Tôi đọc lại “Nhật ký chiến tranh” của nhà văn-liệt sĩ Chu Cẩm Phong, và gặp đoạn viết này của anh ngay tại mảnh đất Bình Dương, mảnh đất cát cháy đã ba lần được phong anh hùng, thuộc huyện Thăng Bình, Quảng Nam:

Vườn Mẹ - Chuyện của những đứa con

Nhà thơ Thanh Thảo | 01/09/2021, 07:15

Tôi đọc lại “Nhật ký chiến tranh” của nhà văn-liệt sĩ Chu Cẩm Phong, và gặp đoạn viết này của anh ngay tại mảnh đất Bình Dương, mảnh đất cát cháy đã ba lần được phong anh hùng, thuộc huyện Thăng Bình, Quảng Nam:

Thứ ba, 7, 1, 1969…Trưa nay mình về nhà chị Lạng, nhà đang làm lễ 21 ngày cho mẹ… Nhà có ba con trai, người con cả đi công tác huyện, người thứ hai đi du kích, hy sinh, cậu út tên là Nhạn, mới 15 tuổi, du kích thôn, đội trưởng đội văn nghệ, một cô con gái tên là Lạng giáo viên mẫu giáo, cô ta giờ là chủ gia đình… trong nhà chỉ có Nhạn là con trai nên tuy còn nhỏ tuổi cũng đã tỏ ra là người đàn ông trong gia đình. Cậu ta tỏ ra rất lanh lợi thuộc rất nhiều thơ hay của Tố Hữu, Thu Bồn, có giọng ngâm rất tốt.”(Nhật ký chiến tranh).

Tôi thật không ngờ, cái cậu út tên là Nhạn, hồi đó 15 tuổi, lại chính là anh Phan Đức Nhạn, người từ bao năm nay đã khởi xướng và theo đuổi một dự án có tên hết sức bình dị, dự án “Vườn Mẹ”, ngay trên mảnh đất Bình Dương.

Và trong nhật ký của anh Chu Cẩm Phong, lại có đoạn ông già Phan Cứ giảng giải vì sao dân Bình Dương kiên cường đến kỳ lạ như thế “… dân Bình Dương không biết làm gì khác ngoài làm Cách mạng”. Rồi có đoạn, đề ngày 19.1.1969, anh Phong lại viết về tình cảm của những người mẹ Bình Dương với bộ đội miền Bắc: “Các con đừng buồn, ở ngoài Bắc có cha mẹ ngoài Bắc, chừ vào Nam có cha mẹ trong Nam, đâu cũng là nhà…

Vậy là Phan Đức Nhạn đã vào “Nhật ký chiến tranh” của nhà văn Chu Cẩm Phong khi mới 15 tuổi, một “du kích thôn”, và là một “đội trưởng đội văn nghệ”, và “thuộc rất nhiều thơ hay của Tố Hữu, Thu Bồn”.

Tất cả như đều có chung một duyên phận với mảnh đất Bình Dương anh hùng.

Nếu thời đó anh Phong viết tiểu thuyết, thì tên cậu bé Nhạn có thể được đổi thành tên khác, dù những việc cậu làm thì vẫn giữ như thế. Nhưng anh Chu Cẩm Phong viết nhật ký, và những câu chuyện ở Bình Dương hiện lên nguyên vẹn như thực tế, không một chút hư cấu hay tô vẽ.

Về dự án “Vườn Mẹ” của Phan Đức Nhan, tôi đã đọc bài viết rất sâu sắc của anh Vũ Ngọc Hoàng, nguyên bí thư Quảng Nam, và tôi muốn trich ra đây một đoạn ngắn để chúng ta có hình dung tổng thể về xã Bình Dương trong chiến tranh:

“Với Bình Dương, sống dám chết là cái sống hiên ngang mà muôn đời vẫn sẽ mãi âm vang, óng ánh. Chết cho sự sống là cái chết bất tử. Cái chết đã làm cho sự sống trở nên ý nghĩa. Chết là vì sự sống. Đó là cái chết bắt đầu cho sự sống.

Một xã nhỏ, mà tập trung nhiều nhất là một thôn nhỏ, Bàu Bính lẫy lừng, tính chưa đầy đủ mà Bình Dương đã có đến 350 Mẹ Việt Nam anh hùng và 1347 liệt sĩ, trực tiếp góp phần quan trọng để làm nên truyền thống vẻ vang của vùng đất Quảng Nam trung dũng kiên cường có số Mẹ Việt Nam anh hùng nhiều nhất nước – với 15. 298 người, chưa kể hàng nghìn Mẹ ở Đà Nẵng vốn cũng là Đất Quảng cùng một chiếc nôi văn hóa cội nguồn”.

Tôi có may mắn, trong mùa hè năm 1983 được cùng các nhà văn ở Hội nhà văn Việt Nam đi thực tế ở địa bàn tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng hồi đó. Chuyến đi thực tế trải dài và rộng ở nhiều huyện trong tỉnh, nhưng vẫn có những điểm nhấn mà các nhà văn nhất thiết phải đến. Để thấy nhân dân mình đã sống, chiến đấu, hy sinh và quyết sống còn như thế nào. Xã Bình Dương của huyện Thăng Bình chính là một trong mấy điểm nhấn ấy mà chúng tôi đã được đến. Chuyến đi thực tế do nhà văn Nguyên Ngọc lúc ấy là bí thư Đảng đoàn Hội nhà văn Việt Nam đứng ra tổ chức, được sự ủng hộ hết mình của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng.

Nhóm nhà văn chúng tôi gồm nhà thơ Xuân Diệu, nhà văn Đoàn Giỏi, nhà thơ Anh Thơ, nhà phê bình-lý luận Từ Sơn và nhà văn Trung Trung Đỉnh đã được về Bình Dương trong mùa hè nắng nung cát cháy đó.

Bao nhiêu năm đã qua rồi, mà ký ức về Bình Dương vẫn còn khá nguyên vẹn trong tôi. Đó là một ký ức vừa nặng trĩu, vừa dữ dội, lại vừa chói sáng, cứ như chúng tôi đang đi về một vùng đất hoàn toàn khác lạ, dù vùng cát trắng Bình Dương vẫn thân gần với những người đã từng qua chiến tranh, từng đi kháng chiến như chúng tôi.

Nhớ những buổi trưa hè cả nhóm chúng tôi đi bộ từ thôn này sang thôn khác trong xã, tìm đến các nhà dân, các gia đình có người từng đi du kích để thăm và hỏi chuyện. Những chuyện hồi chiến tranh do người Bình Dương kể một cách thật thà khiến chúng tôi như choáng váng. Vì ít ai dám nghĩ một xã vùng cát trắng nghèo khổ lại phải chịu đựng sự hủy diệt kinh khủng đến như thế. Điều lạ lùng nhất, là trong đau thương, người Bình Dương vẫn đứng vững, du kích vẫn chiến đấu, những người mẹ người chị vẫn bảo bọc và tiếp sức cho chồng con mình. Rồi những hy sinh vẫn ập đến hàng ngày.

Tôi đã từng, sau chiến tranh, vào tháng 3.1976, tới vùng quê Sơn Mỹ, ở hàng tháng với bà con mới từ các vùng ấp chiến lược hay lẩn lút trong những “vùng oanh kích tự do” trở về. Bao nhiêu là khổ cực, vất vả, ký ức chiến tranh, ký ức về cuộc thảm sát 504 người dân Sơn Mỹ tháng 3 năm 1968 cứ trở về bất cứ lúc nào. Trong trường ca “Trẻ con ở Sơn Mỹ” tôi viết sau đó một năm, có đoạn về những người du kích Sơn Mỹ, mà tôi thấy trùng hợp với những người du kích ở Bình Dương:

trải qua rét buốt lửa nồng

  gia tài còn vẹn tấm lòng ấy thôi

  những người mọc thẳng giữa đời

  như rừng dương chắn ngang trời cát bay

  những người bền tựa rễ cây

  luồn trong đất đá cánh tay trụi trần

  họ dò tới những mạch ngầm bí mật

  đã nuôi được xương rồng trên trảng cát

  với xương rồng, họ tìm cách nở hoa

            (trường ca “Trẻ con ở Sơn Mỹ”)

Vâng, sau tất cả những hy sinh mất mát đau thương, thì cốt lõi vẫn là “với xương rồng, họ tìm cách nở hoa”, phải nở hoa bằng bất cứ giá nào. Họ đã đi tới ngày chiến thắng, ngày Hòa bình Thống nhất bằng chính lời thề ấy.

Hôm nay, sau tất cả mọi điều, thì dự án “Vườn Mẹ” mà anh Phan Đức Nhạn, một người con Bình Dương, một người có cha là Chủ tịch huyện Thăng Bình thời kháng chiến chống Pháp, có mẹ là liệt sĩ và là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có 4 người hy sinh trong chiến tranh, đã quyết theo đuổi dự án này từ nhiều năm nay. Anh Phan Đức Nhạn thuyết minh cho tôi nghe, rằng thì nơi ấy, nơi đã hai lần được phong Anh hùng trong chiến tranh, một lần sau chiến tranh, sẽ có bao nhiêu trái quả ngọt lành, bao nhiêu rau xanh mướt mát từ bàn tay mẹ, mà mỗi luống hành, cọng rau, quả bí, trái bầu… sẽ mang nặng lòng biết ơn với Mẹ, được chưng cất từ lòng Mẹ, cùng bao vất vả lo toan của mỗi người dân Bình Dương hôm nay.

“Vườn Mẹ”, còn một ý tưởng nào yêu thương hơn, còn lòng biết ơn nào sâu nặng hơn khi những đứa con hợp sức vun xới ngay trên mảnh đất Bình Dương đau thương và anh hùng này một khu vườn, không phải là “Vườn Thượng uyển”, mà là “Vườn Mẹ” với rau quả, với xương rồng nở hoa, với những bờ dương ngăn chắn cát, với những hồ chứa nước cho mùa khô, với tất cả những gì mà Mẹ chúng ta, những Bà Mẹ anh hùng đã dày công vun xới ngay từ những tháng ngày khốc liệt nhất trong chiến tranh.

Đó như một Bảo tàng của lòng Biết Ơn, lại như một Quyển Sách Xanh mà mọi người có thể lật giở từng trang để không bao giờ lãng quên quá khứ, không bao giờ nguôi nhớ những người Mẹ đã hy sinh tất cả, hy sinh cái quí giá nhất của đời mình là những đứa con, là người chồng đầu gối tay ấp, những người Mẹ đã bất đắc dĩ thành Anh hùng vì đã nếm trải quá nhiều đau thương mất mát.

Như những cây xương rồng trên cát, người Bình Dương đã quyết “nở hoa”, đã quyết sống. Đó là một ý chí sống mà không kẻ thù nào hiểu được, dập xóa được.

Và tôi tin, dự án “Vườn Mẹ” sẽ thành hiện thực trong một ngày không xa nữa. Ngày ấy, tất cả chúng ta sẽ cùng có mặt trên vùng cát cháy nay đã bật sáng những nụ chồi xanh tươi của cuộc sống, sẽ vươn cao lên những hàng dương của lòng Biết Ơn và ý chí quyết sống.

Vâng, phải quyết sống còn để có được hạnh phúc, đó là Bình Dương. Đó là Sơn Mỹ. Đó là Việt Nam.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vườn Mẹ - Chuyện của những đứa con