Tại tòa, đại diện UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị HĐXX tuyên buộc Công ty Tân Việt Phát phải nộp 45 tỉ đồng để khắc phục hậu quả vụ án.

Xét xử cựu Chủ tịch tỉnh Bình Thuận: Doanh nghiệp đồng ý nộp tiền khắc phục thiệt hại

Nhã Thanh | 11/05/2023, 15:10

Tại tòa, đại diện UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị HĐXX tuyên buộc Công ty Tân Việt Phát phải nộp 45 tỉ đồng để khắc phục hậu quả vụ án.

Ngày 11.5, TAND TP.Hà Nội tiếp tục phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai và đồng phạm trong vụ án “bán rẻ” 9,2ha đất tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận gây thiệt hại của Nhà nước số tiền hơn 45 tỉ đồng.

Doanh nghiệp đồng ý nộp tiền khắc phục thiệt hại

Tại phiên tòa xét xử sáng 11.5, với vai trò là nguyên đơn dân sự trong vụ án, đại diện UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị HĐXX tuyên buộc Công ty Tân Việt Phát (đơn vị có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án) phải nộp vào ngân sách nhà nước số tiền 45 tỉ đồng để khắc phục hậu quả vụ án.

Ngoài ra, đại diện UBND tỉnh Bình Thuận còn đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ của tỉnh Bình Thuận với lý do họ nhận thức pháp luật chưa đầy đủ và đã công tác nhiều năm, từ cơ sở đến cấp tỉnh và có nhiều cống hiến trong quá trình công tác.

binh-thuan.jpg
Quang cảnh phiên tòa - Ảnh: T.A

Theo đại diện UBND tỉnh Bình Thuận, khu đất trong vụ án vốn là nghĩa địa, nhiều mồ mả nên không mỹ quan; các nhà đầu tư không quan tâm nên khó đấu giá. Trong khi đó, áp lực thu ngân sách của tỉnh Bình Thuận lớn nên các bị cáo trong vụ án đã bán đất cho Công ty Tân Việt Phát vì mục đích chung, vì tỉnh và không vụ lợi cá nhân.

Trình bày trước HĐXX, đại diện Công ty Tân Việt Phát đồng tình với ý kiến của đại diện UBND Bình Thuận, hứa xin nộp số tiền 45 tỉ đồng nếu như tòa án xác định số tiền này là thiệt hại của vụ án. Đại diện công ty cho biết, phía Tân Việt Phát không đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận áp giá thấp khi xin mua và giao đất. 

hdxx-binh-thuan.jpg
Phiên tòa do thẩm phán Nguyễn Thanh Nhã làm chủ tọa - Ảnh: H.N

Khu đất từng là nghĩa địa

Trước đó, khai báo trước tòa, các bị cáo đều thừa nhận sau này mới biết việc UBND tỉnh giao đất cho Tân Việt Phát là không đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013, dẫn tới thiệt hại cho Nhà nước. Các bị cáo khẳng định không được hưởng lợi gì.

Tại tòa, bị cáo Phạm Duy Cường (cựu Phó phòng phụ trách Phòng kinh tế đất đai, Chi cục Quản lý đất đai, Sở TN-MT Bình Thuận) nhận thấy việc truy tố ở khung hình phạt như cáo trạng nêu là quá nặng bởi theo nhận thức của mình, bị cáo Cường thấy tại thời điểm bị cáo tham mưu thì không nhận ra sai phạm, nhưng tới thời điểm này, bị cáo nhận thức được việc UBND tỉnh giao đất là có gây ra thiệt hại.

Trong quá trình điều tra, bị cáo Cường đã tác động tới gia đình nộp tiền khắc phục hậu quả là 30 triệu đồng và việc nộp tiền này theo bị cáo là cần thiết.

Theo cáo trạng, năm 2013, tỉnh Bình Thuận chủ trương bán đấu giá 3 lô đất có tổng diện tích hơn 9 ha tại thành phố Phan Thiết, giá khởi điểm là hơn 111 tỉ đồng (khoảng 1,2 triệu đồng/m2) để xây dựng nhà ở thương mại. Tuy nhiên, sau 6 lần thông báo, không có tổ chức hay cá nhân nào tham gia mua đấu giá.

Đầu năm 2016, giá đất tại tỉnh Bình Thuận tăng. Ngày 26.7.2016, bị cáo Nguyễn Ngọc Hai khi đó giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký ban hành quyết định điều chỉnh giá đất của tỉnh, trong đó có khu vực 3 lô đất trên lên thành 1,6 triệu đồng/m2. Năm 2017, lô đất này được giao cho Công ty Tân Việt Phát với giá được phê duyệt từ năm 2013 là 1,1 triệu đồng/m2.

binh-thuan-5-.jpg
Phiên tòa dự kiến kéo dài 5 ngày - Ảnh: H.N

Sau khi có phản ánh của người dân về việc giao 3 lô đất giá rẻ và có sai phạm, bị cáo Nguyễn Ngọc Hai chỉ đạo bị cáo Nguyễn Văn Phong (khi đó là Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận) kiểm tra lại việc giao đất không qua đấu giá. Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Văn Phong không chỉ đạo các bộ phận chuyên môn làm việc này mà chỉ đạo người soạn công văn để ký gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, khẳng định việc giao đất cho Công ty Tân Việt Phát là phù hợp quy định.

Cáo trạng xác định, sai phạm của bị cáo Nguyễn Văn Phong khiến UBND tỉnh Bình Thuận không thu hồi đất kịp thời, để các sở, ngành liên quan và Công ty Tân Việt Phát thực hiện thủ tục giao, cho thuê, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 45 tỉ đồng.

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Ngọc Hai (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận) cũng thừa nhận sai phạm, song theo ông Hai, khu đất trên vốn là bãi tha ma, việc giao cho doanh nghiệp là với mong muốn khiến nơi đây thành trung tâm thương mại, đồng thời giải quyết vấn đề ngân sách địa phương.

Theo lời khai của bị cáo Lương Văn Hải (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận), mảnh đất được đấu giá 6 lần nhưng không ai mua. Cựu Phó chủ tịch Lương Văn Hải thừa nhận việc giao đất năm 2017 theo giá 2013 là sai, có gây thiệt hại nhưng bị cáo không trực tiếp tham gia việc đề xuất giá.

Bài liên quan
Sự phân vân của cựu chủ tịch Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai trước tòa
Tại tòa, ông Nguyễn Ngọc Hai nói rằng việc truy tố theo tội danh bị quy kết là không sai. Tuy nhiên, bị cáo phân vân về vai trò của mình so với các bị cáo khác.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xét xử cựu Chủ tịch tỉnh Bình Thuận: Doanh nghiệp đồng ý nộp tiền khắc phục thiệt hại