Phiên tòa xét xử ông Nguyễn Đức Chung và đồng phạm chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước sẽ được mở vào ngày 11.12 theo hình thức kín.

Xét xử kín vụ ông Nguyễn Đức Chung chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước

Thu Anh | 30/11/2020, 16:00

Phiên tòa xét xử ông Nguyễn Đức Chung và đồng phạm chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước sẽ được mở vào ngày 11.12 theo hình thức kín.

Ngày 30.11, TAND TP.Hà Nội đã ra quyết định xét xử với bị cáo Nguyễn Đức Chung (53 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND TP.Hà Nội), Phạm Quang Dũng (37 tuổi, nguyên cán bộ công an), Nguyễn Hoàng Trung (37 tuổi, nguyên chuyên viên Phòng Thư ký biên tập, Văn phòng UBND TP.Hà Nội) và Nguyễn Anh Ngọc (46 tuổi, nguyên Phó trưởng phòng Thư ký biên tập, Văn phòng UBND TP.Hà Nội) về tội “chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước”, quy định tại điều 337 bộ luật Hình sự.

Trong số này, bị can Nguyễn Đức Chung và Phạm Quang Dũng bị truy tố theo khoản 3 điều 337 bộ luật Hình sự, với khung hình phạt 10 - 15 năm tù. Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc bị truy tố theo khoản 1 điều 337 bộ luật Hình sự, với khung hình phạt từ 2 - 7 năm tù.

Theo quyết định của TAND TP.Hà Nội, phiên tòa sẽ được mở vào 8 giờ ngày 11.12. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa là ông Trương Việt Toàn, Phó chánh án TAND TP.Hà Nội.

Theo thông báo, có 7 luật sư tham gia bào chữa cho 4 bị cáo. Ông Nguyễn Đức Chung có 4 luật sư tham gia bào chữa; bị cáo Phạm Quang Dũng có 1 luật sư bào chữa; bị cáo Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc có 3 luật sư bào chữa.

nguyen-duc-chung-thua-nhan-sai-pham(1).jpg
Ông Nguyễn Đức Chung 
xet-vu-kin-vu-ong-nguyen-duc-chung.jpg
Từ trái qua là Nguyễn Anh Ngọc, Nguyễn Hoàng Trung và Phạm Quang Dũng - Ảnh: Bộ Công an

Theo cáo trạng, ông Nguyễn Đức Chung và vợ là bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án buôn lậu; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; rửa tiền; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Nhật Cường cùng một số đơn vị liên quan (còn gọi là đại án Nhật Cường). Đây là vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng.

Ngày 10.5.2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) bắt đầu thực hiện các biện pháp tố tụng đại án Nhật Cường thì 1 tháng sau đó, ngày 16.6, ông Nguyễn Đức Chung đã tiếp cận với Phạm Quang Dũng, cán bộ C03.

Ngày 20.7.2019, ông Phạm Quang Dũng đã đến nhà ông Chung để trao đổi thông tin xung quanh đại án Nhật Cường. Ông Chung đề nghị Dũng cung cấp các thông tin, tài liệu điều tra vụ án và Dũng đồng ý.

Hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước, là tài liệu điều tra trong vụ án hình sự Nhật Cường đã được Cơ quan An ninh điều tra phát hiện và làm rõ: Từ tháng 7.2019 - 6.2020, Phạm Quang Dũng lợi dụng nhiệm vụ được giao, tự ý lấy thông tin, tài liệu hoặc đột nhập phòng làm việc của cán bộ C03 để chiếm đoạt nhiều tài liệu liên quan đại án Nhật Cường. Sau đó, Dũng chuyển các tài liệu này cho ông Chung thông qua người trung gian (với tài liệu giấy) và qua ứng dụng Viber (gửi các bản chụp và trao đổi thông tin).

Phạm Quang Dũng đã 5 lần chiếm đoạt 9 tài liệu điều tra có mức độ “mật” và chuyển cho ông Nguyễn Đức Chung 2 lần, gồm 6 tài liệu “mật”. Các tài liệu này bao gồm kế hoạch điều tra; báo cáo kết quả xác minh; báo cáo đề xuất…

Cáo trạng xác định, các bị cáo Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc đã tham gia 1 lần in, chỉnh sửa 3 tài liệu “mật” cho ông Nguyễn Đức Chung. Ngoài ra, Nguyễn Hoàng Trung theo yêu cầu của ông Nguyễn Đức Chung đã liên lạc và gặp Phạm Quang Dũng để lấy tài liệu đựng trong phong bì mang đến cho ông Chung, nhưng không biết tài liệu có nội dung liên quan đại án Nhật Cường.

Trong vụ án này, Viện KSND tối cao xác định ông Nguyễn Đức Chung có vai trò chủ mưu, Phạm Quang Dũng là người thực hành, Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc là người giúp sức.

Quá trình điều tra, bị can Nguyễn Đức Chung được xác định đã thừa nhận, khai báo hành vi phạm tội, ăn năn hối cải, bản thân mắc bệnh nặng, quá trình công tác có nhiều thành tích nên được xem xét là các tình tiết để giảm nhẹ trong xử lý.

3 bị can còn lại cũng được đánh giá khai báo thành khẩn, quá trình công tác có nhiều thành tích. Riêng bị can Phạm Quang Dũng còn được đánh giá hợp tác tích cực với cơ quan điều tra, đã tự thú một số hành vi liên quan.

Điều 337. Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật Nhà nước

1. Người nào cố ý làm lộ hoặc mua bán bí mật Nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:

a) Bí mật Nhà nước thuộc độ tối mật;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.

3. Phạm tội trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Bí mật Nhà nước thuộc độ tuyệt mật;

c) Phạm tội 2 lần trở lên;

d) Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xét xử kín vụ ông Nguyễn Đức Chung chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước