Một tin tức thuộc vào loại khó tin: Một người đàn ông bị khởi tố vì chém trọng thương 11 con trâu. Thoạt nghe có vẻ như bản tin đang hướng về một người tâm thần nhưng sự việc không phải vậy, nó mở ra một khung trời pháp lý luôn gây tranh cãi về việc quyền bảo vệ tài sản hay nói cách rộng hơn bảo vệ những cái thuộc về mình.

Vung dao chém trâu

10/05/2017, 16:16

Một tin tức thuộc vào loại khó tin: Một người đàn ông bị khởi tố vì chém trọng thương 11 con trâu. Thoạt nghe có vẻ như bản tin đang hướng về một người tâm thần nhưng sự việc không phải vậy, nó mở ra một khung trời pháp lý luôn gây tranh cãi về việc quyền bảo vệ tài sản hay nói cách rộng hơn bảo vệ những cái thuộc về mình.

Nhiều con trâu đã bị chém đứt gân chân sau - Ảnh: CAND

Những ngày cuối tháng tư vừa qua, người dân Quan Hóa tỉnh Thanh Hóa xì xào về việc trên địa bàn bản Khó, xã Hồi Xuân có rất nhiều trâu bị chết, bị đâm chém nhiều nhát như trong phim kinh dị, xác trâu phơi trên đồi cao, dư luận hoang mang không rõ thực hư.

Tất nhiên công an huyện Quan Hóa nhận được tin báo và việc điều tra không quá khó khăn vì thủ phạm hồn nhiên kể lại sự việc như kể lại một buổi nhậu. Đàn trâu gồm 11 con bị chém là của bốn hộ dân ở bản Đanh, xã Thành Lâm, huyện miền núi Bá Thước (giáp ranh huyện Quan Hóa). Số trâu này được các hộ dân thả rông trong rừng, không có người trông coi theo tập quán chăn nuôi gia súc lâu nay của đồng bào dân tộc thiểu số.

Khi đàn trâu trên di chuyển đến khu đồi rừng ở bản Khó, xã Hồi Xuân, đã vào phá hoại hoa màu của gia đình ông Hà Văn Chỉnh.

Phát hiện đàn trâu không về nhà như mọi ngày, các chủ trâu đi tìm và phát hiện có một con trâu bị chết do có nhiều vết chém, nằm trên diện tích trồng hoa màu của gia đình ông Hà Văn Chỉnh.

Sau đó, các chủ trâu phát hiện tiếp 5 con trâu bị chém đứt gân chân, không thể đi lại được và 5 con khác bị chém nhiều nhát trên cơ thể.

Ông Chỉnh nói rằng ông giết trâu là để bảo vệ hoa màu, tài sản của mình, chủ trâu không chăn dắt để xâm phạm tài sản của ông còn phải bồi thường thêm, nói chung ông Chỉnh cho rằng mình vô tội.

Thế nhưng, hành vi của ông Chỉnh đủ để cơ quan điều tra chuyển hóa thành chứng cứ khởi tố ông về hành vi “hủy hoại tài sản”. Theo điều 143 Bộ luật hình sự, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản có trị giá trên 2 triệu đồng trở lên thì đủ điều kiện khởi tố. Còn khởi tố theo khoản nào thì phải phụ thuộc vào định giá tài sản bị hủy hoại.

Vậy hành vi không chăn dắt để trâu thả rông làm hư hại hoa màu của những chủ trâu thì có được xem xét như là hành vi hủy hoại tài sản không? Hay tội đó thuộc về mấy con trâu?

Luật thì có nhưng xem ra cũng khó áp dụng vì đây là hành vi sai mang tính phổ biến, ít ra là ở địa phương này, thường có tập quán thả rông đàn trâu, bò trong đồi rừng để chúng tự kiếm ăn mà không có người trông coi.

Trong khi đó, diện tích đồi rừng kinh tế ở các địa phương đã được giao khoán cho hộ dân quản lý, chăm sóc, bảo vệ và hưởng lợi từ rừng. Đồng bào miền núi trồng nứa, vầu, luồng, ngô, sắn trên đồi rừng để phát triển kinh tế.

Do vậy, khi bị đàn trâu, bò thả rông đến phá hoại hoa màu đã gây bức xúc cho người dân.

Theo các chuyên gia pháp lý, việc người dân thả rông trâu, bò vào đồi rừng để chúng phá hoại hoa màu, gây thiệt hại về tài sản cho người khác cũng là hành vi vi phạm pháp luật.

Nếu định giá tài sản của người có hoa màu bị đàn trâu phá hoại thiệt hại từ 50 triệu đồng trở lên, thì chủ đàn trâu cũng có thể bị khởi tố về tội “vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản” theo điều 145 Bộ luật hình sự.

Còn nếu thiệt hại dưới 50 triệu đồng thì có thể xử lý hành chính, hoặc phải bồi thường trách nhiệm dân sự cho người bị hại.

Trong trường hợp này cũng cần xem xét trách nhiệm của những chủ trâu thả rông đối với số hoa màu, tài sản bị thiệt hại của ông Chỉnh, cũng như xem xét như là tình tiết giảm nhẹ vì nghi can hành động trong tình trạng tinh thần bị kích động vì tài sản, hoa màu bị đàn trâu làm hư hại.

Nhưng về mặt con người tôi cũng không biết ông Chính phải hành động như thế nào cho đúng mà vẫn bảo vệ được tài sản của mình.

Luật luôn đi sau cuộc sống là như vậy và nó còn phụ thuộc vào cách vận dụng của cơ quan tố tụng. Bởi thế mới có việc bây giờ trộm vào nhà thì tốt hơn hết rót nước, bắt giữ trộm không khéo thành thương tật thì lại thành tội đi tù.

Tôi thiết nghĩ với những vụ việc tương tự, Quốc Hội nên ban hành những điều luật trao quyền tự bảo vệ nhiều hơn cho công dân khi mà nơi cư trú bị xâm nhập, tài sản bị công nhiên chiếm đoạt hoặc hủy hoại. Như thế người có ý định xâm phạm gia cư hoặc chiếm đoạt, hủy hoại tài sản người khác cũng phải chùn tay.

Hoàng Linh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vung dao chém trâu