp về việc quản lý, sử dụng đất của chính quyền xã Đồng Tâm; sử dụng mạng xã hội tuyên truyền đất đồng Sênh là của xã Đồng Tâm; đồng thời kêu gọi người dân xã Đồng Tâm “đấu tranh để giữ đất”. Ngoài ra, từ năm 2017 đến đầu năm 2020, ông Lê Đình Kình đã chỉ đạo “Tổ Đồng thuận” và nhiều người gây ra nhiều vụ việc phức tạp đến an ninh, trật tự địa bàn.

Khi biết thông tin Công an Hà Nội phối hợp với Quân chủng Phòng không – Không quân (Bộ Quốc phòng) triển khai bảo vệ lực lượng thi công xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn trên đất đồng Sênh, ông Lê Đình Kình đã cùng các bị cáo góp tiền mua 10 quả lựu đạn, mua xăng làm 85 chai bom xăng, mua khoảng 10 tuýp sắt có gắn dao bầu và liềm, nhặt gạch đá, làm bùi nhùi, mua pháo… nhằm tấn công lực lượng chức năng.

Nửa đêm về sáng9.1.2020, khi lực lượng công an đến chốt cổng làng thôn Hoành, xã Đồng Tâm (cách nhà ông Kình khoảng 50 mét) để bảo vệ mục tiêu theo kế hoạch, đã bị các bị cáo dùng bom xăng, lựu đạn, hung khí tấn công. Trong quá trình kiên quyết trấn áp hành vi đặc biệt nguy hiểm của các bị can, 3 cán bộ chiến sĩcông an đã hy sinh.

Qua xét hỏi công khai tại phiên tòa, VKS nhận định các bị cáo Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu còn quanh co, khai báo chưa thành khẩn; các bị cáo còn lại đã thành khẩn khai báo, thể hiện sự ăn năn hối cải.

Cụ thể, theo nhận định của VKS, qua xét hỏi công khai cũng như những tài liệu thu thập được đã xác định bị cáo Lê Đình Công đã tham gia “Tổ đồng thuận”, lôi kéo mọi người tham gia giữ đất đồng Sênh, lôi kéo mọi người mua lưu đạn, hướng dẫn làm bom xăng… Tại phiên tòa, bị cáo chối tội nhưng xét những lời khai của bị cáo tại CQĐT đã được ghi âm, ghi hình dưới sự chứng kiến của CQĐT, đối chiếu với các lời khai của những bị cáo khác, VKS xác định bị cáo Công là chủ mưu trong vụ án này.

Bị cáo Bùi Viết Hiểu bị VKS xác định là người trực tiếp phát biểu, soạn thảo các đơn khiếu nại, tham gia họp bàn tại nhà ông Kình… Tại phiên tòa, bị cáo Hiểu phủ nhận lời khai và nại ra lý do bị ép cung, lời khai trước sau bất nhất, khai báo gian dối, trốn tránh trách nhiệm của bản thân. Tuy nhiên, qua các lời khai của các bị cáo khác cũng như chính lời khai của bị cáo tại CQĐT đã được ghi âm, ghi hình, VKS đủ cơ sở xác định bị cáo Hiểu thuộc nhóm chủ mưu, cầm đầu…

Như vậy, xét hành vi của từng bị cáo, VKS nhận định các bị cáo Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu...giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, vừa chỉ đạo các bị cáo khác vừa trực tiếp thực hiện tội phạm. Đánh giá tính chất mức độ, vị trí, vai trò của từng bị cáo, VKS thấy các bị cáo thực hiện hành vi có sự câu kết chặt chẽ, trong đó bị cáo Công được xác định là người có hành vi giết người với tính chất côn đồ, giết 2 người trở lên, giết người đang thi hành công vụ. Tại phiên tòa, bị cáo còn khai báo quanh co, gian dối. Trước hành vi đặc biệt nghiêm trọng của bị cáo Công, VKS xét thấy cần loại bỏ bị cáo ra khỏi đời sống xã hội…

Đặc biệt, trong phần luận tội, VKS cũng đề nghị chuyển tội danh từ “Giết người” sang “Chống người thi hành công vụ” cho 19 bị cáo; đồng thời VKS cũng đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho từng bị cáo, khi quyết định hình phạt cũng cần xem xét, phân hóa tội phạm để đưa ra bản án phù hợp.

Nhã Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xét xử vụ Đồng Tâm: Viện kiểm sát đề nghị 2 án tử hình